Tôi quen rất nhiều bạn bè làm báo, và câu cửa miệng của họ không gì khác rằng “báo chí phải khách quan”. Câu chuyện kinh điển của giới báo chí phản ánh khách quan theo kiểu không gọi “ông già” mà phải gọi “người đàn ông 70 tuổi”. Mọi đánh giá mang tính từ trong báo chí phải dựa trên các cơ sở tri thức khách quan, không quan sát bề ngoài để dự báo và kết luận một cách võ đoán.
Yếu tố thứ hai cũng nói lên sự khách quan đó là “sự thật phải tròn trịa”. Một nhà báo có thể nói ra một nửa sự thật và giấu nhẹm phần còn lại. Tuy nhiên, anh ta không có quyền khẳng định rằng “một nửa sự thật anh ta nói là chân lý”. Nó sai hoàn toàn.
Thế nhưng, vụ thông tin nước mắm Việt Nam (ý đề cập nước mắm truyền thống nói chung) nhiễm asen (thạch tín) khiến hàng ngàn hộ dân làm nước mắm, hàng trăm thương hiệu nước mắm truyền thống điêu đứng trong thời gian qua của giới truyền thông Việt Nam (cụ thể là khoảng 50 tờ báo lớn nhỏ), cho thấy sự khủng hoảng về tính khách quan trong nền báo chí Việt Nam hiện nay khi mắc cả hai lỗi căn bản nói trên.
Một là, các bài báo đã chỉ nói một nửa sự thật. Rõ ràng có một sự thật là thạch tín hữu cơ thì không có hại cho sức khỏe, còn thạch tín vô cơ thì có. Tôi dùng phép hình dung cơ bản, nếu cơ thể hấp thụ đường từ trái cây, từ mía thì sẽ không có hại (hoặc có thì không đáng kể) – đường hữu cơ; trong khi nếu ăn đường hóa học (vô cơ), tức dùng hóa chất tổng hợp thành đường ăn, thì mọi chuyện sẽ rất khác.
Nhưng khác với câu chuyện đường (vì đường hóa học và đường hữu cơ vốn được thông dụng trong dân chúng), câu chuyện thạch tín trong nước mắm, trước vụ khủng hoảng truyền thông vừa qua, rất ít được biết trong giới tiêu dùng. Mặc nhiên trong đầu hàng triệu bà nội trợ, miễn cứ có nhiều “thạch tín” thì có hại cho cơ thể. Ai là người có khả năng phân biệt 2 loại thạch tín (như hai loại đường)? Xin thưa là các nhà khoa học, giới chuyên gia, giới làm nước mắm công nghiệp, và những người tìm hiểu sâu về thạch tín.
Lẽ ra nếu muốn nói về mức thạch tín trong nước mắm truyền thống thì báo chí phải nêu rõ đó là thạch tín hữu cơ, không có hại. Nhưng họ chỉ nói một nửa. Không chỉ một mà nhiều tờ báo chỉ nói một nửa sự thật, để kẻ được lợi nhất chính là doanh nghiệp Masan vốn đang xây dựng thương hiệu “nước mắm ngon và an toàn với lượng thạch tín thấp”. Đó là một chiêu trò bất lương, một nửa sự thật bất lương.
Hai là, trong vụ khủng hoảng thông tin kỳ này, không thiếu các tờ báo dường như không phải “ăn chia” với doanh nghiệp mà chỉ dẫn bài viết từ các báo khác về để giật tít, câu view (vì vụ thông tin nước mắm Việt Nam nhiễm thạch tín cao rất nóng). Điều này làm họ “chết lây” mà dân gian gọi là “chết vì thiếu hiểu biết”. Trong tác nghiệp báo chí, tất cả các vấn đề mang tính hàng lân, liên quan đến các công bố khoa học, nhất thiết phải được kiểm tra bằng nhiều hình thức định lượng khác nhau. Lẽ ra các tờ báo cóp-dán-xào nấu (copy-paste-and edit) phải làm một thao tác đơn giản là tìm hiểu thật kỹ về thạch tín nói chung và thạch tín trong nước mắm nói riêng. Quá chạy theo xu hướng độc giả mang tính thụ động và tin vào một số tờ báo lớn vốn có chủ đích “nói một nửa sự thật” khiến các tờ báo khác nhận hậu quả về mình.
Tôi không quy chụp báo chí Việt Nam chỉ qua trường hợp nước mắm (dù một sự việc đơn giản nhưng cho thấy sự yếu kém về năng lực khách quan của ít nhất trên dưới 50 tờ báo). Còn nhớ vụ nhà báo đã dùng dầu cá nhỏ lên tấm xốp, tấm xốp tan chảy và kết luận dầu cá Trung Quốc “gây nguy hiểm” cho sức khỏe. Sau đó gần hơn, có tờ báo bắt một con cá (nước lợ) để bỏ vào nước biển, sau hai phút cá chết và cho rằng nguyên nhân là vì nước biển nhiễm độc từ Formosa. Cả hai thí nghiệm gây chấn động dư luận này sau đó đã bị “bóc mẻ”, và có thể nói cùng 1 cách lý giải về năng lực khách quan của nhà báo: hoặc là làm báo có định kiến cá nhân; hoặc là cố tình nói một nửa sự thật (tức là sai sự thật) vì một động cơ nào đó.
Ở góc độ truyền thông, bài học cho các nhà quản lý truyền thông của Việt Nam chính là phải xử lý nghiêm những hành vi cố tình tạo ra thông tin sai sự thật từ hiện tượng bất đối xứng thông tin. Các thông tin càng hàn lâm, càng có tính chuyên môn sâu, thì khả năng tạo ra sự bất đối xứng càng cao, và khả năng trục lợi càng lớn. Mở rộng hiện tượng “thiếu năng lực khách quan” ra, rõ ràng thấy rằng người Việt thường hay dính vào các vụ làm ăn “tiền mất tật mang” cũng vì năng lực khách quan kém. Từ các vụ bê bối bán hàng đa cấp, đến các vụ thương lái Trung Quốc hoành hành ở khu vực miền Tây và Tây nguyên.
Truyền thông Việt Nam cần có một cuộc cải cách lớn để khả năng bất đối xứng thông tin phải giảm đến mức tối thiểu và khả năng khách quan tiếp nhận và phổ biến thông tin ở giới dân chúng, giới nhà báo phải được cải thiện rất nhiều.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.