Thành thực mà nói, đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều công lớn đối với dân tộc. Lớn nhất là họ đã giành được độc lập vào năm 1945; sau đó, chiến thắng thực dân Pháp, chấm dứt ách đô hộ kéo dài gần một thế kỷ của Pháp; cuối cùng, mặc dù phải trả một giá rất đắt bằng mạng sống của cả mấy triệu người qua cuộc nội chiến kéo dài gần 20 năm, đã thống nhất đất nước vào năm 1975.
Hai công đầu, lịch sử đã ghi nhận. Công thứ ba, do còn quá mới, khi vết thương của nhiều người chưa lành hẳn, nên dễ bị nghi vấn hoặc phản đối, cần thêm thời gian để khẳng định.
Nhưng bên cạnh đó, đảng Cộng sản đã vấp phải vô số sai lầm. Nhiều sai lầm đã trở thành tội ác. Trước hết là tội giết chết hàng chục ngàn người và đày đoạ hàng trăm ngàn người khác một cách thảm khốc và oan ức trong vụ cải cách ruộng đất trong nửa đầu thập niên 1950. Sau đó, tội trấn áp văn nghệ và trí thức trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm trong nửa sau thập niên 1950. Rồi tội tước đoạt tài sản của dân chúng miền Nam trong cái gọi là chiến dịch đánh tư sản mại bản; tội bắt bớ cả hàng trăm ngàn cựu quân nhân và công chức miền Nam đày vào các trại học tập cải tạo có khi kéo dài cả chục năm; tội ban bố các chính sách bao cấp độc đoán làm kiệt quệ nền kinh tế vốn đã què quặt sau chiến tranh. Cuối cùng, như là hậu quả của tất cả các tội ác vừa kể, đảng Cộng sản đã đẩy hàng triệu người phải bỏ nước ra đi, trong đó, có cả hàng trăm ngàn người phải bỏ xác trên đường vượt biển.
Sự khốn cùng và lạc hậu kéo dài của đất nước sau 1975 là tội của đảng lãnh đạo. Thảm cảnh vượt biên của dân chúng cũng là tội của đảng lãnh đạo.
Cần nói ngay, đó không phải là một luận điệu của những người chống cộng. Chính đảng Cộng sản cũng ít nhiều thừa nhận những sai lầm đã thành tội ác của họ. Thừa nhận, nên mới tiến hành hết đợt sửa sai này đến đợt sửa sai khác. Sớm nhất là sửa sai sau cuộc cải cách ruộng đất với việc Trường Chinh bị mất chức Tổng bí thư, Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương bị loại khỏi Bộ chính trị và Hồ Viết Thắng bị loại khỏi Ban chấp hành Trung ương đảng.
Thừa nhận, nên họ mới tung ra chính sách đổi mới từ giữa thập niên 1980, qua đó, công nhận quyền tư hữu và kinh tế tư nhân. Thừa nhận, nên họ mới phục hồi hội tịch, sau đó, trao giải thưởng cho một số cây bút thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm như Trần Dần, Hoàng Cầm và Lê Đạt. Thừa nhận, nên gần đây, họ hay nói đến vấn đề hoà giải này nọ với cộng đồng người Việt Nam lưu vong.
Nhưng họ chỉ thừa nhận một cách mặc nhiên, chung chung, như lỗi của một ai khác. Ai khác đó là ai? Nói theo chữ của Phạm Thị Hoài, trong bài “Về tư cách của trí thức Việt Nam”, đó là “thằng khách quan” và “thằng lịch sử”.
Nhưng cái gọi là “thằng khách quan” và “thằng lịch sử” ấy chỉ là một lối nói nguỵ biện nhằm trốn tránh trách nhiệm. Những sai lầm và tội ác ấy xuất phát từ chính sách mà chính sách là do con người, do những người đứng đầu đảng và chính phủ đưa ra chứ không phải từ “thằng khách quan” hay “thằng lịch sử” nào cả. Những điều kiện khách quan của lịch sử chỉ có thể tạo nên những hạn chế làm giảm tính hiệu quả của các chính sách đúng đắn nhưng không thể là nguyên nhân của những chính sách sai lầm gây tai hoạ cho cả dân tộc hay cho một bộ phận quần chúng đông đảo.
Đảng Cộng sản và chính phủ Việt Nam không thể chạy trốn trách nhiệm bằng cách đổ lỗi cho một cái gì khác. Cũng không thể chạy trốn trách nhiệm bằng cách lẳng lặng sửa sai bằng những biện pháp chắp vá dối giá nửa vời.
Những sai lầm và tội ác công khai tác động đến sinh mệnh của cả hàng triệu người, thậm chí, của cả dân tộc, không thể chuộc bằng sự tảng lờ hay lấp liếm.
Đảng Cộng sản và chính phủ Việt Nam thỉnh thoảng hay lên tiếng kêu gọi gạt bỏ những hận thù trong quá khứ để hoà hợp và hoà giải. Nhưng một sự hoà hợp, hoà giải thực sự chỉ có thể được tiến hành khi những người gây tội ác phải nhìn nhận và công khai xin lỗi về những tội ác của mình.
Đó là việc làm bình thường của các chính phủ văn minh trên thế giới.
Nhớ, vào ngày 13 tháng 2, 2008, Thủ tướng Úc Kevin Rudd đã công khai xin lỗi các thổ dân Úc về những chính sách sai lầm của Úc trong quá khứ, trong đó, quan trọng nhất là, để tiến hành chính sách đồng hoá người thổ dân, chính phủ Úc, cách đây cả một thế kỷ, cách ly trẻ em thổ dân khỏi gia đình bằng cách bắt các em ở riêng hoặc làm con nuôi của các gia đình người da trắng. Biện pháp đồng hoá thô bạo ấy đã làm tan nát tâm hồn bao nhiêu ông bố, bà mẹ và trẻ em. Nó trở thành một vết nhơ trong lương tâm nhiều người Úc. Sau này, để chuộc lại lỗi lầm ấy, các chính phủ Úc đã tăng cường các nguồn trợ cấp xã hội dành cho người thổ dân, giúp họ được học hành, giúp họ kiếm công ăn việc làm và xây dựng nhà cửa, v.v…
Nhưng, chưa đủ.
Đại đa số người thổ dân vẫn thấy chưa đủ: Họ cảm thấy chính phủ còn nợ họ một lời xin lỗi công khai. Đại đa số người dân Úc bình thường, không phải thổ dân, cũng cảm thấy không đủ: Họ cảm thấy họ còn nợ các nạn nhân một lời xin lỗi chính thức.
Hiểu được điều đó, chính phủ Lao Động, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Úc, đã nhân danh quốc gia, đứng ra xin lỗi người thổ dân một cách long trọng tại nhà Quốc Hội Úc ở Canberra. Nghe lời xin lỗi ấy, nhiều người, thổ dân và không phải thổ dân, ràn rụa nước mắt vì mừng. Với thổ dân, nỗi đau nhiều thế hệ của họ được khuây khoả; với người da trắng, sự xấu hổ âm thầm được lắng dịu.
Ai cũng thấy một lời xin lỗi chính thức và công khai như vậy là ý nghĩa. Nó không phải là một sự yếu đuối. Nó là sức mạnh của một thế hệ dám nhận lãnh trách nhiệm về những sai lầm trong quá khứ. Dù là những sai lầm do cha anh họ gây ra. Và ở một thời nào xa lắc.
Đảng Cộng sản và chính phủ Việt Nam cũng nên có một hành động can đảm và sáng suốt như vậy nếu họ thực sự thành tâm muốn xây dựng một đất nước thống nhất và vững mạnh.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1