Quân đội Hoa Kỳ để ngỏ khả năng tham vấn về việc hộ tống các tàu Philippines ở Biển Đông đang tranh chấp, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ cho biết hôm 27/8, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Manila ở vùng biển tranh chấp.
Đô đốc Samuel Paparo nói như vậy khi ông trả lời câu hỏi trong cuộc họp báo ở Manila với Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Philippines, Tướng Romeo Brawner Jr. Tuyên bố cho thấy suy nghĩ của một trong những chỉ huy quân sự cao cấp nhất của Mỹ bên ngoài Hoa Kỳ về một hoạt động tiềm năng có nguy cơ khiến các tàu Hải quân Mỹ xung đột trực tiếp với tàu Trung Quốc.
Các tàu hải cảnh, hải quân và các tàu bị nghi là của dân quân của Trung Quốc thường xuyên đụng độ với các tàu Philippines trong khi các tàu này tiếp tế cho các thủy thủ Philippines đóng quân ở các khu vực trên Biển Đông mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Khi những cuộc đụng độ này ngày càng trở nên căng thẳng, dẫn đến thương tích cho các thủy thủ Philippines và gây hư hại cho tàu của họ, chính phủ Philippines đã phải đối mặt với những câu hỏi về việc kích hoạt một hiệp ước liên minh với Washington.
Ông Paparo và ông Brawner đã trả lời câu hỏi của các phóng viên sau hội nghị quân sự quốc tế ở Manila do Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ tổ chức, và tại hội nghị này, các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông được nêu lên. Các quan chức quân sự, quốc phòng và ngoại giao của Mỹ và các nước đồng minh đã tham dự nhưng không có đại diện nào của Trung Quốc.
Khi được hỏi liệu quân đội Mỹ sẽ cân nhắc việc hộ tống các tàu Philippines vận chuyển thực phẩm và các vật tư khác cho lực lượng Philippines ở Biển Đông hay không, ông Paparo trả lời: “Chắc chắn rồi, trong khuôn khổ tham vấn”.
“Mọi lựa chọn giữa hai quốc gia có chủ quyền về mặt phòng thủ chung, hộ tống tàu này hay tàu kia, là một lựa chọn hoàn toàn hợp lý trong Hiệp ước phòng thủ chung của chúng tôi, trong liên minh chặt chẽ giữa hai nước chúng tôi”, ông Paparo nói nhưng không cho biết cụ thể.
Ông Brawner phản ứng thận trọng với đề xuất này, vốn có thể vi phạm luật pháp Philippines, bao gồm cả điều khoản hiến pháp, cấm các lực lượng nước ngoài trực tiếp tham gia các hoạt động chiến đấu địa phương.
“Quan điểm của Lực lượng Vũ trang Philippines, theo quy định của luật pháp Philippines, là trước tiên chúng tôi phải dựa vào chính mình. Chúng tôi sẽ thử mọi phương án, mọi con đường có sẵn để chúng tôi đạt được sứ mệnh… trong trường hợp này là việc tiếp tế và luân chuyển binh sĩ của chúng tôi,” ông Brawner nói.
“Sau đó, chúng tôi sẽ tìm kiếm các lựa chọn khác khi chúng tôi đã bị hạn chế trong việc tự mình thực hiện việc đó,” người đứng đầu lực lượng vũ trang Philippines nói thêm.
Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cho biết cho đến nay vẫn chưa có tình huống nào cần tới việc kích hoạt hiệp ước, vốn yêu cầu các đồng minh phải hỗ trợ lẫn nhau nếu họ bị tấn công từ bên ngoài.
Tổng thống Joe Biden và chính quyền của ông đã nhiều lần cam kết “sắt đá” nhằm giúp bảo vệ Philippines theo hiệp ước năm 1951 nếu các lực lượng, tàu và máy bay của Philippines bị tấn công vũ trang, kể cả ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr phát biểu tại hội nghị rằng Trung Quốc là “kẻ phá rối lớn nhất” hòa bình ở Đông Nam Á và kêu gọi quốc tế chỉ trích mạnh mẽ hơn đối với hành động gây hấn của nước này ở Biển Đông, một ngày sau khi Trung Quốc chặn các tàu Philippines vận chuyển thực phẩm tới một tàu bảo vệ bờ biển tại Bãi cạn Sabina đang tranh chấp ở vùng biển có các bên tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nói rằng “không bao giờ có thể gán cho Trung Quốc cái mác phá hoại hòa bình”, đồng thời đổ lỗi cho các tác nhân khác “xâm phạm và khiêu khích ở Biển Đông cũng như đưa lực lượng bên ngoài vào để phá hoại bức tranh toàn cảnh về hòa bình và ổn định khu vực”.
Bộ trưởng Teodoro sau đó nói với các phóng viên bên lề hội nghị rằng các tuyên bố của quốc tế bày tỏ quan ngại về các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp và những nơi khác là "chưa đủ".
Ông cũng kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á hành động nhiều hơn nữa. Khối 10 quốc gia Đông Nam Á bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei, những nước có các yêu sách ở Biển Đông chồng lấn lẫn nhau, cũng như của Trung Quốc và Đài Loan.
Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng quân đội và ngày càng quyết đoán hơn trong việc theo đuổi các yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ. Căng thẳng đã dẫn đến các cuộc đối đầu thường xuyên hơn, chủ yếu là với Philippines, mặc dù các tranh chấp lãnh thổ lâu đời cũng liên quan đến các bên yêu sách khác, bao gồm Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei.
Trong một động thái riêng rẽ, chính phủ Nhật Bản hôm 27/8 đưa ra phản đối với Bắc Kinh, nói rằng một máy bay trinh sát của Trung Quốc đã xâm phạm không phận của mình và buộc nước này phải ngay lập tức điều máy bay chiến đấu.
Diễn đàn