Những công điện mật giữa các nhà ngoại giao Mỹ tại châu Phi với trụ sở tại Washington bị trang Web WikiLeaks tiết lộ hôm thứ Năm đã được các cơ quan truyền thông loan tải rộng rãi.
Một công điện bị lộ trong đó trích dẫn lời một nhà ngoại giao cao cấp của Hoa Kỳ gọi Trung Quốc là một nước cạnh tranh kinh tế hung hăng, vô đạo đức tại châu Phi và nói rằng các đoàn thể nhân quyền chỉ trích Bắc Kinh ủng hộ cho những chế độ độc tài tại châu lục này.
Đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi đã tăng từ 200 triệu đến 1 tỉ 500 triệu đô la trong vòng 10 năm, và nghe nói có chừng 1.600 doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại châu lục này.
WikiLeaks cũng loan tải những công điện phác họa một kế hoạch từ 3 năm trước đây để đưa Tổng thống Robert Mugabe ra khỏi quyền lực một cách êm thấm.
Trong một tài liệu khác viết từ đầu năm nay, một nhà ngoại giao tại Nigeria lo ngại là quốc gia tây Phi này đang lảo đảo trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng hiến pháp khi mà tổng thống lúc đó, nay đã từ trần, ông Umaru Yar'Adua trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê vì đau ốm.
Sau đó ông đã qua đời và Phó Tổng thống lúc đó là ông Goodluck Jonathan lên kế nhiệm.
Hôm thứ Tư phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa kỳ Philip Crowley nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ lên án những tiết lộ này cũng như lên án sáng lập viên trang Web, ông Julian Assange. Ông Crowley nói:
"Theo quan điểm của chúng tôi, ông ta đã gây ra nhiều thiệt hại cho Hoa kỳ và quyền lợi của nhiều quốc gia khác trên khắp thế giới."
Nhà ngoại giao Mỹ đã hồi hưu, ông Brooks Specter, giờ đây là một chủ biên đóng góp cho tờ báo mạng Daily Maverick của Nam Phi, nói rằng tài liệu bị lộ, nếu đúng sự thực, cho người ta thấy được một cách chính xác từ bên trong, xem các đại sứ quán hoạt động như thế nào. Ông Specter nói:
"Đây không phải là những chuyện nội bộ mà chính phủ Mỹ muốn đưa ra trước công chúng vì rất nhiều những tài liệu này có những lời nhận định có tính cách phán xét về một nhà lãnh đạo nước ngoài, về các tình huống hay về một quốc gia nào đó. Nhưng tôi thấy dường như hầu hết những phán xét này thực sự cho thấy người ta đang cố tìm cách nắm bắt điều gì đó mà họ chưa thu thập được toàn bộ."
WikiLeaks cũng cho tiết lộ các tài liệu trong đó một nhà ngoại giao Mỹ ở Kenya cảnh báo rằng quốc gia đông Phi này có thể rơi vào một tình trạng bạo động còn nghiêm trọng hơn là tình hình sau các cuộc bầu cử 3 năm trước, trừ phi phải tăng tốc công cuộc cải tổ và nỗ lực giải quyết vấn đề tham nhũng.
Một tài liệu khác cho là chuyện buôn bán bất kim cương hợp pháp ở Zimbabwe đã đưa tới cái chết cho hàng ngàn người trong lúc làm giàu cho những nhân vật cao cấp thuộc giới đặc quyền đặc lợi về chính trị.
Một số các điện văn còn đưa ra những ấn tượng thẳng thắn, đôi khi thiếu ngoại giao, về những nhà lãnh đạo như Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và Thabo Mbeki, và nhà lãnh đạo Zimbabwe Robert Mugabe và Morgan Tsvangirai.
Người từng là nhà ngoại giao Mỹ trước đây, ông Specter, cho biết một văn kiện nhận diện một người có thể là mật báo viên gây hiểm nguy cho tính mạng của người đó, như các giới chức chính phủ Hoa Kỳ đã phát biểu. Và ông cho biết những cá nhân tiết lộ các tài liệu này rõ ràng đã vi phạm hồ sơ điều tra an ninh của họ và một số những luật lệ.
Nhưng có nhiều ý kiến khác biệt về tính chính đáng của việc loan tải những tài liệu đó một khi chúng bị lộ. Và các ký giả cũng như chính trị gia thường xuyên cung cấp những thông tin nhạy cảm cho báo chí để thủ lợi cho họ.
Ông Specter cho biết vì cuộc tiến hóa của ngành thông tin, thế giới đang đứng trước một ngã ba đường trong lãnh vực xử lý các thông tin mật như thế nào. Ông nói :
"Không cần biết quí vị là ai, không cần biết quí vị đại diện cho định chế nào, giờ đây có lẽ quí vị nên bắt đầu cẩn trọng để tự hỏi là những gì mà quí vị viết trong các tài liệu đó sẽ có cả hàng triệu người đọc ngay trên trang nhất của những tờ báo lớn như Der Spiegel hay New York Times trong tháng tới hay không. Và điều này sẽ thay đổi bản chất của những lời ăn tiếng nói trong ngành ngoại giao. Nó cũng sẽ thay đổi cung cách chính phủ Mỹ, và các chính phủ khác, xử lý các tài liệu mật."
Ông Specter nêu lên rằng sau các cuộc tấn công khủng bố vào Hoa Kỳ năm 2001, các giới chức Mỹ đã mở rộng sự tiếp cận với các tài liệu nhạy cảm trong nội bộ chính phủ để cải thiện việc thông tin giữa các cơ quan an ninh. Kể từ khi xảy ra vụ WikiLeaks tiết lộ các tài liệu mật, những tiếp cận đó đã được siết chặt khá kỹ.
Những điện văn ngoại giao của Hoa Kỳ bị WikiLeaks tiết lộ cho thấy những giới chức cao cấp của Hoa Kỳ chỉ trích gay gắt các chính sách kinh tế của Trung Quốc và đôi khi còn có những lời nhận định gây bối rối cho các nhà lãnh đạo châu Phi. Những tiết lộ này đã gây phẫn nộ cho các giới chức Hoa Kỳ và bị cho rằng những tiết lộ đó là bất hợp pháp và nguy hiểm.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1