Đường dẫn truy cập

Xem World Cup, nghĩ về xã hội dân sự


Xem World Cup, nghĩ về xã hội dân sự
Xem World Cup, nghĩ về xã hội dân sự

Trong giải World Cup kỳ này, cho đến nay, trận đấu tôi xem một cách hào hứng nhất là trận đấu giữa Úc và Ghana vào ngày 18 tháng 6 vừa rồi.

Hào hứng vì ít nhất hai lý do chính: Một, đó là trận đấu quan trọng và có nhiều kịch tính nhất của Úc; và hai, tôi xem cùng với bạn.

Trong bài “Xem World Cup, nghĩ về toàn cầu hoá”, tôi có nêu lên nhận định: không ở đâu xu hướng toàn cầu hoá lại thể hiện rõ nét như là trong lãnh vực bóng đá.

Rõ nét ở mức độ phổ biến: bóng đá có mặt ở mọi nơi trên trái đất. Không ở đâu không có người chơi và không có người mê bóng đá. Rõ nét về phương diện tổ chức: Không có tổ chức quốc tế nào, kể cả Liên Hiệp Quốc và Olympic có nhiều thành viên bằng FIFA, Liên đoàn bóng đá thế giới. Rõ nét về phương diện nhân sự: Không ở đâu sự hiện diện của người dị chủng, từ huấn luyện viên đến cầu thủ, được chấp nhận một cách dễ dàng và thoải mái như trong bóng đá. Rõ nét về phương diện nhận thức: Không ở đâu người ta có tầm nhìn khu vực và toàn cầu như trong bóng đá; ở đó, chủ nghĩa biệt lệ (exceptionalism) và tính chất cá biệt (particularism) gần như bị loại trừ; và ở đó, mọi người chấp nhận những luật lệ chung, những chuẩn mực chung và một bảng xếp hạng chung để không ai có những hoang tưởng quá đáng về mình. Rõ nét về cảm xúc: trong bóng đá, người ta có thể dễ dàng yêu cái hay và cái đẹp của người khác, bất kể những khác biệt về chủng tộc và văn hoá. Thử nghĩ xem: có ở đâu, chúng ta ngưỡng mộ và thấy gần gũi với người Nam Mỹ và châu Phi cho bằng trong bóng đá? Chắc là không. Có lẽ chỉ trong bóng đá, chúng ta mới tập trung mọi sự chú ý vào bàn chân và khả năng làm bàn thay vì màu da của người khác.

Tuy nhiên, có một xu hướng khác, ngược lại: không ở đâu tính địa phương lại nặng nề như trong bóng đá. Xem quần vợt hay bơi lội hay chạy đua hay vô số các môn thể thao khác, chúng ta xem từng cá nhân. Xem bóng đá, chúng ta xem một thành phố hay một tỉnh (trong các giải quốc gia) hay một quốc gia (trong các giải khu vực hay thế giới).

Khuynh hướng chung của các fan bóng đá là ủng hộ đội nhà. Có, nhưng chắc hiếm lắm, những người xé rào, ủng hộ một đội bóng khác ngoài cái địa phương mình ở. Thì cứ nhìn vào các sân vận động trong các giải bóng đá quốc tế thì thấy ngay: ở đâu cũng có cờ bay phấp phới. Bởi vậy nhiều người mới xem bóng đá như một cuộc chiến tranh (soccer is war) và mới đề cập đến một thứ chủ nghĩa quốc gia bóng đá (soccer nationalism). Ở Âu châu, người ta thường ngại nói đến chủ nghĩa quốc gia vì cho chính chủ nghĩa quốc gia là nguyên nhân dẫn đến hai cuộc thế chiến huỷ diệt cả hàng chục triệu người một cách thảm khốc và oan ức. Thế nhưng, vẫn có một ngoại lệ: trong bóng đá, chúng ta tha hồ bày tỏ tình cảm đối với đất nước và dân tộc của mình. Trong cuốn “Power and Global Sport: Zones of Prestige, Emulation and Resistance” (Routledge, 2005), Joseph Maguire phân tích các bài tường thuật các giải tranh tài, đặc biệt là bóng đá, ở Âu châu, phát hiện một điểm: người ta thường sử dụng từ vựng và ẩn dụ liên quan đến chiến tranh. Một trận thắng của một đội bóng Bắc Âu nào đó đối với đội Đức, chẳng hạn, được xem như một sự phục hận. Thấp thoáng đằng sau các lời bình luận là ký ức về việc bị phát xít Đức chiếm đóng và hành hạ trong thời đệ nhị thế chiến.

Trong bài “Soccer nationalism mirrors European society”, Ian Burama cũng có cái nhìn tương tự: trong bóng đá, hơn bất cứ một môn thể thao nào khác, có thứ cảm giác gọi là “cảm giác bộ lạc” (tribal feeling) nối kết mọi người cùng một địa phương lại với nhau. Bởi vậy, khi đội Hà Lan đánh bại đội Đức trong trận bán kết giải vô địch Âu châu năm 1988, số lượng người Hà Lan đổ xuống đường phố Amsterdam để reo hò mừng chiến thắng còn nhiều hơn cả số người chào mừng ngày đất nước họ được giải phóng khỏi ách thống trị của Đức quốc xã vào tháng 5 năm 1945.

Có thể nói, bóng đá, một mặt, chịu sự tác động lớn lao của toàn cầu hoá, nhưng mặt khác, lại vẫn bị ràng buộc trong một thứ lòng trung thành mang tính bộ lạc (tribal loyalty) rất cổ điển. Yêu bóng đá, ngoài tình yêu nghệ thuật chung chung, còn là tình yêu đối với xã hội mà mình là thành viên. Cả hai đều chính đáng. Không có gì xấu khi người Sài Gòn ủng hộ đội bóng ở thành phố họ ở hơn các đội bóng khác; người Việt Nam ủng hộ đội bóng Việt Nam hơn đội bóng Thái Lan hay Singapore, chẳng hạn.

Lòng trung thành mang tính bộ lạc ấy là điều tự nhiên. Hơn nữa, cần thiết: nó là chất xúc tác trong việc nối kết mọi người thành một cộng đồng, một thứ xã hội dân sự (civil society).

Xã hội không phải chỉ là một đám đông. Dĩ nhiên, muốn có xã hội thì cần có nhiều người. Nhưng nhiều người, chưa đủ. Đám đông chỉ trở thành xã hội nhờ một yếu tố: sự ràng buộc. Biểu hiện nổi bật nhất của sự ràng buộc là cảm thấy mình thuộc về một một cái gì khác lớn hơn và chung nhất cho mọi người. Từ cảm giác thuộc về ấy, người ta biết quan tâm đến người khác, biết chia sẻ với người khác, biết tự hào về những thành tựu của người khác. Đó cũng chính là nguồn gốc của một số giá trị đạo đức quan trọng như lòng vị tha và ý thức trách nhiệm.

Ngày xưa, sự ràng buộc thường được nảy nở một cách tự phát và khá tự nhiên. Lý do chính là xã hội thời ấy khá nhỏ, thường dừng lại ở đơn vị làng. Sinh ra, lớn lên, gần gũi nhau trong một không gian chật hẹp như vậy, người ta dễ cảm thấy gắn bó với nhau. Bây giờ thì khác. Thứ quan hệ đơn thuần dựa trên địa lý như vậy bị đời sống đô thị phá vỡ. Người ta phải tìm những cách khác để thay thế, phổ biến nhất là các sinh hoạt hội đoàn và tôn giáo. Thể thao, trong đó bóng đá chiếm một vị trí quan trọng, cũng là một trong những cách thức ấy. Một cách thức hấp dẫn và vô cùng hữu hiệu.

Tự bản chất, bóng đá là kẻ thù của sự cô độc và tinh thần cá nhân chủ nghĩa.

Bóng đá củng cố tình đồng đội. Chơi bóng đá là chơi với người khác. Một đội bóng giỏi bao giờ cũng cần có các cầu thủ giỏi. Nhưng không phải cứ tập hợp các cầu thủ giỏi lại với nhau người ta liền có ngay một đội bóng giỏi. Không chắc. Để thành một đội bóng giỏi, ngoài tài năng cá nhân, người ta cần một điều kiện khác nữa: sự hoà điệu. Bản chất của sự hoà điệu là tinh thần kỷ luật, tinh thần hợp tác và việc theo đuổi một mục tiêu hay lý tưởng chung. Một cầu thủ chuyên nghiệp bao giờ cũng tôn trọng sự phân công của huấn luyện viên để hình thành một đội hình chặt chẽ và hiệu quả. Trong đội hình ấy, mọi cầu thủ phải có tinh thần hợp tác cao, sẵn sàng chuyền bóng cho đồng đội để hoàn tất một ý đồ chiến thuật do huấn luyện viên hoạch định.

Không thể chơi bóng đá một mình. Người ta cũng không thích xem bóng đá một mình. Xem các môn thể thao khác, người ta có thể ngồi một mình trong phòng, đối diện với tivi: không sao cả. Nhưng xem bóng đá như vậy thì rất chán. Không phải ngẫu nhiên mà ở các giải bóng đá lớn, người ta thường tụ tập trong các quán cà phê, các tiệm rượu, các câu lạc bộ hoặc các quảng trường để xem. Tại Úc, trong mấy tuần vừa qua, các đêm khuya có đội Úc tranh tài, cả hàng ngàn người ngồi dầm sương hoặc có khi dầm mưa ở một số địa điểm công cộng để xem. Và hò hét với nhau. Thâu đêm.

Sự hào hứng của tôi khi xem trận đấu giữa đội Úc và đội Ghana vừa rồi cũng vậy. Vui nhất là nhờ có bạn. Nhân đi Sydney vì một số công việc, buổi tối tôi và mấy người bạn tụ tập ở nhà Hoàng Ngọc Quỳnh, em trai Hoàng Ngọc-Tuấn để xem bóng đá. Khi đội Úc ghi được bàn thắng vào phút thứ 11, cả bọn đứng bật dậy hò hét inh ỏi: “Dzzzôôôô!” Sau đó, bàn tán huyên thiên. Người này nói: “Úc thắng ít nhất là 2-0”. Người khác gật gù: “Có thể là 3-0!” Người khác nữa lạc quan: “Chắc chắn là Úc sẽ vào vòng hai!” Rồi rót rượu ra uống. Vừa uống vừa hỉ hả tán tụng đội Úc. Đến phút thứ 25, khi trọng tài phạt thẻ đỏ cầu thủ xuất sắc nhất của Úc, Harry Kewell, đuổi anh ra khỏi sân và cho đội Ghana được hưởng quả phạt đền, cân bằng tỉ số 1-1, cả bọn lồng lên tức giận: “Vô lý quá!”, “Trọng tài cà chớn!” “Đem bắn bỏ!”, v.v… Hoàng Ngọc-Tuấn mở laptop, vào internet, tìm kiếm các lời bình luận về cái thẻ đỏ ấy và tường thuật lại với anh em. Võ Quốc Linh, với một trí nhớ thật kỳ diệu, kể vanh vách các thẻ đỏ và thẻ vàng oan ức mà đội Úc phải chịu trong World Cup kỳ trước cũng như tiểu sử của từng cầu thủ trong đội Úc hiện nay. Anh cũng tiên đoán một cách chính xác và tài tình các cầu thủ mà huấn luyện viên Úc sắp tung ra sân trong các đợt thế người.

Cứ thế, cả bọn vỗ tay reo mừng, hò hét, chửi thề, văng tục và bàn tán say sưa. Trận đấu kết thúc lúc 2 giờ sáng. Không ai thấy buồn ngủ. Cứ ngồi tiếp bình luận đến tận hơn 3 giờ mới chịu giải tán.

Hình như chưa bao giờ, từ lúc ra hải ngoại, tôi xem một trận bóng nào hào hứng đến như vậy.

Ý nghĩ bóng đá góp phần củng cố xã hội dân sự trình bày trong bài viết này loé lên trong đêm hôm ấy.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG