Đọc báo, thấy các nhà lãnh đạo Tây phương thật khổ.
Có cảm tưởng hầu như lúc nào họ cũng tất bật với công việc. Hết họp hành lại họp báo; hết thăm nơi này lại viếng nơi khác; hết đưa ra chính sách này lại đưa ra chính sách khác; hết tranh cãi với phe đối lập lại đối diện với các câu hỏi hóc búa của các ký giả cũng như của dân chúng trong các cuộc trực thoại trên đài truyền thanh.
Mỗi ngày, họ đối diện với không biết bao nhiêu là vấn đề. Không có vấn đề nào là không quan trọng và không khẩn cấp. Với Tổng thống Mỹ, đó là những vấn đề của cả thế giới, từ chuyện chiến tranh ở Iraq và Afghanistan đến chuyện lục đục giữa Do Thái và Palestine, giữa Pakistan và Ấn Độ, chuyện chạy đua chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran và Bắc Hàn, v.v… Rồi chuyện khủng hoảng kinh tế, chuyện công ăn việc làm của dân chúng, chuyện di dân lậu, chuyện cúm heo… Trời, cả ngàn chuyện. Chuyện gì cũng đòi ông có ý kiến và có quyết định.
Tại Úc, nơi tôi đang định cư, người đứng đầu chính phủ là Thủ tướng. Thủ tướng Kevin Rudd nổi tiếng với biệt danh là Kevin 24/7. Vợ ông tiết lộ, ngay từ trẻ, hầu như ông chỉ cần ngủ vài tiếng mỗi ngày. Nhưng những người làm việc chung với ông, từ các bộ trưởng đến các nhân viên trong văn phòng Phủ thủ tướng, đều có cảm tưởng là ông không bao giờ ngủ. Đi công tác ở ngoại quốc, nhiều lúc rời nước này vào buổi chiều, bay sang nước khác đã là sáng sớm, ông tranh thủ làm việc ngay tức khắc. Không ngủ nghê hay nghỉ ngơi gì hết.
Còn ở trong nước thì khỏi nói. Ông làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm. Chuyện cố vấn hay nhân viên của ông nhận điện thoại của ông lúc 2,3 giờ sáng xảy ra như “chuyện thường ngày ở huyện”. Không có gì đáng ngạc nhiên khi, chỉ sau gần hai năm ông lên cầm quyền, hơn một nửa nhân viên dưới quyền đã xin nghỉ việc. Lý do: Họ theo không nổi sức làm việc ghê gớm của ông!
Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi, với sức làm việc như thế, Thủ tướng Úc cũng như hầu hết các lãnh tụ Tây phương khác, có khối kiến thức rộng rãi và cập nhật rất đáng nể. Hỏi chuyện gì họ cũng biết. Chuyện lớn lao như chiến tranh giữa nước này và nước nọ, họ biết, đã đành. Chuyện đồng đô-la mới xuống giá, xí nghiệp này đóng cửa, công ty kia lỗ lã, phải sa thải cả ngàn nhân viên, họ cũng biết.
Một tai nạn xe lửa mới xảy ra khiến vài chục người thiệt mạng, người ta bèn hỏi Thủ tướng về vấn đề an toàn giao thông. Một sự cố gì đó trong bệnh viện khiến năm bảy người bị chết một cách oan uổng, người ta lại hỏi Thủ tướng về hệ thống y tế trong nước. Thậm chí, giá xăng tăng, giá sữa tăng, giá bánh mì tăng, người ta cũng hỏi Thủ tướng. v.v…
Giới lãnh đạo hầu như lúc nào cũng bị giới truyền thông và giới đối lập vây quanh để hạch hỏi hết chuyện này đến chuyện khác. Toàn những chuyện hiểm hóc. Và họ phải trả lời ngay. Dân chúng thường không chấp nhận nghe lãnh tụ của họ trả lời là “không biết” về bất cứ sự kiện hay vấn đề gì liên quan đến quốc gia. Nhiệm vụ của họ, với tư cách lãnh đạo, là phải biết. Biết rõ. Biết tình hình. Biết sự kiện. Biết một cách cụ thể và chính xác. Và phải biết cả các chính sách cần thiết để khắc phục các sự cố hay vấn đề ấy.
Đó là chuyện ở Tây phương.
Còn ở Việt Nam thì khác.
Đọc báo, thấy giới lãnh đạo nước mình thật sướng.
Ví dụ mở trang báo Nhân Dân điện tử, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam, chúng ta dễ có cảm tưởng là giới lãnh đạo Việt Nam, từ Tổng bí thư đến Thủ tướng và Chủ tịch nước, hình như không làm việc gì khác ngoài việc tiếp khách hay thăm viếng các công ty, xí nghiệp và tham dự các lễ lạc cũng như hội nghị. Ở đâu cũng có tiệc tùng ăn uống. Ở đâu họ cũng lên đọc bài diễn văn đã soạn sẵn với những nội dung và cả câu chữ lặp đi lặp lại từ cả mấy chục năm trước. Có khi đọc nhầm diễn văn cũng không sao. Không có lúc nào họ bị hạch hỏi, tra vấn, bắt bẻ, cãi cọ. Không có lúc nào họ cần phải cố gắng thuyết phục ai cả. Họ muốn làm gì thì làm. Muốn nói gì thì nói.
Đây là trang đầu phần chính trị của tờ Nhân Dân ngày 9 tháng 2 năm 2010. Để cho gọn, tôi bỏ hết các hình ảnh minh hoạ cũng như những câu tóm tắt ở đầu mỗi bản tin. Tôi chỉ giữ lại nhan đề của các bản tin mà thôi.
Báo Nhân Dân: Cập nhật 11:27 ngày 09-02-2010 GMT+7
Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh thăm và chúc Tết tại Bệnh viện Bạch Mai (9-2)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm, chúc Tết tại tỉnh Bình Dương (9-2)
Các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước thăm, chúc Tết đồng bào, chiến sĩ (9-2)
Kỳ họp thứ 8 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương (9-2)
Tổ chức thăm, tặng quà hộ nghèo, gia đình chính sách, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (9-2)
Công an Hà Nội khen thưởng các đơn vị lập thành tích xuất sắc (9-2)
TIẾP KHÁCH (9-2)
Ðổi thay ở vùng đồng bào Chăm (9-2)
BITEXCO chăm lo xây dựng tổ chức đảng (9-2)
Kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước Trung Âu (9-2)
Phóng sự điều tra: Chất Da cam/dioxin – Di chứng dai dẳng (Phần 4) (9-2)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đưa Quảng Trị không ngừng phát triển (8-2)
Tai nạn giao thông đường sắt, một người tử vong (8-2)
Đồng chí Tô Huy Rứa thăm và chúc Tết tại Quảng Nam (8-2)
Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội Báo Xuân Canh Dần (8-2)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Thương mại I-ran và Thứ trưởng Ngoại giao Ca-dắc-xtan (23-12)
Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng
Vĩnh Long nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở (23-12)
Ðoàn đại biểu Ðảng ủy Quân sự T.Ư và Bộ Quốc phòng thăm và chúc mừng Ðại tướng Võ Nguyên Giáp (23-12)
Hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 20 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (23-12)
Phong tặng và truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (23-12)
Xứng đáng với niềm tin yêu của người dân đất Cảng (23-12)
Kết quả cuộc thi trắc nghiệm tuần thứ 20 Cuộc thi tìm hiểu 80 năm truyền thống ngành Tuyên giáo (Từ ngày 15 đến 22-12-2009) (23-12)
Kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập QÐND Việt Nam, 20 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12)
Quân khu 7 mít tinh kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12)
Hội nghị Ủy ban điều phối Khu vực Tam giác phát triển lần thứ 4 Campuchia – Lào – Việt Nam (22-12)
Tiếp khách (22-12)
Nếu bạn đủ kiên nhẫn, lục lại trang ngày trước đó hay, thậm chí, các năm trước đó, cam đoan là bạn sẽ không thấy điều gì khác lạ cả. Cũng tiếp khách. Cũng dự hội nghị. Cũng thăm viếng nơi này nơi khác. Mặt mũi lúc nào cũng hớn hở tươi cười.
Mà không hớn hở tươi cười sao được?
Họ có phải làm gì đâu.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1