Lâu nay, nghĩ về văn học, tôi cứ hay miên man liên tưởng đến khu vườn đá của Nhật Bản.
Tôi nói ngay, tôi không phải là người mê làm vườn và sành về vườn, bất kể là loại vườn gì. Kiến thức của tôi về vườn đá Nhật Bản chỉ dừng lại ở mức phổ thông với vài ba cuốn sách đọc một cách tình cờ và cũng khá ơ hờ. Nói một cách vắn tắt, tôi chỉ là người thưởng thức không chuyên. Mà thật ra, ngay cả khi viết bài này, tôi cũng không cảm thấy có nhu cầu tìm hiểu thêm cho sâu hơn. Tôi hài lòng với những hiểu biết rất ư đại khái:
1) Nghệ thuật làm vườn ở Nhật Bản đã có truyền thống từ lâu đời và bao gồm nhiều kiểu khác nhau.
2) Những kiểu ấy có một đặc điểm chung nhất: vai trò của đá. Không thể tưởng tượng có một loại vườn nào gọi là đặc thù của Nhật Bản mà đá lại không đóng một vai trò quan trọng. Nếu trung tâm của hầu hết các loại vườn, kể cả các khu vườn thời cổ đại Trung Hoa, là hoa thì trung tâm của các kiểu vườn của Nhật Bản thường lại là đá.
3) Trong các kiểu vườn ấy, có một loại mang tên là karesansui [枯山水], vườn đá, chỉ có đá và cát.
Tôi đặc biệt chú ý đến cái kiểu vườn đá ấy.
Trong vườn đá có thể có cây, hoa và cỏ. Tuy nhiên, sự hiện diện của các loài thảo mộc như thế rất ít, chỉ điểm xuyết đây đó, thường là ngoài rìa. Nhiều khu vườn không có gì ngoài đá và cát. Đá, lổn nhổn vài ba hòn, với những hình thù khác nhau và được sắp xếp theo những trật tự khác nhau. Còn lại là cát. Cát, có khi thật phẳng phiu nhưng cũng có khi được cào lên theo hình sóng gợn, thay đổi theo nhiều hướng, mỗi ngày một vẻ.
Đằng sau kiểu vườn đá là cả một lịch sử, một triết lý (Thiền tông) và một quan điểm mỹ học đề cao sự tối giản, sự yên tĩnh, sự tự nhiên và sự hài hoà. Tuy nhiên, điều ám ảnh tôi nhiều nhất là sự hình thành của kiểu vườn này. Rõ ràng, nó không thể ra đời một cách tự nhiên. Nhật Bản không phải là một vùng sa mạc. Khó có thể hình dung một khu vườn nào, nhất là vườn quanh chùa, lại không có cây, hoặc ít nhất, cỏ, để người ta phải chấp nhận, rồi từ từ quen mắt. Không, loại vườn chỉ có đá và cát là một lựa chọn đầy ý thức chứ không phải là một hiện tượng có sẵn. Đó là một sự từ chối đối với kiểu vườn cảnh (landscape garden) quen thuộc đã có truyền thống từ lâu đời, cả nhiều trăm năm trước công nguyên. Những người đầu tiên sáng tạo ra kiểu vườn ấy hẳn đã phải suy nghĩ, đắn đo và cuối cùng đi đến một quyết định dứt khoát, táo bạo và hết sức cực đoan là loại trừ cây, cỏ và hoa ra ngoài khu vườn của mình. Cây: chặt hết. Hoa: bứng hết. Cỏ: nhổ sạch hết. Tất cả những gì thường được người đời xem là đẹp và là thơ mộng: bỏ hết. Không thương tiếc. Chỉ giữ lại những gì thô nhất, cứng nhất, đơn giản nhất, trần trụi nhất: đá và cát. Tôi đoán: những kẻ sáng tạo quyết liệt ấy thế nào cũng bị xã hội chung quanh chê bai và nguyền rủa dữ dội.
Vậy mà, cuối cùng, với hai loại chất liệu vốn thường bị xem là phi thẩm mỹ ấy, người ta tạo thành những khu vườn đẹp. Tuyệt đẹp.
Hơn nữa, chính loại vườn ấy là đặc trưng của văn hoá Nhật Bản.
Thành một trong những bản sắc và niềm tự hào lớn của Nhật Bản.
Ở nước Nhật vốn có nhiều sự cực đoan. Cực đoan từ cái ăn, cái uống, cái mặc… đến cái chết. Ở đâu cũng có những nguyên tắc và những “lễ nghi” nhất định. Ở đâu cũng gắn liền với một triết lý và một thái độ muốn đi đến tận cùng một cái gì đó. Tôi đặc biệt yêu thích sự cực đoan của người đầu tiên nảy ra sáng kiến biến đá và cát thành cái đẹp. Những sự cực đoan đầy thi tính. Tôi ngờ là nếu không có những sự cực đoan như thế, người ta sẽ không bao giờ tạo ra được một bản sắc gì cho thật độc đáo.
Người Việt mình hay lên án những kẻ cách tân trong văn học và nghệ thuật là cực đoan. Riêng tôi, tôi tiếc là trong cả lịch sử Việt Nam, chưa có ai cực đoan đến độ đòi loại trừ cây, cỏ và hoa (hay tất cả những thứ gì được xem là đẹp hay đèm đẹp tương tự) ra khỏi khu vườn (hay bất cứ công trình nghệ thuật nào, như thơ hay văn, chẳng hạn) của mình như vậy.
Nếu có, chúng ta tha hồ mà…nói khoác!