Đường dẫn truy cập

VN hoãn công bố tiêu chuẩn sản xuất nước mắm do sức ép công luận


Một người mua nước mắm trong siêu thị ở Việt Nam
Một người mua nước mắm trong siêu thị ở Việt Nam

Bộ Khoa học-Công nghệ Việt Nam quyết định chưa công bố bản dự thảo bộ tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất nước mắm, một thứ trưởng của bộ cho báo chí trong nước biết hôm 12/3.

Động thái kể trên được đưa ra sau khi hàng loạt người có ảnh hưởng trên mạng xã hội chỉ trích trong nhiều ngày qua rằng bản dự thảo được soạn theo hướng tạo lợi thế cho nước chấm sản xuất kiểu công nghiệp chứa hóa chất là chính, trong khi có nguy cơ “bức tử” ngành sản xuất nước mắm truyền thống làm từ cá.

Trong số những người đã tích cực lên tiếng về vấn đề này là các nhà báo kỳ cựu Vũ Kim Hạnh, Mai Quốc Ấn, Hoàng Linh, Phạm Việt Thắng; bác sĩ Võ Xuân Sơn, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, và blogger Hiệu Minh.

Các báo, trong đó có Thanh Niên, Người Lao Động và Dân Trí, đưa tin hôm 12/3 cho biết Thứ trưởng Khoa học-Công nghệ Phạm Công Tạc thừa nhận dự thảo “tiêu chuẩn về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm” đã nhận được nhiều ý kiến “trái chiều” của nhiều tổ chức, cá nhân và giới báo chí.

Theo một bài đăng cùng ngày trên “Thông tin Chính phủ”, trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam, khi bản dự thảo được đưa ra lấy ý kiến góp ý, nhiều người chỉ ra rằng có hơn 50 mục trong bản thảo “không phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm”.

Điều mấu chốt làm những người am hiểu về nước mắm lo ngại là dự thảo đánh đồng khái niệm nước mắm truyền thống với nước chấm công nghiệp để ban hành một tiêu chuẩn chung.

Bà Trần Thị Dung, người có bằng tiến sĩ về nước mắm, phân tích trong một cuộc phỏng vấn đăng trên báo Vietnam Finance hôm 11/3 rằng dự thảo đưa ra một định nghĩa “có vấn đề” về nước mắm.

Nữ chuyên gia nhấn mạnh rằng “nước mắm là sản phẩm của ủ chượp cá và muối”, trong khi nước mắm công nghiệp “dùng nước muối pha loãng nước mắm” và “nó phải kèm theo chất bảo quản, chất tạo màu, hương liệu…”

Bà Dung khẳng định với Vietnam Finance là “rõ ràng, nước mắm truyền thống khác xa với nước nước mắm công nghiệp”. Theo lời bà, “những người soạn thảo dự thảo muốn đánh lẫn hai loại này với nhau”.

Đáng chú ý hơn, tiến sĩ Dung cho biết phần nói về quy trình sản xuất trong dự thảo “đã nhập nhằng, đánh lận con đen giữa việc sản xuất nước mắm truyền thống và sản xuất nước chấm công nghiệp trong các nhà máy”.

Nữ tiến sĩ nêu lên nghi vấn phải chăng có một nhóm lợi ích “muốn mượn tay nhà nước” để ra một quy định nhằm “bắt” các nhà sản xuất nước mắm truyền thống “phải đi theo điều họ đặt ra”. Bà Dung không nói cụ thể hơn là nhóm lợi ích đó gồm những công ty hay tổ chức nào, song bà nhận định rằng quy định mới, nếu được thông qua, sẽ làm ngành nước mắm truyền thống bị “bóp chết”.

Theo tìm hiểu của VOA, căn cứ vào những dữ liệu được các báo Sài Gòn Giải Phóng, Thương Hiệu và Công Luận, Zing News, v.v… công bố trong vòng 6 tháng qua, nước mắm hay nước chấm công nghiệp hiện chiếm tới 70% thị phần ở Việt Nam, tương đương xấp xỉ 190 triệu lít. Nước mắm truyền thống, hay còn gọi là nước mắm tự nhiên, chiếm phần còn lại, với khoảng 60 triệu lít.

Báo Thương Hiệu và Công Luận viết trong bản tin hôm 11/3 rằng hãng Massan của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang là “doanh nghiệp trụ vững nhất với các nhãn hiệu Chinsu, Nam Ngư và Đệ Nhị”.

Những người đã chỉ trích dự thảo về tiêu chuẩn sản xuất nước mắm bày tỏ hoan nghênh việc Bộ Bộ Khoa học-Công nghệ “tạm dừng” công bố bộ tiêu chuẩn. Họ nói bộ đã thể hiện “tinh thần cầu thị”, cho thấy cơ quan của chính phủ biết “tiếp thu ý kiến của cộng đồng và giới truyền thông”, và điều đó giúp “giảm thiệt hại cho những doanh nghiệp có liên quan và là bước để lành mạnh hóa môi trường cạnh tranh”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG