Nói đến “cái hay”, tôi không muốn nói đến trình độ của bóng đá Việt Nam. Không, có lẽ ai cũng biết bóng đá Việt Nam chưa có gì xuất sắc cả. Chúng ta mê bóng đá, nhưng chúng ta đá bóng, may lắm, chỉ hơn được vài nước trong khu vực. Hơn Lào. Hơn Cambodia. Hơn Brunei, Philippines, Miến Điện và East Timor. Có thể hơn Malaysia chút đỉnh. Có thể. Trong bảy giải Tiger Cup từ 1996 đến 2008, thần chiến thắng chỉ mỉm cười với Việt Nam được có một lần; sáu lần còn lại chia đều cho Thái Lan và Singapore. Về giải nhì, Thái Lan được hai lần; Indonesia ba lần, Việt Nam và Malaysia mỗi nước được một lần.
Bóng đá của chúng ta chỉ dừng lại ở phạm vi khu vực. Lại là một khu vực khá nhỏ: Đông Nam Á. Ở đó, chúng ta khá hơn mức trung bình một tí. Không thể cho một thành tựu như vậy là lớn. Nói thế, tôi tin là mọi người đều đồng ý. Trên sách báo cũng như trong các cuộc chuyện trò, tôi chưa thấy ai nói khác điều đó. Chưa ai dám mơ tưởng chuyện Việt Nam lọt qua khỏi vòng loại của giải bóng đá Á châu. Đừng nói gì là World Cup. Ở phương diện này, mọi người đều biết thân biết phận.
Theo tôi, chính việc “biết thân biết phận” ấy là điều hay. Không chừng là điều hay nhất của bóng đá Việt Nam.
Nói thế vì không phải lúc nào và ở đâu, người Việt Nam cũng “biết thân biết phận” cả. Như trong văn học, chẳng hạn. Tôi đã nghe và thấy nhiều người nói hoặc viết, khá nhiều lần, đại khái: Văn học Việt Nam, đặc biệt thơ và truyện ngắn, không thua kém ai cả. Chúng ta chưa nổi tiếng trên thế giới hoặc chưa đoạt giải Nobel không phải vì chúng ta kém mà chỉ vì chúng ta thất thế: ít người biết tiếng Việt. Giá mà tác phẩm Việt Nam được dịch ra tiếng Anh hay tiếng Pháp nhiều thì thiên hạ... biết tay! Những người rành văn học nước ngoài, nghe thế, chỉ biết im lặng.
Không phải chỉ trong lãnh vực văn học. Trong hầu hết các lãnh vực khác đều thế. Ở đâu cũng có những người đầy ảo tưởng về mình. Thịnh vượng ư? Việt Nam thừa thịnh vượng! Tiến bộ ư? Việt Nam tiến bộ không thua ai cả! Thông minh ư? Việt Nam không hề thiếu thông minh! Dân chủ ư? Việt Nam đã thừa dân chủ!
Để chứng tỏ ưu thế của mình, người ta hiếm khi so sánh với thế giới bên ngoài. Mà là tự so sánh với chính mình trong quá khứ. Đại khái, mọi chuyện bây giờ đều hơn hẳn ngày xưa. Hơn Việt Nam trước 1945. Hơn miền Nam trước 1975. Đại khái thế. Còn các nước khác hiện nay thế nào thì người ta làm lơ, không thèm biết.
Nói cách khác, cái nhìn của người Việt Nam, cho đến nay, vẫn là một cái nhìn nặng tính lịch đại, nhìn ngược về quá khứ. Trong khi cần hơn, là cái nhìn đồng đại, nhìn theo hàng ngang, trong tương quan với thế giới hiện nay, thì vẫn còn khá xa lạ. Nếu có, thường chỉ có ở những người sống ở hải ngoại.
Trong lãnh vực bóng đá, tôi nghĩ có lẽ không có huấn luyện viên hay cầu thủ hay bình luận viên nào lại có nhiều ảo tưởng kiểu ngây ngô như vậy. Phần lớn họ biết người biết ta, biết rõ là họ đang đứng ở đâu trong bậc thang xếp hạng của thế giới. Điều đó chứng tỏ giới bóng đá có được một điều mà rất nhiều giới khác không có hoặc chưa có: thứ nhất, tầm nhìn đương đại; và thứ hai, tầm nhìn toàn cầu hoặc ít nhất, tầm nhìn khu vực. Người ta không nhắm mắt để tự tâng bốc “ta là ta mà vẫn cứ mê ta” như giới làm chính trị mong muốn. Họ luôn luôn so sánh Việt Nam với các nước khác, ít nhất trong khu vực, để biết được những ưu và khuyết điểm của Việt Nam. Tôi cho đó là một điều kiện đầu tiên để phát triển và tiến bộ.
Từ tầm nhìn toàn cầu và/hoặc khu vực như vậy, lãnh vực bóng đá đi tiên phong trong việc toàn cầu hoá: họ chấp nhận vai trò của người ngoại quốc. Các câu lạc bộ và cả Liên đoàn bóng đá Việt Nam sẵn sàng bỏ tiền ra để thuê các huấn luyện viên ngoại quốc. Số lượng cầu thủ ngoại quốc có mặt trong các đội bóng Việt Nam càng ngày càng nhiều. Ngay cả đội tuyển quốc gia cũng có. Chúng ta hãy cứ so sánh với các lãnh vực khác. Có nơi nào người ngoại quốc được nhìn nhận và chấp nhận một cách thoải mái như vậy? Hình như không. Trong các lãnh vực xã hội, không có, đã đành; trong các lãnh vực thuộc về kỹ thuật, chắc cũng không có (Xin lưu ý: không tính những người ngoại quốc tham gia các dự án do ngoại quốc đầu tư hay tài trợ!). Tại sao? Chắc chắn không phải trong các lãnh vực ấy người Việt đủ giỏi, không cần tài năng nào đến từ ngoại quốc cả. Tôi không tin thế. Mà chắc cũng ít người tin thế. Nguyên nhân có thể là vì đố kỵ. Hoặc đơn giản hơn: vì người ta tưởng họ đã giỏi đủ rồi!
Trong lãnh vực bóng đá, ít nhất người ta cũng rất đáng khen ở chỗ: không có cái tưởng như thế.
Sự hiện diện của các huấn luyện viên và cầu thủ ngoại quốc có điều hay khác, có khi quan trọng hơn: Nó làm thay đổi khái niệm yêu nước của người Việt Nam. Nếu không thay đổi hẳn thì ít nhất cũng từng phần, từ từ. Có thể nói dưới ảnh hưởng của toàn cầu hoá, tình cảm yêu nước thể hiện trong bóng đá là thứ yêu nước ít tinh thần dân tộc chủ nghĩa nhất. Và cũng cởi mở nhất.
Xin để ý hai điều này.
Thứ nhất, hầu như người nào ít nhiều quan tâm đến bóng đá cũng đều mong đội bóng của nước mình vô địch. Mọi người đều sung sướng và tự hào trước từng trận thắng. Và, ngược lại, ai nấy đều thất vọng, buồn rầu khi đội nhà bị thủng lưới. Thế nhưng, bên cạnh đó còn có hiện tượng thứ hai: hầu hết, trừ những người mang tinh thần kỳ thị chủng tộc cực đoan, không ai phiền lòng khi thấy trong đội bóng của họ có bóng dáng của người ngoại quốc. Huấn luyện viên là người ngoại quốc ư? Được! Miễn đó là người giỏi. Cầu thủ khác màu da ư? Cũng được! Miễn có khả năng làm bàn được.
Có thể nói, trong bóng đá, người ta rất thực dụng. Họ có thể chấp nhận tất cả miễn, thứ nhất, chiến thắng; thứ hai, chiến thắng ấy mang lá cờ của đất nước họ.
Tinh thần thực dụng ấy không chừng lại là điều hay. Nó phá đổ tinh thần dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi dẫn đến sự kỳ thị và loại trừ những cái khác mình.
Đó cũng là lý do chính đáng để chúng ta tiếp tục say mê bóng đá.
Có phải vậy không?
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1