Đường dẫn truy cập

Facebook, YouTube tăng mạnh gỡ bài, xoá tài khoản ‘chống Đảng, nhà nước’ Việt Nam


Facebook và YouTube là hai trang mạng xã hội có số lượng người sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam.
Facebook và YouTube là hai trang mạng xã hội có số lượng người sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Việt Nam vừa cho biết các mạng xã hội Facebook và YouTube từ đầu năm đến nay đã gỡ bỏ hàng ngàn bài viết bị cho là “vi phạm luật pháp” và xoá hàng trăm tài khoản, fanpage và các kênh chứa thông tin “tuyên truyền chống Nhà nước”, “chống Đảng” , theo yêu cầu của Bộ này.

Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng về các biện pháp phòng chống “luận điệu xuyên tạc” từ các “thế lực thù địch, chống Cộng cực đoan” trên không gian mạng, Bộ TTTT cho biết sau khi Bộ này triển khai nhiều giải pháp “đấu tranh về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật” để buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google, Apple tuân thủ yêu cầu kiểm soát, ngăn chặn và gỡ bỏ các thông tin bị cho là “xấu, độc”, chỉ riêng Facebook đã gỡ đến 2.311 bài viết, tăng 400% so với cả năm ngoái, tính đến ngày 10/11.

290 tài khoản bị cho là “giả mạo cá nhân, tổ chức tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam” cũng đã bị xoá bỏ cùng với 154 fanpage đăng thông tin “sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm, gây mất uy tín nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân”, văn bản của Bộ TTTT cho biết thêm.

Riêng với Google, tính đến ngày 10/11, trang YouTube của tập đoàn này đã ngăn chặn và gỡ bỏ đến 29.009 video clip bị cho là vi phạm luật pháp Việt Nam và xoá 24 kênh YouTube “phản động” thường đăng nội dung “chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước”. Theo Bộ TTTT Việt Nam, mỗi kênh trong số này có hàng nghìn video và tỷ lệ gỡ chặn của YouTube là 87%.

Ngoài ra, cơ quan quản lý truyền thông trong năm qua cũng “chủ động chặn kỹ thuật” trên không gian mạng. Số trang web và blog đã bị chặn lên đến 1.714 trang “với hàng chục ngàn bài viết”, vẫn theo văn bản của Bộ.

Facebook và YouTube là hai trang mạng xã hội có số lượng người sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. Mỗi nền tảng hiện có trên 60 triệu người sử dụng, chiếm khoảng 2/3 dân số. Chính vì vậy, việc kiểm soát các trang mạng xã hội có trụ sở tại Mỹ này vẫn là mục tiêu nhiều năm nay của chính quyền Việt Nam.

Tại “Hội thảo đánh giá hoạt động Thông tin Điện tử năm 2020” vào cuối tháng trước, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin & Truyền thông, nói rằng trong năm 2020, do các mạng xã hội xuyên biên giới có ảnh hưởng lớn đến truyền thông xã hội trong nước, nên các cơ quan chức năng đã phải tăng cường làm việc với các nền tảng này để chặn, gỡ các tài khoản.

Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ TTTT, ông Lê Quang Tự Do, còn khẳng định “Việt Nam đứng số một thế giới về số lượng tài khoản và bài viết bị Facebook xử lý trong năm qua”.

Hôm 2/12, Tổ chức Ân xá Quốc tế công bố báo cáo dài 78 trang, trong đó cáo buộc Facebook và Google đã thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam trong việc kiểm duyệt tiếng nói bất đồng để có thể được tiếp tục hoạt động tại thị trường tiềm năng này.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng, ngay ngày hôm sau lên tiếng bác bỏ báo cáo và nói rằng Việt Nam “hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi” cho các doanh nghiệp nước ngoài “trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam”.

Trước đó, trả lời tại buổi điều trần ở Quốc hội Hoa Kỳ hôm 17/11, người sáng lập và là CEO của Facebook, ông Mark Zuckerberg, cũng nói rằng mạng xã hội này “không kiểm duyệt” mà chỉ “tuân thủ theo luật pháp địa phương của các quốc gia” mà họ hoạt động.

Trong khi đó, một số nguồn tin cho biết Facebook, Google đang chịu áp lực rất lớn tại Việt Nam. Hà Nội thậm chí đe dọa đóng cửa Facebook nếu tập đoàn này không tuân theo yêu cầu siết chặt hơn nữa việc kiểm duyệt các nội dung chính trị.

Tuy nhiên, theo văn bản mới công bố của Bộ TTTT, thì Hà Nội có vẻ vẫn “cân nhắc” với giải pháp mạnh tay, vì lý do “nếu áp dụng việc chặn triệt để sẽ gây phản ứng của dư luận trong nước do nước ta chưa có dịch vụ tương tự thay thế được Facebook, Google”.

Trong những năm qua, bất chấp nhiều nỗ lực thúc đẩy phát triển mạng xã hội trong nước, cho tới nay, chỉ có vài trang mạng của Việt Nam có thể tồn tại và phát triển như Zalo với khoảng 60 triệu người dùng, kế đó là Mocha với 12 triệu thành viên, Gapo 6 triệu thành viên và Lotus 2,5 triệu thành viên, theo thống kê của Vietnamnet. Nhưng để các trang mạng này thay thế được Facebook và Google thì không thể ngày một ngày hai, theo nhận định của một số chuyên gia.

VOA Express

XS
SM
MD
LG