Chủ nghĩa dân tộc và thái độ ‘ai thắng lấy hết’ đang làm tổn hại tính kết nối của châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu hôm 27/9, hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ chủ nghĩa toàn cầu và ca ngợi chính sách ‘Nước Mỹ Trước hết’ của ông trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Không đề cập đích danh ông Trump hay đường lối dân tộc chủ nghĩa và và bảo hộ mậu dịch của ông, bà Merkel nói với những người cùng đảng bảo thủ với bà tại một sự kiện ở Quỹ Konrad Adenauer ở Berlin rằng Liên minh châu Âu và Đức đang đối mặt với một thời khắc bước ngoặt.
Ông Trump đã đe dọa rút Mỹ ra khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nếu điều này thành hiện thực, một trong những nền tảng của kinh tế thế giới thời hiện đại mà Washington đóng vai trò sáng lập chủ chốt và là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất, sẽ bị suy yếu.
Ông cũng nghi vấn về giá trị của khối đồng minh NATO vốn là hòn đá tảng trong hợp tác an ninh xuyên Đại Tây Dương trong gần 70 năm qua.
“Có lẽ diễn biến mang tính đe dọa lớn nhất đối với tôi là chủ nghĩa đa phương đang bị sức ép như thế,” bà Merkel nói. “Châu Âu đang bị tấn công từ bên trong lẫn bên ngoài.”
Bà Merkel, vốn trưởng thành dưới chế độ cộng sản ở Đông Đức, nói rằng bà chưa bao giờ nghĩ rằng thế giới một lần nữa lại đối mặt với sự xung đột giữa các trường phái tư tưởng.
“Tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ có sự xung đột một lần nữa giữa các hệ thống như chúng ta xung đột với Trung Quốc hiện nay và chắc chắn là cũng xung đột với Hoa Kỳ,” bà Merkel nói.
Bài diễn văn của ông Trump trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 25/9 là sự lặp lại các chính sách ‘Nước Mỹ Trước hết’ của ông. Ông đã làm đảo lộn trật tự thế giới với việc rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và thỏa thuận khí hậu Paris và dọa sẽ trừng phạt các nước đồng minh NATO nếu họ không móc hầu bao nhiều hơn cho việc phòng vệ chung của khối.
“Đó là thời điểm để ra quyết định khi mà những điều mặc định là hiển nhiên đòi hỏi phải có lập trường,” bà nói và cho biết kết quả cùng thắng sẽ khó lòng đạt được nếu ai đó tìm cách giải quyết bất đồng theo kiểu chỉ mình tôi được lợi.
“Khi sự nhượng bộ bị xem thường, nền dân chủ gặp họa,” bà Merkel nói và cho biết việc tìm ra điểm cân bằng giữa các lợi ích khác nhau là ‘kỷ luật tối cao của nền dân chủ’.
Đề cập đến việc một số chính trị gia sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều, bà Merkel cảnh báo về việc tạo ra ‘vòng xoáy phẫn nộ’. Bà cho rằng trao đổi về những quan điểm khác biệt là cần thiết cho nền dân chủ.