Trong nhiệm kỳ đầu tiên ở Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump gọi Việt Nam là “kẻ lạm dụng” thương mại tồi tệ nhất và đưa quốc gia đang nổi lên là một trung tâm thương mại ở Đông Nam Á nhưng có thặng dư thương mại rất lớn với Mỹ vào danh sách các nước thao túng tiền tệ của Washington.
Ông Trump lúc đó đe dọa đánh thuế hàng hóa nhập từ Việt Nam nhưng không lâu sau đó ông thất cử trước Joe Biden. Ông sẽ trở lại Nhà Trắng cho nhiệm kỳ bốn năm thứ 2 vào ngày 20/1. Khi tranh cử, ông Trump đã dọa áp thuế quan chung từ 10% đến 20% lên tất cả các hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ mọi quốc gia.
“Ông (Trump) đã để mắt tới Việt Nam,” Murray Hieber, nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình Đông Nam Á thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, nói với VOA. “Ông ấy biết thặng dư (của Việt Nam) là rất lớn. Ông ấy đã không hài lòng vào cuối nhiệm kỳ đầu. Thặng dư thương mại là một trong những điều ông (Trump) nói rằng ông sẽ điều chỉnh.”
Việt Nam là quốc gia có mức thặng dư thương mại lớn thứ 3 vào Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.
Cố vấn về chính sách thương mại cho Tổng thống đắc cử Trump trong 4 năm tới là Peter Navarro, người đã khuyến khích ông Trump thực hiện chính sách bảo hộ trong nhiệm kỳ đầu của ông.
“Ông (Navarro) là người theo chủ nghĩa bảo hộ và ông ấy rất tin rằng Trung Quốc sẽ hủy hoại nền kinh tế Mỹ trong khi Trung Quốc đang tái xuất khẩu hàng hóa qua Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác để tránh thuế quan (Mỹ),” ông Hiebert nói. “Việt Nam sẽ phải cẩn trọng theo dõi.”
Các nhà lập pháp và các công ty sản xuất ở Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc dùng Việt Nam làm nguồn gốc xuất xứ cho hàng hóa của họ nhằm không bị đánh thuế của Hoa Kỳ, đặc biệt từ khi ông Trump khởi sự cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vào năm 2018.
Theo các nhà quan sát, Việt Nam đang lo lắng trước viễn cảnh một nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của ông Trump. Là quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ trong số các nước Đông Nam Á và chỉ sau Singapore về sự phụ thuộc nhiều nhất vào ngoại thương, Việt Nam được cho là rất quan tâm đến các chính sách thuế và chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang hình thành cho nhiệm kỳ sắp tới của ông Trump.
“Không chỉ Hà Nội, mà tất cả các (nước khác) đều đang có những tính toán để đối phó với nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump,” Đinh Hoàng Thắng, cựu đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nhận định với VOA. “Riêng đối với Việt Nam, và có lẽ đối với cả các nước trong và ngoài Đông Nam Á, (họ) phải lo ứng phó với một môi trường chiến lược bấp bênh khi cạnh tranh mọi mặt giữa Hòa Kỳ và Trung Quốc chắc chắn là vấn đề địa-chính trị quan trọng nhất mà các nước sẽ phải đối mặt.”
Chủ tịch Việt Nam Lương Cường, khi phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Peru hôm 14/11, nói rằng chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại dẫn đến suy thoái và nghèo đói, mà truyền thông quốc tế cho rằng là một trong những lời chỉ trích mạnh mẽ nhất đến nay về đường lối thương mại của ông Trump.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch vào tháng 10 đưa ra ước tính rằng nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump có ảnh hưởng đặc biệt đến tăng trưởng của Việt Nam và một số quốc gia khác ở châu Á, với GDP hàng năm có thể giảm hơn 1% vào năm 2028. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với thặng dư thương mại với Mỹ lên tới hơn 104 tỷ USD, theo dữ liệu năm 2023 của US Census, cao gần gấp 2 lần so với con số 55 tỷ USD vào năm 2019 khi ông Trump gọi Việt Nam là “kẻ lạm dụng thương mại.” Tờ Wall Street Journal của Mỹ hôm 16/12 nhận định rằng Việt Nam giờ đây là “mục tiêu” khi ông Trump sắp làm tổng thống lần 2.
Đầu tư ở Việt Nam
Nhưng ông Trump sẽ bước vào nhiệm kỳ 2 tại Nhà Trắng khi tập đoàn của gia đình ông đang bắt đầu hợp tác kinh doanh tại Việt Nam.
Trump Organization và nhà phát triển bất động sản Kinh Bắc Group (KBC) vào tháng 9 đã ký kết hợp tác xây dựng sân golf và khu nghỉ dưỡng trị giá 1,5 tỷ USD tại tỉnh Hưng Yên khi Tổng bí thư Việt Nam Tô Lâm đang ở New York. Ông Trump đã đích thân dự lễ ký kết thương vụ mà Trump Organization gọi là “sự hợp tác chiến lược” với tập đoàn ở Hưng Yên, quê nhà của ông Lâm.
“Không chỉ là ký giữa Tập đoàn Trump và Kinh Bắc mà là 3 bên và bên thứ ba là Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên,” Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp của VietKnow Think Tank nói với VOA.
Theo thông cáo của KBC, Bí thư tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa có mặt tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ ở New York hôm 25/9 cho dự án gồm 2 hệ thống sân golf 54 lỗ và mạng lưới khách sạn, resort, villa “thượng đẳng”.
“Nó là chuyện làm ăn nhưng trùng với việc ông Trump thắng cử (tổng thống Mỹ),” Tiến sĩ Hợp nói. “Nó có tác động là sẽ đem lại một sự phấn khởi cho Việt Nam và cũng là dấu hiệu khích lệ cho các nhà đầu tư của Mỹ và các nước khác đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan đến đất đai và các thứ khác.”
Còn theo cựu Đại sứ Thắng, đây “là một cơ hội tốt cho Việt Nam” để nâng cao hình ảnh trên trường quốc tế cũng như trong quan hệ với Mỹ dưới thời Trump.
“Giới quan sát ở Việt Nam tin rằng, đầu tư của Tập đoàn Trump vào Hưng Yên sẽ là ‘đòn bẩy’ để thúc đẩy quan hệ ‘Đối tác chiến lược toàn diện’ (CSP) Việt-Mỹ,” ông Thắng nói. “Ngẫu nhiên hay tất yếu, Hưng Yên là quê hương của ông Tô Lâm và một số nhà lãnh đạo cao cấp khác trong nội các của ông, nên điều đó càng khích lệ, càng thúc đẩy mối bang giao Việt-Mỹ đầy duyên nợ bước lên con đường phát triển bền vững.”
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang và Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, đều mới được bổ nhiệm, cùng là những người xuất thân từ tỉnh Hưng Yên.
Nhận định về việc liệu dự án của gia đình ông Trump ở Việt Nam có tác động thế nào đến những quyết định của ông Trump về thuế đối với Việt Nam, ông Hiebert cho rằng “ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên không phải lúc nào cũng tách bạch giữa công việc kinh doanh và nhiệm kỳ tổng thống. Do đó nó có thể là một lợi thế cho Việt Nam.”
Một báo cáo của CREW lập luận rằng “ranh giới giữa Trump Organization và chính quyền Trump đã trở nên mờ nhạt đến mức không rõ trách nhiệm công của Tổng thống Trump kết thúc ở đâu và lợi ích tài chính cá nhân của ông bắt đầu ở đâu.”
Trump Organization không trả lời câu hỏi của VOA về vai trò của ông Trump khi tham dự lễ ký kết giữa tập đoàn gia đình và KCB ở New York hồi tháng 9 cũng như liệu ông sẽ có vai trò như thế nào trong Trump Organization trong nhiệm kỳ tổng thống lần 2.
Ông Trump giữ quyền sở hữu tập đoàn kinh doanh của gia đình trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, từ 2017-2021. Con trai thứ của ông, Eric Trump, người tham gia ký kết hợp tác ở Việt Nam hôm 25/9, nói với Reuters rằng sẽ có một “bức tường rất lớn” ngăn cách hoạt động kinh doanh của Trump Organization với chính phủ Hoa Kỳ. Theo ghi nhận của giới truyền thông, Trump Organization hôm 10/1 công bố một kế hoạch nói rằng sẽ giới hạn sự tham dự của ông Trump vào các quyết định điều hành và một vài khía cạnh kinh doanh khác một khi ông chính thức trở thành tổng thống.
Việt Nam phải ‘thực tế’
Liệu chính quyền của ông Trump có cân nhắc kỹ lưỡng trước khi trừng phạt Hà Nội vì thặng dư thương mại nếu điều đó gián tiếp gây nguy hiểm cho khu nghỉ dưỡng chơi golf của gia đình ông Trump?
Nhận định về khả năng này, ông Hiebert cho rằng dự án “rất lớn” nhưng “không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi nhưng là yếu tố hữu ích khác mà Việt Nam có thể có trong quan hệ với ông Trump và gia đình của ông ấy cũng như tập đoàn kinh doanh.” Tuy nhiên, theo ông Hiebert, dự án này có thể không hoàn thành trong nhiệm kỳ tới của ông Trump.
Trong khi đó, ông Thắng cho rằng, ông Trump là “một tổng thống chú trọng giao dịch làm ăn” và sẽ phải “suy nghĩ hai lần” khi đưa ra một quyết định liên quan.
“Nhưng còn quá sớm để khẳng định chính quyền Trump 2.0 có trừng phạt Hà Nội vì lý do thặng dư thương mại hay không,” vị cựu đại sứ Việt Nam ở Hà Lan nói. “Mọi tương tác giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ được đặt trên quy tắc có đi có lại. Vấn đề không chỉ là lợi ích của Tập đoàn Trump, mà còn là ‘đồng tiền bát gạo’ của nhiều ‘cánh chim đại bàng khác’ đã và sẽ đến lót ổ ở Việt Nam,” ông Thắng nói, ngụ ý tới các tập đoàn lớn của Mỹ, như Intel, Meta, Google, Tesla hay Nvidia đang và sẽ sản xuất tại Việt Nam.
Còn theo Tiến sĩ Hợp, dự án tỷ đô của gia đình Trump là lớn nhưng “không quá quan trọng để tác động đến đường lối chính sách của chính quyền Trump trong 4 năm tới.”
Theo vị tiến sĩ chuyên nghiên cứu về chính sách của Việt Nam và Đông Nam Á, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam sẽ chỉ tốt lên trong những năm tới. Ông Hợp cho rằng ông Trump là một người thực tế và sẽ chỉ làm những gì có lợi cho nước Mỹ.
“Ông Trump không nhìn vào cái tên. Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy ông Trump không nhắc gì đến quan hệ đối tác chiến lược toàn diện,” Tiến sĩ Hợp nói. “Ông ấy sẽ không coi trọng bất kỳ mối quan hệ là gì hay tên nó là gì mà nó không mang lại (lợi ích) cho chiến lược của ông ấy.”
Ông Trump đến Việt Nam hai lần trong nhiệm kỳ đầu làm tổng thống, gồm chuyến thăm chính thức tới Hà Nội sau khi dự thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng cuối năm 2017 – khi đó ông mời chào các lãnh đạo Việt Nam mua máy bay và tên lửa Mỹ – và chuyến thăm thứ 2 tới Hà Nội để gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho việc đàm phán phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng nhưng không thành. Hình ảnh ông vẫy cờ Việt Nam tại Hà Nội được truyền thông trong nước đăng tải rầm rộ lúc đó.
Do đó, theo Tiến sĩ Hợp, Việt Nam cũng sẽ phải “thực tế” để đáp ứng những yêu cầu của ông Trump, nhất là về những tranh chấp thương mại.
Theo cả Tiến sĩ Hợp, nhà nghiên cứu Hiebert và cựu Đại sứ Thắng, Việt Nam sẽ cần phải giảm thiểu thặng dư thương mại với Mỹ bằng cách nhập khẩu nhiều hơn từ Hoa Kỳ cũng như xóa bỏ được hình ảnh Việt Nam là “trạm trung chuyển” cho các mặt hàng Trung Quốc tránh thuế Mỹ, để có thể tránh được bất kỳ nguy cơ áp thuế nào của ông Trump.
Diễn đàn