Sau khi bị lãnh đạo khối đa số ở Thượng viện Mỹ Chuck Schumer gây áp lực, Bắc Kinh đã lên án các cuộc tấn công do Hamas phát động ở Israel nhưng không nêu đích danh Hamas.
Trong tuyên bố mới nhất từ Bộ Ngoại giao, Trung Quốc lên án “tất cả bạo lực và tấn công vào dân thường” và nói “nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là đạt được lệnh ngừng bắn và khôi phục hòa bình”.
Tuyên bố hôm 9/10 được đưa ra sau khi ông Schumer, một đảng viên Dân chủ, bày tỏ sự thất vọng với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình về tuyên bố trước đó của Trung Quốc chỉ kêu gọi kiềm chế.
Ông Schumer nói trong một tuyên bố hôm 9/10: “Tôi đã nêu lên với Chủ tịch Tập về những hành động tàn bạo đang diễn ra chống lại Israel và sự cần thiết của cộng đồng thế giới để cùng nhau chống lại chủ nghĩa khủng bố và sát cánh với người dân Israel, đồng thời yêu cầu rõ ràng Chủ tịch Tập rằng Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cần củng cố tuyên bố của họ; họ đã làm như vậy.”
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 9/10, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nêu tên Hamas và từ chối mô tả các cuộc tấn công do các phần tử chủ chiến tiến hành là một hành động khủng bố.
Theo hãng tin AP, chỉ có Tòa đại sứ Trung Quốc tại Israel mới nêu tên Hamas và gọi các chiến binh này là “những kẻ khủng bố” khi nói rằng một phụ nữ trẻ mang hai dòng máu Israel và Trung Quốc nằm trong số những con tin bị các chiến binh Hamas bắt giữ.
Một tuyên bố của tòa đại sứ nói: “Noa bị những kẻ khủng bố Hamas bắt cóc khi đang tham dự một lễ hội âm nhạc hòa bình ở miền nam Israel. Cô ấy bị đưa từ Israel đến Gaza”. “Cô ấy là một người con, một người chị, và là một người bạn.”
Duy trì ảnh hưởng
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc tránh trực tiếp lên án Hamas để duy trì ảnh hưởng ở các nước đang phát triển.
Ông Jonathan Schanzer, phó chủ tịch cấp cao phụ trách nghiên cứu của Quỹ Bảo vệ các nền Dân chủ, nói với VOA: “Trung Quốc luôn nghiêng về thế giới Ả Rập và thậm chí cả các chủ thể phi nhà nước được các quốc gia bất hảo hậu thuẫn”.
Ông Benjamin H. Friedman, giám đốc chính sách của Defense Priorities, nói với VOA: “Trung Quốc đang cố gắng giữ một vị thế trung lập hơn Hoa Kỳ và để được thế giới coi là một nhà môi giới trung lập hoặc trung thực hơn, và không nhất thiết phải liên kết với Israel như là Hoa Kỳ. Và tôi nghĩ điều đó phù hợp với mong muốn giành được ảnh hưởng ở nhiều nước đang phát triển.”
Trung Quốc tăng cường quan hệ với Israel từ năm 2013, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ, trong đó có công nghệ quân sự.
Trong khi đó, Bắc Kinh đã xâm nhập vào hoạt động hòa giải hòa bình ở Trung Đông, thách thức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Các nhà phân tích cho rằng thái độ mơ hồ của Bắc Kinh đối với các cuộc tấn công gần đây được tính toán để duy trì mối quan hệ với các cường quốc trong khu vực như Ả Rập Xê-Út và để đối lập với bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm hòa giải xung đột.
Ả Rập Xê-Út và Iran đã nối lại quan hệ ngoại giao vào tháng 3 trong một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian, được coi là làm tăng sức mạnh địa chính trị của Bắc Kinh trong khu vực.
Ông Adam Gallagher, biên tập viên quản lý về các vấn đề công cộng và truyền thông tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ, đã viết vào tháng 3 rằng đối với Trung Quốc, “làm trung gian cho việc nối lại quan hệ giữa hai đối thủ lâu năm ở Trung Đông này có những khía cạnh mang tính biểu tượng và chiến lược quan trọng”.
“Về mặt chiến lược, Bắc Kinh cần duy trì dòng dầu tự do chảy ra khỏi khu vực. Nhưng những gì thỏa thuận này báo hiệu về vai trò của Bắc Kinh trong các vấn đề toàn cầu có thể chỉ quan trọng đối với Trung Quốc… quốc gia đang thực hiện một cuộc tấn công ngoại giao nhằm xây dựng một giải pháp thay thế cho sự thống trị của Hoa Kỳ trong các vấn đề toàn cầu”.
Trong khi đó, Hoa Kỳ đang cố gắng làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa Ả Rập Xê-Út và Israel. Đó sẽ được coi là một bước thụt lùi về mặt ngoại giao đối với Iran, quốc gia từ lâu đã được xác định là nước ủng hộ quan trọng của Hamas.
Carice Witte, người sáng lập và giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn Sino-Israel Global Network and Academic Leadership có trụ sở tại Israel, nói với đài VOA rằng mặc dù Trung Quốc không muốn chứng kiến các cuộc tấn công vào Israel như những cuộc tấn công vào cuối tuần qua, nhưng “họ muốn thấy Ả Rập Xê-Út đứng về phía Trung Quốc. Việc bình thường hóa sẽ xảy ra, đặc biệt là bây giờ sau những gì chúng ta đang chứng kiến, sẽ kéo thêm nhiều quốc gia Ả Rập vào bình thường hóa và hợp tác với Israel.”
Israel đã mô tả các cuộc tấn công cuối tuần của Hamas là biến cố “11/9” của họ, đề cập đến tác động của các cuộc tấn công đối với người Israel về tính mạng, tài sản và tinh thần.
Sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở Mỹ, Trung Quốc đã thẳng thắn lên án chủ nghĩa khủng bố và có những cử chỉ ủng hộ chính phủ Mỹ, một động thái giúp Bắc Kinh cải thiện quan hệ với Washington sau nhiều năm căng thẳng giữa hai cường quốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia không cho rằng Trung Quốc sẵn sàng và có khả năng lợi dụng cuộc khủng hoảng hiện tại để tăng cường quan hệ Trung-Israel.
Ông Friedman nói: “Tôi không nghĩ họ đang nắm bắt cơ hội để nâng cao quan hệ đối tác. Họ có vẻ quan tâm hơn đến việc được coi là trung lập”.
Diễn đàn