Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới về phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, vượt qua Trung Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu và các biện pháp quan trọng khác về sáng kiến AI, theo chỉ số mới công bố của Đại học Stanford.
Không có cách chắc chắn nào để xếp hạng vị trí lãnh đạo AI toàn cầu nhưng các nhà nghiên cứu của Stanford đã nỗ lực bằng cách đo lường “sự sôi động” của ngành AI trên nhiều khía cạnh khác nhau, từ mức độ nghiên cứu và đầu tư đang diễn ra cho đến mức độ công nghệ đang được theo đuổi có trách nhiệm như thế nào để ngăn ngừa tác hại.
Nhà khoa học máy tính Ray Perrault, giám đốc ủy ban chỉ đạo điều hành Chỉ số AI của Stanford, cho biết “Khoảng cách thực sự đang nới rộng” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. “Hoa Kỳ đang đầu tư nhiều hơn, ít nhất là ở cấp độ thành lập công ty và tài trợ cho công ty”.
Viện AI đặt trọng tâm vào con người của trường đại học có trụ sở tại California — có quan hệ với ngành công nghệ AI của Thung lũng Silicon — đã công bố phúc trình vào ngày 21/11 khi các quan chức AI của chính phủ Hoa Kỳ và một số đồng minh họp tại San Francisco trong tuần này để so sánh các ghi chú về các biện pháp an toàn AI.
Sau đây là những quốc gia lọt vào top 10:
Hoa Kỳ
Hoa Kỳ xếp hạng số 1 trong danh sách của Stanford và liên tục giữ vị trí đó kể từ năm 2018 khi vượt qua Trung Quốc. Theo phúc trình, Hoa Kỳ đã vượt xa Trung Quốc về đầu tư AI tư nhân, đạt 67,2 tỷ đô la tại Hoa Kỳ vào năm ngoái so với 7,8 tỷ đô la tại Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng dẫn đầu trong việc công bố nghiên cứu AI có trách nhiệm. Không có gì ngạc nhiên khi nơi có các công ty AI thương mại hùng mạnh như Google và Meta, cùng với những công ty mới như OpenAI và Anthropic, đã tạo ra nhiều mô hình AI đáng chú ý có ảnh hưởng đến cách công nghệ này đang được phát triển và ứng dụng. Hoa Kỳ cũng nhận được một số điểm vì có một số luật liên quan đến AI được đề ra mặc dù Quốc hội vẫn chưa thông qua bất kỳ quy định chung nào về AI.
Trung Quốc
Cơ quan sở hữu trí tuệ của Liên hiệp quốc cho biết vào đầu năm nay, Trung Quốc đã yêu cầu cấp nhiều bằng sáng chế hơn bất kỳ quốc gia nào khác liên quan đến AI. Các nhà nghiên cứu của Stanford coi đó là một thước đo về sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc trong sáng kiến AI nhưng không đủ để dẫn đầu. Tuy nhiên, phúc trình nói rằng “Việc Trung Quốc tập trung vào phát triển các công nghệ AI tiên tiến và tăng cường đầu tư vào Nghiên cứu và Phát triển R&D đã đưa nước này trở thành một cường quốc AI lớn”. Các trường đại học của Trung Quốc đã sản xuất một số lượng lớn các ấn phẩm nghiên cứu liên quan đến AI và có các nhà lãnh đạo thương mại phát triển các mô hình AI đáng chú ý, chẳng hạn như Baidu và chatbot Ernie của họ.
Vương quốc Anh
Vương quốc Anh đứng ở vị trí thứ 3, nơi cũng được xếp hạng cao về nghiên cứu và phát triển, và cơ sở hạ tầng giáo dục do các trường đại học khoa học máy tính hàng đầu đào tạo ra lực lượng lao động AI lành nghề. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của công ty con AI của Google là DeepMind, người đồng sáng lập của công ty này gần đây đã giành giải Nobel; và “đề cập tới AI trong các phiên làm việc của quốc hội nhiều hơn” so với bất kỳ quốc gia nào khác. Năm ngoái, Vương quốc Anh đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI quốc tế đầu tiên trên thế giới.
Ấn Độ
Theo phúc trình, Ấn Độ đứng ngay sau Vương quốc Anh, nhờ “cộng đồng nghiên cứu AI mạnh mẽ”, những cải thiện trong đầu tư kinh tế gắn liền với AI và diễn ngôn công khai mạnh mẽ về AI trên truyền thông xã hội.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất
Việc UAE tập trung có chủ đích vào AI dường như đã mang lại thành quả khi quốc gia Trung Đông này đạt được vị trí thứ năm. Đây là một trong những đích đến hàng đầu cho các khoản đầu tư AI. Đầu năm nay, Microsoft cho biết họ đã đầu tư 1,5 tỷ đô la vào công ty công nghệ G42 có trụ sở tại UAE, được giám sát bởi cố vấn an ninh quốc gia quyền lực của quốc gia này. Có trụ sở tại Abu Dhabi, G42 điều hành các trung tâm dữ liệu và đã xây dựng được mô hình AI tiếng Ả Rập hàng đầu thế giới, được gọi là Jais.
Các quốc gia còn lại trong top 10
Các nước còn lại trong top 10 bao gồm Pháp, ở vị trí thứ 6. Tiếp theo là Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản và Singapore. Pháp, quê hương của công ty khởi nghiệp AI đang gây sốt Mistral, được xếp hạng cao về chính sách và quản trị AI. Cả Pháp và Đức đều là một phần của Đạo luật AI toàn diện mới của Liên hiệp châu Âu, đặt ra các biện pháp bảo vệ đối với một loạt các ứng dụng AI dựa trên mức độ rủi ro của chúng. EU cũng theo chân Hoa Kỳ trong việc phát triển một kế hoạch mở rộng sản xuất chất bán dẫn trong khối.
Diễn đàn