Facebook tăng cường kiểm duyệt nhiều hơn các đăng tải “chống phá nhà nước” của người dùng Việt Nam trong năm ngoái sau khi người đứng đầu của công ty mạng xã hội lớn nhất thế giới quyết định tuân theo yêu cầu của chính quyền nước sở tại vì lợi nhuận.
Báo cáo minh bạch thường niên của Facebook cho thấy số lượng bài đăng bị công ty công nghệ này chặn ở Việt Nam trong nửa cuối năm 2020 là 2.200, tăng gần gấp 3 lần so với 6 tháng đầu năm, với 834 bài đăng bị kiểm duyệt.
Việc Facebook tăng cường kiểm duyệt người dùng mạng ở Việt Nam xảy ra sau khi người sáng lập và giám đốc điều hành của công ty, Mark Zuckerberg, quyết định tuân theo các yêu cầu từ Đảng Cộng sản cầm quyền ở quốc gia Đông Nam Á, theo Washington Post. Tờ báo có trụ sở ở Washington DC ghi nhận dựa trên 3 nguồn tin không được nêu danh tính biết về những thảo luận nội bộ của công ty, trong đó cho biết rằng ông Zuckerberg vào năm ngoái đã lựa chọn kiểm duyệt các đăng tải chống nhà nước Việt Nam để không bị chặn dịch vụ ở một trong những thị trường có lợi nhuận lớn nhất ở châu Á.
Tiết lộ mới nhất của Washington Post về vai trò của ông Zuckerberg trong quyết định kiểm duyệt ở Việt Nam được đưa ra hôm 25/10 giữa lúc có những thông tin bất lợi rò rỉ về công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ. Đầu tháng này, cựu giám đốc sản phẩm và nhà phân tích dữ liệu của Facebook, Frances Haugen, với tư cách là người tố giác đã công bố các chi tiết cách công ty này “ưu tiên lợi nhuận của họ trước sự an toàn của cộng đồng, đặt cuộc sống của mọi người vào sự rủi ro.” Bà Haugen đã đưa ra một loạt các tài liệu nội bộ được gọi là “Facebook Papers” cho thấy chi tiết các cuộc thảo luận của công ty về tác hại mà nền tảng này đã gây ra, đồng thời cũng tiết lộ cách ông Zuckerberg đã tìm cách ngăn chặn những phát hiện của chính công ty liên quan đến những tác hại đó, theo Washington Post.
Vào tuần trước, bà Haugen ra điều trần trước một tiểu ban của Thượng viện Mỹ và cáo buộc ông Zuckerberg chọn sự tăng trưởng thay vì lợi ích cộng đồng. Các khiếu nại tố giác này đã được đệ trình lên Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ, trong vụ bê bối được xem là lớn nhất trong lịch sử của công ty này.
Facebook từ chối đưa ra bình luận với VOA về ghi nhận của Washington Post rằng chính ông Zuckerberg đã đưa ra quyết định tuân theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam về việc hạn chế các bài đăng và nội dung “chống phá nhà nước”. Trả lời qua email, một người phát ngôn của công ty nói rằng “mục tiêu của chúng tôi là duy trì hoạt động của các dịch vụ tại Việt Nam để chúng tôi có thể cung cấp không gian cho nhiều người nhất có thể để bày tỏ, kết nối với bạn bè và điều hành công việc kinh doanh của họ”.
Theo ông Huỳnh Ngọc Chênh, một cựu nhà báo và blogger có nhiều ảnh hưởng ở Việt Nam với những bài viết về dân chủ và nhân quyền, Facebook “phân biệt đối xử” với những người hoạt động xã hội dân sự và các nhà đấu tranh vì nhân quyền và dân chủ. Ông cho rằng mạng xã hội này đã trở thành “một công cụ” của nhà cầm quyền ở Việt Nam để kiểm duyệt những tiếng nói bất đồng với chính phủ.
Theo ước tính của Tổ chức Ân xá quốc tế vào năm 2018, doanh thu hàng năm của Facebook ở Việt Nam là hơn 1 tỷ USD. Số người dùng mạng xã hội ở quốc gia Đông Nam Á, với khoảng 98 triệu dân, chiếm tới hơn 50%.
“Doanh thu từ quảng cáo của Facebook ngày càng tăng và nhà nước Việt Nam biết Facebook có lợi ích đó và họ nắm cái đó để buộc và yêu cầu Facebook phải tuân theo pháp luật Việt Nam”, ông Chênh nói với VOA. “Pháp luật Việt Nam hạn chế nhân quyền, hạn chế dân chủ và hạn chế tự do ngôn luận và Facebook phải làm theo”.
Người phát ngôn của Facebook thừa nhận, như họ đã cho biết vào năm ngoái, rằng công ty này “có hạn chế một số nội dung ở Việt Nam” để đảm bảo rằng dịch vụ của họ tiếp tục “khả dụng cho hàng triệu người tin cậy vào mạng xã hội này mỗi ngày”.
Ông Chênh cho biết những bài viết của ông, hầu hết về nhân quyền, bị hạn chế truy cập từ năm ngoái. Tài khoản Facebook cá nhân của ông bị đóng trong 30 ngày từ tháng 4 đến tháng 5 năm nay vì những đăng tải của ông phản ứng trước những công kích mà ông cho là từ phía các “dư luận viên” ngay sau khi vợ ông, nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh, bị bắt giam.
Trong các cuộc phỏng vấn với VOA vào năm ngoái, 6 người có ảnh hưởng trên mạng xã hội ở Việt Nam, gồm các nhà báo, blogger và nhà hoạt động, cũng cho rằng Facebook tuân theo yêu cầu của chính phủ trong việc ngăn chặn những đăng tải của họ bị cho là mang tính chỉ trích chính quyền.
Amnesty vào đầu năm ngoái cáo buộc Facebook và YouTube “đồng loã” với chính quyền Việt Nam trong việc “kiểm duyệt và trấn áp” những tiếng nói bất đồng cũng như cho phép mình trở thành những công cụ của các quan chức Việt Nam. Facebook sau đó công khai về các quyết định của họ trước áp lực ngày càng tăng trong việc tuân theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam nếu không muốn bị chặn dịch vụ tại thị trường này.
Hà Nội phủ nhận cáo buộc rằng các công ty công nghệ “đồng loã” với chính quyền trong việc kiểm duyệt nhưng bộ trưởng truyền thông của Việt Nam vào năm ngoái cho biết Facebook và Google đã tăng tỷ lệ chấp hành theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam để ngăn chặn các nội dung được cho là "xấu độc."