Đường dẫn truy cập

Trump dọa ngừng giao thương với các đồng minh khi rời hội nghị G7


Tổng thống Donald Trump phát biểu trong một cuộc họp báo tại hội nghị thượng đỉnh G7 summit ở La Malbaie, Québec, Canada, ngày 9 tháng 6, 2018.
Tổng thống Donald Trump phát biểu trong một cuộc họp báo tại hội nghị thượng đỉnh G7 summit ở La Malbaie, Québec, Canada, ngày 9 tháng 6, 2018.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Bảy cáo buộc các nước khác “cướp bóc” Mỹ về vấn đề thương mại và đe dọa đình chỉ giao thương với họ hoàn toàn trong khi ông thúc đẩy chủ trương “Nước Mỹ Trước Tiên” của mình tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm bảy cường quốc kinh tế thế giới (G7).

Ông Trump, người đã khiến các đồng minh hàng đầu của Washington giận dữ vào tuần trước khi ông áp thuế quan lên thép và nhôm nhập khẩu từ Canada, Liên minh Châu Âu và Mexico, đả kích thương mại toàn cầu với những lời lẽ chỉ trích nhắm vào G7 và Ấn Độ.

“Chúng tôi giống như con heo đất mà mọi người cứ cướp bóc,” ông nói tại một cuộc họp báo trước khi rời đi sớm khỏi hội nghị thượng đỉnh hai ngày ở La Malbaie, tỉnh Québec, nơi ông gặp gỡ các nhà lãnh đạo Canada, Anh, Pháp, Ý, Đức và Nhật Bản.

“Không chỉ có G7. Ý tôi là có Ấn Độ nữa, nơi mà một số mức thuế quan là 100 phần trăm ... Và chúng tôi chẳng đánh thuế gì cả,” ông nói. “Và chuyện này sẽ chấm dứt. Hoặc là chúng tôi sẽ ngừng giao thương với họ.”

Ông Trump nhắc lại rằng các mức thuế quan của ông có mục đích bảo vệ ngành công nghiệp và người lao động Mỹ khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh của quốc tế. Ông nói ông đã đề nghị với các nhà lãnh đạo khác của G7 là bãi bỏ tất cả các rào cản thương mại, bao gồm thuế quan và các khoản trợ giá.

Ông cũng phủ nhận hội nghị thượng đỉnh diễn ra với nhiều tranh cãi, một phát biểu mâu thuẫn với điều mà một quan chức G7 mô tả là một cuộc trao đổi "hết sức bất thường" hôm thứ Sáu, trong đó ông Trump lại liệt kê một loạt những than phiền về thương mại, chủ yếu liên quan đến EU và Canada, Reuters cho hay.

Nhà Trắng không hồi đáp ngay lập tức yêu cầu của Reuters bình luận về những phát biểu của quan chức này về ông Trump.

Những người đồng cấp của ông Trump tại G7 vẫn đang hối hả cố gắng tìm một số điều mà có thể được xem là sự đồng thuận với Washington về thương mại và các vấn đề chính yếu khác vốn đã hình thành nên cơ sở của tổ chức 42 năm này.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói có sự đồng thuận rộng rãi giữa các nhà lãnh đạo G7 rằng thuế quan và các rào cản thương mại khác nên được giảm bớt, dù bà thừa nhận vẫn còn những khác biệt với Mỹ.

“Đây là những nguyên tắc mà các bên cùng chia sẻ, dù những khó khăn vẫn nằm ở chi tiết,” bà nói trong một cuộc họp báo, và nói thêm rằng bà dự kiến một tuyên bố chung về thương mại sẽ được công bố vào cuối hội nghị.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết thỏa thuận này sẽ là một bước khả quan đầu tiên và thể hiện mong muốn của các quốc gia G7 trong việc bình ổn tình hình.

“Tuy nhiên, tôi không xem mọi chuyện đã đạt được với một tuyên bố và rõ ràng là chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực trong những tuần tới, những tháng tới,” ông Macron nói với các phóng viên.

Canada và EU đã lên án các mức thuế quan của Mỹ là bất hợp pháp và phi lý và Ottawa đã đề xuất các mức thuế áp lên một loạt mặt hàng của Mỹ vào tháng sau trong khi EU tuyên bố sẽ có những biện pháp trả đũa của riêng mình.

Tổng thống Mỹ rời đi trước khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc và sẽ bay đến Singapore để gặp gỡ lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un. Ông mô tả chuyến đi này là một "sứ mệnh hòa bình."

Ngoài thương mại, cũng có bất đồng tại hội nghị thượng đỉnh về lập trường của G7 về biến đổi khí hậu và gợi ý của ông Trump cho Nga được gia nhập lại nhóm này.

Nga đã bị gạt ra vào năm 2014 vì sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Bà Merkel hôm thứ Bảy nói trước hết phải có tiến bộ về kế hoạch hòa bình ở Ukraine trước khi có bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc tái tiếp nhận Moscow.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG