Cả Israel và Hamas đều tuyên bố chiến thắng hôm thứ Sáu 21/5 sau khi lực lượng của hai bên chấm dứt 11 ngày giao tranh, nhưng các tổ chức nhân đạo cảnh báo rằng những thiệt hại ở Gaza sẽ phải mất nhiều năm để xây dựng lại.
Giữa lúc người Palestine và người Israel bắt đầu đánh giá quy mô của những thiệt hại, một cư dân Gaza miêu tả khu láng giềng của ông “trông giống như đã bị sóng thần quét qua”.
Đứng bên đống đổ nát của một tòa tháp 14 tầng, Abu Ali hỏi: "Làm thế nào thế giới có thể tự xưng là văn minh?"
Các quan chức Palestine ước lượng chi phí tái thiết sẽ lên tới hàng chục triệu USD, trong khi các nhà kinh tế nhận định cuộc giao tranh có thể kìm hãm đà phục hồi kinh tế của Israel sau đại dịch COVID-19.
Có thêm năm xác chết khác được lôi ra khỏi đống đổ nát tại Gaza, nâng con số tử vong lên 243 ca, trong số này có 66 trẻ em. Ngoài ra còn có hơn 1.900 người bị thương.
Quân đội Israel cho biết một binh sĩ Israel và 12 thường dân đã thiệt mạng và hàng trăm người đang được điều trị vết thương sau các đợt phóng tên lửa gây hoảng loạn và buộc cư dân các vùng cho tới tận Tel Aviv phải cấp tốc chạy vào hầm trú ẩn.
Người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới, bà Margaret Harris, cho biết các cơ sở y tế tại Gaza có nguy cơ trở nên quá tải vì hàng nghìn người bị thương.
Bà kêu gọi các giới hữu trách hãy cho phép Tổ chức Y tế Thế giới lập tức tiếp cận Dải Gaza để đưa nhân sự vào giúp và cung cấp các vật phẩm y tế.
Ông Fabrizio Carboni, giám đốc khu vực của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế, lặp lại lời kêu gọi của WHO về nguồn cung cấp y tế khẩn cấp.
Gaza trong nhiều năm đã chịu đựng lệnh phong tỏa của Israel, vốn muốn hạn chế sự di chuyển của người và hàng hóa, cũng như các hạn chế của Ai Cập.
Cả hai nước đều bày tỏ lo ngại về khả năng vũ khí có thể tới tay Hamas, nhóm Hồi giáo đang nắm quyền kiểm soát Gaza và cũng là nhóm cầm đầu chiến dịch phóng tên lửa, tấn công Israel.
Người Palestine nói các hạn chế ấy chẳng khác nào biện pháp trừng phạt tập thể đối với 2 triệu dân ở Gaza.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Năm 20/5 cho biết viện trợ sẽ nhanh chóng được gửi tới Gaza, nhưng phối hợp với Chính quyền Palestine - đối thủ của Hamas được phương Tây hậu thuẫn trên vùng Bờ Tây đang bị Israel chiếm đóng - "để không cho phép Hamas tái trang bị kho vũ khí quân sự của họ" .
Trong bài phát biểu trước quốc dân trên đài truyền hình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói chiến dịch này đã phá hủy khả năng của Hamas trong việc phóng tên lửa vào Israel.
Ông nói Israel đã phá hủy hệ thống đường hầm rộng lớn của Hamas, các nhà máy sản xuất tên lửa, phòng thí nghiệm vũ khí và kho chứa của Hamas, đồng thời giết chết hơn 200 chiến binh, trong đó có 25 nhân vật cấp cao.
Israel nói các nhóm Hamas, Hồi giáo Jihad và các nhóm chiến binh khác đã phóng đi khoảng 4.350 quả rocket từ Gaza trong cuộc xung đột, trong đó có khoảng 640 quả rơi xuống Dải Gaza.
Thủ lãnh Hamas, Ismail Haniyeh coi cuộc giao tranh là một cuộc kháng chiến thành công trước một kẻ thù mạnh hơn về mặt quân sự và kinh tế.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ xây dựng lại những gì mà quân chiếm đóng Israel đã phá hủy, và khôi phục lại các khả năng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không từ bỏ nghĩa vụ và bổn phận của mình đối với các gia đình liệt sĩ, những người bị thương và những người mà nhà cửa phá hủy.
Haniyeh bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhà thương thuyết người Ai Cập, Qatar và Liên Hiệp Quốc, cũng như Iran, mà họ nói là "quốc gia không ngưng cung cấp tiền bạc, vũ khí và công nghệ cho quân kháng chiến".
Ai Cập, bên làm trung gian đi tới thỏa thuận, đã thảo luận về các biện pháp nhằm tránh xảy ra giao tranh trở lại như các cuộc tấn công bằng tên lửa từ Gaza và các cuộc tấn công của Israel đổ xuống khu vực này.
Một nhà ngoại giao phương Tây cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, là người đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, trong cương vị tổng thống, hình như đã đóng một vai trò thiết yếu dẫn tới cuộc ngừng bắn.