Theo nhận định của chúng tôi và có lẽ cũng của nhiều người, Việt Nam vẫn cần đưa tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc ra trước các cơ quan tài phán quốc tế là vì:
1.- Mặc dầu nhà cầm quyền Trung Quốc sau hơn một tháng xâm chiếm, đã rút giàn khoan HD-981 và các tàu chiến bảo vệ giàn khoan ra khỏi vùng lãnh hải thuộc thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ tham vọng lấn chiếm đất đai, biển đảo của Việt Nam bằng bạo lực quân sự.
Trên thực tế, nhà cầm quyền Trung Quốc đã và đang cho xây dựng các cơ sở hạ tầng như hải cảng, sân bay, căn cứ quân sự, cơ quan hành chánh trên các đảo thuộc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã xâm chiếm, với ý định chiếm cứ lâu dài. Đồng thời, các tàu hải giám của Trung Quốc vẫn tiếp tục tấn công các tàu của ngư dân Việt Nam khi họ đánh bắt cá trong các vùng biển bao lâu nay vẫn thuộc chủ quyền của Việt Nam.
2.- Mặc dầu sau cuộc gặp gỡ giữa Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh của Việt Nam với Ngoại trường Hoa Kỳ John Kerry vào ngày 1-10-2014 vừa qua, đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc, là Hoa Kỳ sẽ bãi bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, song cho dù thỏa thuận này có được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua để có giá trị thi hành trên thực tế, thì Việt Nam vẫn chưa đủ sức quân bình cán cân lực lượng quân sự với Trung Quốc, trừ khi Hoa Kỳ bán vũ khí nguyên tử hay giúp Việt Nam chế tạo vũ khí nguyên từ (khó xẩy ra do luật quốc tế cấm chế tạo và tàng trữ vũ khí nguyên tử), hoặc Việt Nam ký kết một hiệp ước an ninh hổ tương với Hoa Kỳ như Philippines (là điều có thể, nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam khôn ngoan hơn). Vì vậy cho đến lúc này, Việt Nam vẫn phải nghiêng về giải pháp pháp lý, ngoại giao để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. Một trong những phương cách ưu tiên mà Việt Nam mong muốn trong hiện tại cũng như trong tương lai, là giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo một cách hòa bình thông qua thương lượng, dựa trên luật pháp và tập quán quốc tế.
Giải pháp pháp lý, ngoại giao đã từng được Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đề cập trong chuyến đi thăm Philippines (cũng là nạn nhân của Trung Quốc) vào đầu năm nay và mới đây tại diễn đàn Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York. Hôm 24-9-2014, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã khẳng định Việt Nam sẽ dựa vào luật pháp quốc tế để tìm cách giải quyết vụ tranh chấp với Trung Quốc. Ông cho biết mặc dù Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm cứ quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam vẫn nhất định theo đuổi đường lối hòa bình để giải quyết tranh chấp.
3.- Cho đến nay Trung Quốc vẫn bảo lưu quyền từ chối tham gia tranh tụng ở bất cứ cơ quan tài phán quốc tế nào, mà chỉ ỷ vào sức mạnh của một nước lớn để áp chế, xâm lấn biển đảo các nước nhỏ yếu trong vùng, mà Việt Nam là một nạn nhân hàng đầu. Trong thời gian qua chính quyền (Bộ Ngoại giao, người phát ngôn…) và học giả hai nước Việt-Trung vẫn chỉ đưa ra những luận cứ có lợi cho mình để tranh cãi về chủ quyền biển đảo đang tranh chấp, nhưng muốn biết phải trái về ai thì vụ việc cần phải đưa ra trước một cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền xét xử.
Vì Việt Nam không có sự chọn lựa nào khác để đương đầu với tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Bởi vì Việt Nam tin rằng sẽ có đủ luận cứ lịch sử, pháp lý, hành chánh cũng như chiếm dụng liên tục lâu dài thực tiễn để có được một phán quyết buộc Trung Quốc phải trả lại hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã bị cưỡng đoạt, dù phán quyết ấy không được Trung Quốc chấp hành, vẫn có lợi ích trước mắt cũng như lâu dài cho Việt Nam sau này.
Thật vậy, cái lợi trước mắt đối với Việt Nam khi đưa vụ tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ra trước cơ quan tài phán quốc tế là sẽ tranh thủ được hậu thuẫn quốc tế và tố cáo trước công luận việc Trung Quốc dùng cường lực xâm chiếm các hải đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là có thật. Đồng thời, việc Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện về chủ quyền biển đảo với Việt Nam (cũng như với Philippines hiện nay) sẽ cho công luận quốc tế thấy thế yếu về mặt pháp lý của Trung Quốc nên đã ngang ngược chỉ dùng sức mạnh quân sự để xâm chiếm các hải đảo của Việt Nam và các nước trong vùng.
Còn cái lợi lâu dài cho Việt Nam là hành vi khởi động tố quyền kiện Trung Quốc trước một cơ quan tài phán quốc tế hôm nay, sẽ như một trong các bằng chứng pháp lý góp phần bảo lưu tố quyền bất khả thời tiêu của Việt Nam trước các cơ quan tài phán quốc tế sau này. Cũng nhằm lợi ích này, chúng tôi đã có đề nghị trong một bài viết trước đây đã được Đài VOA đăng tải trên diễn đàn này nhan đề “Quốc hội Việt Nam cần ra nghị quyết về chủ quyền biển đảo của Việt Nam”. Nếu Quốc hội Việt Nam làm theo đề nghị này, chúng tôi nghĩ không chỉ có lợi ích về sau, mà còn tạo thế thuận lợi thủ thắng cho chính quyền Việt Nam nếu bây giờ đưa vụ tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ra trước cơ quan tài phán quốc tế. Vì sao?
Vì tất cả những bằng chứng bao lâu nay Trung Quốc đưa ra đều không có giá trị pháp lý. Ví dụ như công hàm năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, văn thư năm 1956 của Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm; hay bán chính thức công bố những bằng chứng về sự cam kết bí mật nhượng quyền biển đảo của Việt Nam để đổi lấy sự viện trợ có điều kiện trong thời kỳ chiến tranh “giải phóng Miền Nam”, để cho rằng sự chiếm giữ các hải đảo của Việt Nam cũng chỉ là để thi hành mật ước để trừ nợ…
Tóm lại, nếu Việt Nam đưa vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa ra trước Liên Hiệp Quốc hay một cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền, thì phán quyết sau cùng của cơ quan tài phán quốc tế công minh sẽ phải là:
- Xác nhận chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Vì Việt Nam đã có đủ bằng chứng lịch sử, pháp lý, hành chánh, nhất là sự chiếm giữ quản lý thực địa liên tục cho đến khi bị Trung Quốc cưỡng đoạt Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988).
- Bác bỏ luận cứ của chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Dân Trung Hoa đưa ra để duy trì sự chiếm đóng vĩnh viễn các vùng biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Vì căn cứ đưa ra (Công hàm ngày 14-9-1958 và các văn kiện được ký kết công khai hay bí mật giữa hai chính quyền Việt- Trung liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam) là hoàn toàn vô hiệu cả về hình thức lẫn nội dung. Mọi cam kết bí mật giữa đảng CSVN và nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nếu có) trong quá khứ đều vô hiệu. Vì đảng CSVN một đảng cầm quyền không có thẩm quyền kết ước liên quan đến lãnh thổ quốc gia và chính quyền đã không kết ước theo đúng thủ tục luật định (luật quốc gia cũng như luật quốc tế).
- Truyền chính phủ Trung Quốc phải trao trả lại cho chính phủ Việt Nam toàn bộ các vùng biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã chiếm dụng trái phép.
Đó là phán quyết giả định thể hiện tính công bình, hợp lý, đúng theo luật pháp quốc tế và quốc nội của các quốc gia dân chủ, văn minh, góp phần cho việc ổn định trật tự và củng cố nền hòa bình thế giới, để mọi dân tộc lớn bé, giàu nghèo có điều kiện và môi trường sống chung hài hòa, mưu cầu hạnh phúc riêng cũng như chung trên hành tinh này.
Thế nhưng giả định nếu có một phán quyết nội dung như vậy, tất nhiên việc thi hành một phán quyết về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam thật khó mà được Trung Quốc chấp hành. Vì bao lâu nay Trung Quốc luôn hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế. Nhưng dù khó cách mấy, Việt Nam vẫn cần đưa vụ việc tranh chấp ra trước cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền để có được một phán quyết công bình, hợp lý có lợi ích trước mắt cũng như lâu dài cho Việt Nam sau này như đã trình bày.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.