Đường dẫn truy cập

Rong chơi hải đảo thần tiên


Hanauma Bay ở Hawaii hấp dẫn du khách thích lặn xem cá.
Hanauma Bay ở Hawaii hấp dẫn du khách thích lặn xem cá.

Hè vừa qua, mấy gia đình thân quen rủ nhau đi chơi Hawaii. Chúng tôi chọn nơi này vì biển đẹp, nếp sống thư thả và, tuy thuộc về nước Mỹ, Hawaii có những sắc thái văn hoá rất đặc thù.

Vừa đến phi trường, nghe gió biển thổi, thấy bông sứ trắng, tàn phượng đỏ, thấy vòng hoa lei, hình ảnh mấy cô gái có nước da bánh mật cài hoa bên tai, trên tóc, nghe tiếng đàn hạ-uy-cầm là tâm hồn lâng lâng cảm giác êm dịu, thơ thới.

Tôi ra đây đã nhiều lần, đầu tiên vào năm 1985, đã đi chơi Maui, Kauai, Oahu. Những lần trước đến Oahu chỉ vui chơi loanh quanh khu khách sạn, bãi biển Waikiki mà chưa có dịp đi một vòng cả đảo nên chuyến đi này có thuê xe ít ngày để đi tham quan các nơi ngoài Honolulu.

Ở Oahu không cần xe riêng vẫn có thể đến nhiều nơi bằng xe buýt, được cho là hệ thống di chuyển công cộng tốt nhất nước Mỹ, tuy thời gian sẽ lâu hơn nhiều. Chẳng hạn như từ phi trường về khu Waikiki, đi xe riêng chỉ 20 phút, xe buýt hơn một giờ.

Thuê ô-tô con bốn ngày, hai ngày cuối đi xe buýt nên cho tôi hiểu biết thêm về phương tiện di chuyển công cộng ở đây.

Xe buýt chạy khắp đảo, tiện cho cư dân. Nhìn bảng giá, rất rẻ cho người cao tuổi. Trên 65 tuổi, mua thẻ chỉ 30 đôla một năm là đi được mọi nơi. Nếu không có thẻ, đi xa hay gần, lên xe trả 2 đôla 50 xu cho người lớn, nửa giá cho trẻ em từ 6 đến 17 tuổi, lấy giấy transfer để có thể chuyển xe qua những tuyến đường khác mà không phải mua vé thêm.

Hôm đi thăm khu tưởng niệm Pearl Harbor, lên xe buýt lúc 8 giờ sáng từ Waikiki, đến nơi hơn 9 giờ.

Ra tham quan Đài Tưởng niệm USS Arizona, là tên của một trong tám chiến hạm đã bị không quân Nhật đánh chìm hay làm hư hại trong đợt tấn công vào Pearl Harbor sáng sớm ngày 7/12/1941, gây kinh ngạc cho nước Mỹ, đưa đến việc Hoa Kỳ chính thức tham dự vào Thế chiến thứ Hai. Hào quang của Pearl Harbor cho thấy sức mạnh của quân đội Nhật thời bấy giờ, một đạo quân đã thống lĩnh phần lớn châu Á và muốn kiểm soát cả Thái Bình Dương. Bốn năm sau Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki khiến Nhật đầu hàng. Từ đó Nhật trở thành quốc gia không còn sức mạnh quân sự.

Rất nhiều du khách Nhật đến thăm nơi này. Không biết họ nghĩ gì khi xem phim tài liệu và hệ quả của cuộc chiến.

Rất nhiều du khách Nhật đến thăm Đài Tưởng niệm U.S.S. Arizona.
Rất nhiều du khách Nhật đến thăm Đài Tưởng niệm U.S.S. Arizona.

Chi tiết từng giờ, từng phút về cuộc tấn công được kể lại bằng một giọng cảm động, không có ngôn ngữ hận thù. Cuối phim chỉ nhắc nhở mọi người: Remember, Understand, Honor. Hãy nhớ, hãy hiểu và ghi ơn.

Trên 3,000 binh sĩ Mỹ chết trong vài giờ đồng hồ. Riêng chiến hạm Arizona đã chìm ngay, đem theo 1,177 binh sĩ. Nơi đây trở thành mồ chôn tập thể của họ. Khoảng 300 thủy binh phục vụ trên chiến hạm này thoát chết và nay chỉ còn gần một chục cựu chiến binh của Arizona còn sống.

Theo lời người hướng dẫn, có những cựu chiến binh chết sau này đã xin được chôn vào lòng biển với đồng đội.

Từ đài tưởng niệm nhìn xuống, những giọt dầu vẫn rò ra từ chiến hạm rỉ sét ẩn hiện dưới nước, là “những giọt nước mắt đen” – black tears. Từng giọt dầu nổi lên mỗi vài giây, loang trên mặt nước rồi tan đi trong suốt hơn 70 năm qua. Người hướng dẫn còn cho du khách biết có huyền thoại được loan truyền rằng, khi nào người thuỷ thủ cuối cùng của chiến hạm Arizona qua đời, khi đó những giọt dầu đen sẽ ngưng rò rỉ.

Rời Pearl Harbor khoảng gần trưa. Đến trạm xe buýt, tôi cầm tờ 20 đôla chuẩn bị trả tiền, một cụ bà thấy thế nói tài xế sẽ không thối tiền, phải có đúng 2 đôla 50 xu. Tôi nói số tiền để trả cho cả nhóm 8 người. Cụ chỉ bảo thêm, nếu hồi sáng đến đây mà còn giấy transfer, cứ đưa cho tài xế. Chúng tôi còn giữ transfer, lên xe đưa cho tài xế và không ai phải trả tiền.

Hôm ra Hanauma Bay xem cá dưới nước cũng thế. Chỉ trả tiền lúc đi, lấy tranfer cho chuyến về.

So với các đảo khác, hệ thống xe buýt ở Oahu là tuyệt vời. Qua Maui hay Kauai nếu không có xe riêng thì chỉ ở quanh khách sạn, bãi biển chứ không thể đi xa.

Cách đây mấy năm đi chơi Maui, lái xe dọc Hana Highway du ngoạn, thăm thác nước, rừng trúc, nhưng chưa đến được bãi biển cát đen. Con đường được cho là đẹp nhất của đảo này, ngoằn ngoèo như rắn, chạy chỉ 30 mph (khoảng 50 km/g) và phải dừng ở rất nhiều cây cầu nhỏ để nhường xe. Đi mới được nửa đường phải quay về vì mấy người trong nhóm say xe.

Lần này đến Oahu, nghe nói ra khỏi Honolulu đường xá cũng dễ đi nên chúng tôi đã thuê xe để có thể ghé chơi Polynesian Cultural Center (PCC), đi xem rùa biển trôi dạt vào bờ phiá bắc, tìm ăn cơm với tôm xào tại shrimp truck, thăm đồn điền dứa Dole và thử shave ice ba màu mà Tổng thống Obama cũng thích thưởng thức mỗi dịp qua đây.

Lần này đến Oahu, nghe nói ra khỏi Honolulu đường xá cũng dễ đi nên chúng tôi đã thuê xe để có thể ghé chơi Polynesian Cultural Center (PCC).
Lần này đến Oahu, nghe nói ra khỏi Honolulu đường xá cũng dễ đi nên chúng tôi đã thuê xe để có thể ghé chơi Polynesian Cultural Center (PCC).

Năm 2009 cửa hàng ABC bày bán rất nhiều áo thun, quà lưu niệm in hình Tổng thống Barack Obama mới nhậm chức. Nay không thấy nữa, tuy năm nào ông cũng đưa gia đình về quê ở Honolulu nghỉ hè.

Ba gia đình lái xe lên chơi PCC ở mạn bắc của đảo, là nơi phô diễn văn hoá các đảo quốc Samoa, Fiji, Tahiti, Tonga, Micronesia. Phong cảnh bên đường rất đẹp, một bên là núi thẳng, cao và xanh, bên là biển nhưng không ngoằn ngoèo.

Đến PCC du khách được thưởng thức các màn vũ, tiếng trống, tù và, điệu nhạc dân tộc, nghe thuyết minh về văn hoá. Tôi thích nghe anh chàng người Samoa nói về đời sống, như thể phụ nữ Samoa làm chủ mọi thứ, còn đàn ông bị sai làm đủ mọi việc. Lối kể chuyện pha nét hài làm mọi người cười thoả thuê. Nhìn người Samoa trèo lên cây dừa cao vút chỉ bằng đôi tay và hai chân, hay cách đập và nạo dừa làm tôi nhớ đến những sinh hoạt miệt vườn ở quê nhà vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Nói về văn hoá nam Thái Bình Dương, tôi liên tưởng đến giả thuyết về nguồn gốc Polynesia của người Việt. Có phần nào sự thực chăng, vì thức ăn có dừa và các loại thực phẩm từ biển, cùng các vũ điệu có nhiều nét giống với người Việt, Thái, Philippines và Indonesia. Có khác là trang phục.

Xem phô diễn văn hoá cả ngày, chiều ăn luau và tối xem ca vũ nhạc kịch về văn hoá, lịch sử của các đảo quốc và cũng là của Hawaii trước khi gia nhập liên bang cách đây 50 năm. Luau là đặc sản Hawaii. Con heo được quấn lá, nung dưới đất nhiều giờ. Lúc đưa lên, bóc lá ra, trông vàng như heo quay. Nhưng khi ăn, không thấy da giòn đâu, thịt rời như thịt hộp và còn mùi hôi. Cũng may còn nhiều món khác để chọn. Riêng đặc sản poi là khoai mầu tím nhạt, đánh nhuyễn, hương vị như khoai môn ăn cũng thú vị, nhất là bánh mì poi.

Trung tâm PCC ở Oahu do Giáo hội Mormon quản lí nên không phục vụ bia rượu trong bữa ăn. Tôi thích luau bên Maui hơn, tổ chức cạnh biển cho khách ngắm hoàng hôn và có các loại rượu uống không giới hạn. Rượu pha nước dừa, dứa, mận, cocacola hay mao tai cũng có. Tối xem văn nghệ trong ánh lửa bập bùng.

Trên đảo Oahu có những shrimp truck là xe bán cơm với tôm xào. Lái xe qua PCC chừng 15 phút, trên North Shore, có nơi bán cơm loại này là một quán bên đường. Rất đông khách vào giấc trưa. Một đĩa cơm với 12 con tôm, hai muỗng cơm bằng nắm tay, giá 13 đôla. Như thế không rẻ, nhưng là tôm tươi, xào với gia vị khác nhau, tùy khẩu vị mà chọn cay, chua. Ăn một đĩa mà không chạy bộ, không ra biển bơi, mỡ trong máu sẽ tăng lên vùn vụt.

Trên đảo Oahu có những shrimp truck là xe bán cơm với tôm xào.
Trên đảo Oahu có những shrimp truck là xe bán cơm với tôm xào.

Hawaii cũng nổi tiếng với shave ice, như xi-rô đá bào ở Việt Nam. Hôm đi tắm biển ở North Shore, trên đường về ghé một nơi bán món quà vặt này. Có đến vài chục người đang xếp hàng trước cửa. Ngoài xi-rô, còn các loại chè đậu như thạch chè của mình, thêm sữa đặc vào. Xi-rô ba mầu không có gì đặc biệt. Còn ai thích ăn chè sẽ thấy ngon. Giá mỗi thứ 5 đôla.

Ở đây một tuần, sáng sớm tôi hay thả bộ dọc biển Waikiki, khi nhiều người còn đang ngủ và trên đường Kalakaua mới chỉ có Starbucks và ABC mở cửa. Đó là những khoảnh khắc yên tĩnh tại khu bãi biển nổi tiếng nhất của Hawaii và cũng là của Mỹ. Khi mặt trời soi ngang, nơi đây tấp nập người cho đến nửa khuya vì là trung tâm mua sắm cho du khách.

Hawaii mỗi năm đón 8 triệu du khách, 61% từ nội địa Hoa Kỳ. Trong số du khách nước ngoài, người Nhật chiếm gần nửa. Theo số liệu của sở du lịch Hawaii, trong năm 2012 con cháu Thái dương Thần nữ đã tiêu 2 tỉ 700 triệu Mỹ kim cho các chuyến du lịch đến đây.

Đông du khách Nhật nên khu Waikiki có nhiều tiệm sushi và udon. Một tối ghé ăn udon trên đường Kuhio với hàng dài khách rồng rắn trước tiệm, chờ cũng hơn nửa giờ mới vào được. Lúc đó đã 9 giờ tối. Nghe nói nếu đến sớm còn phải chờ lâu hơn.

Một tối ghé ăn udon trên đường Kuhio với hàng dài khách rồng rắn trước tiệm, chờ cũng hơn nửa giờ mới vào được.
Một tối ghé ăn udon trên đường Kuhio với hàng dài khách rồng rắn trước tiệm, chờ cũng hơn nửa giờ mới vào được.

Sợi udon làm tươi tại tiệm. Từ trộn bột, cắt, luộc trước khi bỏ vào tô. Giá rất bình dân, chỉ 4 hay 5 đô một tô, thêm tempura tôm, khoai hay cà-rốt 1 đô 50 xu mỗi cái. Tính ra ăn tô udon với tempura chưa đến 10 đô. So với phở, trong tiệm Old Saigon, cách đó vài căn phố, giá từ 13 đến 15 đô. Có thể vì rẻ mà udon đông khách.

Hôm đó gặp mấy gia đình người Việt từ nội địa sang chơi. Ăn xong tôi có hỏi, một chị từ Houston và một từ Little Saigon nam California, cả hai đều nhận xét udon không ngon bằng phở, nhưng rẻ và no.

Chị ở Little Saigon kể nhóm của chị gồm nhiều gia đình đi chơi với nhau, tất cả 25 người, hôm đi chơi nước, buổi trưa ăn pizza bao bụng mà tốn 540 đôla.

Đúng là ở đây mọi thứ đều đắt vì phải nhập vào và là khu du lịch. Ngân sách của tiểu bang phần lớn đến từ du khách, cửa hàng ABC và căn cứ quân sự.

Hình như không có nhiều người Việt sống ở đây dù khí hậu như vùng duyên hải Việt Nam. Xem niên giám điện thoại họ Nguyễn, Trần, Phạm, Lê, Bùi tất cả chỉ vài người.

Năm 1975, từ trại tị nạn tôi có quen anh Chinh và anh Bút đi định cư ở Hawaii. Không biết nay gia đình họ còn ở đây không. Những năm cuối thập niên 1980, có người Việt San Jose rủ nhau ra đảo làm ăn, thịnh hành là lái taxi và làm việc trong khách sạn.

Đi dạo phố Kuhio thấy có một tiệm nail của người Việt, bảng giá ghi 29 đôla 99 xu cho full set. Còn phở ở đây khá nhiều. Quanh Honolulu đã thấy dăm tiệm. Danh mục điện thoại có ghi 25 tiệm phở. Chính gốc Việt hay ai đó làm chủ thì không biết. Hôm lái xe đi thăm đồn điền trồng dứa, cách Waikiki gần một giờ lái xe cũng thấy có tiệm phở Saigon.

Những lần trước đến đây chúng tôi thường ăn ở khu International Market, nay không còn và một khách sạn đang mọc lên. Nơi đây trước kia có quầy bán thức ăn Mỹ, Nhật, Việt, một phần ăn chừng 10 đến 12 đôla, cũng no. Thèm phở hay cơm thì xuống phố tàu.

Tiệm phở ở Hawaii khá nhiều. Trong danh mục điện thoại có ghi 25 tiệm phở.
Tiệm phở ở Hawaii khá nhiều. Trong danh mục điện thoại có ghi 25 tiệm phở.

Chuyến đi này ở condo nên nhiều tối nấu cơm ăn chung. Hôm thì tôm rang me, hôm gỏi cuốn thịt heo bánh tráng, hôm cơm chiên lạp xưởng, thịt bò xào bắp cải. Na, táo tráng miệng. Bia rượu và đồ nhậu đủ cả.

Hawaii là hải đảo thần tiên, quyến rũ nhiều triệu du khách đến đây nghỉ hè. Còn ở đây lâu có gì vui không? Một anh bạn từ San Jose, sống ở Honolulu vài năm nói chán lắm vì quanh đi quẩn lại chỉ cát trắng, biển xanh. Cuối tuần không biết làm gì hơn là tắm biển hay đi câu cá.

Với anh tài xế đưa chúng tôi ra phi trường trở về đất liền thì khác. Bảy năm trước đến đây và giờ anh không còn muốn trở lại quê cũ ở Louisiana. Anh chọn Hawaii làm nơi sinh sống, lập gia đình vì đời sống yên bình, không vội vã. Anh nói cư dân lái xe dù trên xa lộ cũng không quá 50 mph, so với trong đất liền hay California có chỗ 70 đến 80 mph, nghe sợ quá.

Đúng vậy. Có lái xe mới cảm nhận được sự thong thả trong nếp sống của người dân hải đảo thần tiên. Aloha.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Văn Phú

    Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Các bài viết của Bùi Văn Phú là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG