Ủy ban Tư pháp Thượng viện do Đảng Cộng hòa chi phối đã phê chuẩn đề cử của Tổng thống Donald Trump, thẩm phán Brett Kavanaugh, vào ghế trống ở Tối cao Pháp viện nhưng ứng viên này đang phải đối mặt trước một cuộc điều tra của FBI liên quan đến tố cáo ông có hành vi tình dục sai trái trước khi toàn thể Thượng viện có thể bỏ phiếu chuẩn thuận ông.
Ngay trước khi cuộc bỏ phiếu đến lúc phải diễn ra tại Ủy ban Tư pháp, Thượng nghị sỹ Cộng hòa có quan điểm trung dung Jeff Flake Flake đã rời khỏi phòng họp để nói chuyện với một số người thuộc phe Dân chủ, khiến cho mọi việc càng trở nên gay cấn. Trong thời gian trì hoãn đó, các thượng nghị sỹ và trợ lý còn lại trong phòng trao đổi thầm thì với nhau.
Đảng Cộng hòa đã hội đủ số phiếu để phê chuẩn ông Kavanaugh trong Ủy ban Tư pháp vốn bị chia rẽ trầm trọng sau khi Thượng nghị sỹ Flake tuyên bố ủng hộ Kavanaugh.
Khi ủy ban bỏ phiếu, một số Thượng nghị sỹ Dân chủ đã rời khỏi phòng họp để phản đối. Ủy ban Tư pháp Thượng viện có 11 thành viên Cộng hòa và 10 thành viên Dân chủ.
“Thật là ép người,” Thượng nghị sỹ Dân chủ Mazie Hirono nói.
Chưa rõ liệu phe Cộng hòa, với thế đa số khít khao 51-49, có hội đủ số phiếu tại cuộc biểu quyết chung cuộc ở Thượng viện để thông qua đề cử ông Kavanaugh hay không. Điều này khiến cho lá phiếu của hai Thượng nghị sỹ Cộng hòa có quan điểm trung dung hiện chưa đưa ra quyết định là Lisa Murkowski và Susan Collins có vai trò quyết định.
Chủ tịch Ủy ban, ông Chuck Grassley của Đảng Cộng hòa nói rằng ông nhận thấy phần trình bày của cả người cáo buộc là Tiến sỹ Christine Blasey Ford và ông Kavanaugh là ‘đáng tin’, nhưng nói thêm rằng: “Không có lý do gì để không cho Thẩm phán Kavanaugh ngồi vào chiếc ghế ở Tối cao Pháp viện dựa trên những bằng chứng được đưa ra cho chúng ta.”
Cuộc biểu quyết của Ủy ban Tư pháp Thượng viện diễn ra 1 ngày ngay sau cuộc điều trần của ông Kavanaugh và bà Ford, cũng có nghĩa là các thành viên của Ủy ban không có nhiều thời gian để xem xét những gì đã diễn ra tại phiên điều trần hôm trước. Ông Kavanaugh đã mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc và buộc tội Đảng Dân chủ là tiến hành ‘tấn công chính trị có tính toán và dàn dựng’.
Thượng nghị sỹ Dianne Feinstein, thành viên cao cấp của Đảng Dân chủ trong Ủy ban, gọi lời phát biểu của ông Kavanaugh là ‘không phù hợp’ đối với một người được đề cử cho vị trí tư pháp.
“Đây là một người hung hăng và hiếu chiến. Tôi chưa từng thấy ai muốn được vào tòa án cao nhất của đất nước lại cư xử như vậy,” bà Feinstein nói.
Một thành viên Dân chủ khác, bà Amy Klobuchar, lưu ý rằng Chủ tịch Grassley đã cám ơn Ford về sự can đảm của bà nhưng lại không đồng ý mở cuộc điều tra.
“Sự can đảm ở đâu trong căn phòng này?” bà Klobuchar đặt vấn đề.
Thượng nghị sỹ Flake, người trước đó đã nêu lên quan ngại về những cáo buộc đối với Kavanaugh, nói rằng bà Ford đã đưa ra lời khai ‘rất lay động’ nhưng ông Kavanaugh cũng có câu trả lời thuyết phục.
Chẳng lâu sau khi ông Flake đưa ra tuyên bố này, ông đã bị hai người phụ nữ chất vấn trong thang máy khi ông đang trên đường quay trở lại phòng họp. Hai người phụ nữ này nói rằng họ là nạn nhân bị tấn công tình dục.
“Đó là điều mà ông muốn nói với tất cả phụ nữ ở Mỹ - rằng họ chẳng quan trọng gì hết, họ nên giữ kín việc đó trong lòng,” một trong hai người phụ nữ này mắng vào mặt ông Flake trong đoạn trao đổi được CNN ghi hình và phát sóng.
Nếu được chuẩn thuận, Kavanaugh sẽ củng cố sự kiểm soát của phe bảo thủ đối với Tối cao Pháp viện và có thể thúc đẩy nỗ lực của ông Trump và Đảng Cộng hòa muốn đưa Tư pháp Mỹ về phía hữu.
Phe Dân chủ nói rằng nếu đề cử Kavanaugh được xác nhận thì đó sẽ là vết nhơ của Tối cao Pháp viện vốn tự hào là vượt lên trên những tranh chấp chính trị.
“Bỏ phiếu đưa ra toàn thể Thượng viện và cuối cùng chuẩn thuận Thẩm phán Kavanaugh trong khi ông ấy bị đám mây đen ngờ vực bao phủ sẽ thay đổi vĩnh viễn Thượng viện và Tòa án Tối cao của chúng ta. Nó sẽ chính trị hóa Tối cao Pháp viện Mỹ,” Thượng nghị sỹ Dân chủ Patrick Leahy nói.
Đảng Dân chủ đã kêu gọi hoãn bỏ phiếu phê chuẩn ông Kavanaugh để có thời gian cho FBI điều tra. Hiệp hội Luật sư Mỹ, vốn trước đó ủng hộ ông Kavanaugh, và Hiệu trưởng Trường Luật Đại học Yale, nơi ông Kavanaugh theo học, cũng kêu gọi FBI điều tra – chỉ dấu đầu tiên cho thấy giới luật pháp ở Mỹ đang quay lưng lại với ông Kavanaugh.
Các thành viên Cộng hòa trong Ủy ban cũng bỏ phiếu bác bỏ yêu cầu của phe Dân chủ muốn đòi Mark Judge, một người bạn của Kavanaugh mà bà Ford nói rằng đã chứng kiến hành vi tấn công bà, ra khai chứng. Trước đó, ông Judge đã gửi một tuyên bố bằng văn bản đến Ủy ban nói rằng ông không nhớ có xảy ra chuyện như vậy.
Thượng nghị sỹ Joe Donnelly, một thành viên Dân chủ trung dung hồi năm ngoái đã bỏ phiếu ủng hộ đề cử của ông Trump đưa ông Neil Gorsuch vào Tòa án Tối cao, tuyên bố ông sẽ bỏ phiếu chống Kavanaugh. Hai lá phiếu quan trọng khác của Đảng Dân chủ vốn cũng từng bỏ phiếu cho Gorsuch là Heidi Heitkamp và Joe Manchin chưa công bố ý định bỏ phiếu của họ.
Tin mới nhất cho hay Tổng thống Donald Trump cùng ngày đã ra lệnh cho FBI mở lại cuộc điều tra về các cáo buộc tấn công tình dục chống lại ông Kavanaugh và yêu cầu mọi việc phải hoàn tất dưới 1 tuần.
Ông Trump nói “Tôi đã ra lệnh cho FBI tiến hành cuộc điều tra bổ sung để cập nhật hồ sơ của Thẩm phán Kavanaugh. Như yêu cầu của Thượng viện, cuộc điều tra cập nhật này có phạm vi giới hạn và phải hoàn tất dưới 1 tuần lễ.”
Tiến sỹ Christine Blasey Ford, người đầu tiên tố cáo ông Kavanaugh, hoan nghênh việc mở điều tra nhưng kêu gọi chớ nên có các giới hạn ‘tự tạo’ nào về thời gian hay phạm vi, theo luật sư Debra Katz, người bảo vệ cho bà Ford.
Bản thân Thẩm phán Brett Kavanaugh, trong một thông cáo do Tòa Bạch Ốc phổ biến, tuyên bố sẽ hợp tác với yêu cầu của các Thượng nghị sỹ, liên quan đến cuộc điều tra.
Nếu vào được Tối cao Pháp viện, ông Kavanaugh sẽ là lá phiếu quyết định trong những vấn đề pháp lý gây tranh cãi như phá thai, nhập cư, quyền của người đồng tính, quyền bầu cử và quyền tham gia quân đội của người chuyển giới vốn sẽ sớm được đưa ra quyết định.