Tôi không biết ở Việt Nam đã có hay chưa một công trình nghiên cứu xã hội học về nạn bạo động trong nhà trường để qua đó, chúng ta có thể nhìn thấy một bức tranh chính xác về hiện tượng học sinh đánh nhau hay học sinh đánh thầy cô giáo, từ đó, mọi người có thể cùng nhau phân tích nguyên nhân và suy nghĩ về những biện pháp khả thi hầu phục hồi đạo đức học đường vốn là một trong những nền tảng căn bản của đạo đức xã hội.
Không đọc được những công trình nghiên cứu như thế, nhưng chỉ qua báo chí, tôi đã có thể hình dung ra những bức tranh rất mực đau lòng. Hôm nay là cảnh năm bảy học sinh nam đánh nhau. Hôm khác là cảnh năm bảy học sinh nữ hành hung nhau. Hôm khác nữa, một hay một số học sinh nhào lên đánh gục thầy cô giáo ngay trên bục giảng.
Mà đánh một cách vô cùng hung bạo. Phần lớn là có vũ khí. Lúc thì là dao hay mã tấu, lúc thì là gậy gộc hay xích sắt. Nạn nhân có khi bị chết hay thương tật trầm trọng.
Lý do của những vụ bạo động đó có khi rất vu vơ. Thầy cô giáo phạt: đánh. Thầy cô giáo cho điểm thấp: đánh. Bạn bè cãi cọ nhau: lao vào đánh. Thậm chí, không làm gì nhau cả, chỉ trông cái mặt ai đó kênh kênh, đáng ghét, thế là cũng đánh.
Tham gia vào các vụ bạo động như thế không phải chỉ có nam sinh mà còn có cả nữ sinh nữa. Nữ sinh không phải chỉ cào cấu hay giật tóc nhau mà còn sử dụng cả dao, gậy. Không phải chỉ có các học sinh lớn tuổi mà còn cả các học sinh còn rất nhỏ, ở những năm cuối của tiểu học hay những năm đầu của trung học. Các em học sinh nhỏ nhắn, khoảng mười mấy tuổi đầu, tưởng là ngây thơ, đã có những hành động thật dữ dằn và tàn bạo ngay ở cái nơi các em vẫn thường được giảng dạy về lễ nghĩa và đạo đức làm người.
Nhìn những cảnh ấy, ai mà không đau xót? Đau xót, không thể không đặt vấn đề: Tại sao?
Thật ra, nạn bạo động trong trường học thì ở đâu cũng có. Và thời nào cũng có. Cha ông chúng ta từng nói: Nhất quỷ, nhì ba, thứ ba… học trò kia mà? Học trò nào cũng nghịch. Có cái nghịch lành, và có những cái nghịch dữ. Nghịch dữ, đến mức nào đó, thành ra bạo động. Ngay ở Tây phương, trong các trường lớn và nổi tiếng là nền nếp, thỉnh thoảng cũng xảy ra các vụ học trò đánh nhau. Ở Việt Nam trước đây, nạn đánh nhau giữa học sinh, chắc cũng có. Nhưng, qua những gì được tường thuật trên báo chí, có cảm tưởng, chưa bao giờ nạn bạo động lại lan tràn và nghiêm trọng như bây giờ.
Tại sao?
Nhiều người quy lỗi cho gia đình. Rằng, đạo đức trong học đường phải liên thông với đạo đức trong gia đình. Rằng, trách nhiệm giáo dục trẻ em không phải chỉ thuộc về thầy cô giáo mà còn tuỳ thuộc, thậm chí, tuỳ thuộc chủ yếu vào ông bà, cha mẹ, anh em trong nhà. Rằng, nếu ông bà, cha mẹ hay anh em trong nhà không từng thượng cẳng chân hay hạ cẳng tay với nhau thì các em sẽ không thể nào ứng dụng cái thói hung bạo như vậy đối với bạn bè hoặc thầy cô giáo.
Quy lỗi như vậy rõ ràng là lệch hướng. Thói xấu mà trẻ em học được không phải chỉ xuất phát từ trong gia đình mà, có khi quan trọng hơn, từ ngoài xã hội nữa. Mà xã hội Việt Nam thì không hiếm bạo động. Ở đâu và lúc nào cũng có thể bắt gặp cảnh người ta đánh nhau. Đi xe bị quẹt ư? Nhẹ thì trừng mắt; nặng hơn chút nữa thì chửi tục; còn nặng hơn chút nữa thì vất xe xuống đường nhào đến thoi nhau vài ba cú. Nhưng đâu phải chỉ có dân chúng mới đánh nhau? Báo chí vẫn thường tường thuật cảnh sát giao thông bạt tai người lái xe phạm luật; cán bộ xã, cán bộ phường đánh dân như đánh kẻ thù.
Nguyên nhân sâu xa của nạn bạo động trong nhà trường rõ ràng phản ánh sự suy thoái về đạo đức trong toàn bộ xã hội. Nói “đạo đức” là nói chung chung. Quá chung chung. Trọng tâm của cái gọi là đạo đức ấy, trong trường hợp bạo động này, là sự mất niềm tin vào lý lẽ.
Ở đời, ai cũng có những mâu thuẫn, với những mức độ nhiều ít khác nhau, với người khác. Ở xã hội văn minh, người ta được giáo dục phải sử dụng lý trí và ngôn ngữ để giải quyết các mâu thuẫn ấy. Hành động nhào đến cấu xé nhau, đánh đập nhau bị xem là thiếu giáo dục và thiếu văn hoá. Nó không những bị nghiêm cấm về phương diện luật pháp mà còn bị khinh bỉ về phương diện xã hội.
Ở Việt Nam, luật pháp rất lơ là về nạn bạo động. Vợ chồng đánh nhau? Mặc kệ. Báo chính quyền, chính quyền làm ngơ. Bố mẹ chồng trói quặt con dâu rồi vất ra đường như một con chó, ai nhìn thấy cũng động lòng, một số cơ quan truyền thông làm rùm beng lên, chính quyền vẫn im lặng.
Thầy giáo Nguyễn Việt Hùng đi coi thi ở Đắc Lắc, bị học trò đánh ngay giữa lớp đến bầm tím mặt mày, cả Sở giáo dục lẫn công an đều khoanh tay, không hề có phản ứng gì cả.
Chính quyền rất tích cực trong việc bắt bớ những người lên tiếng đòi tự do, dân chủ, hoặc chỉ lên tiếng chống lại âm mưu xâm chiếm các hải đảo Việt Nam của Trung Quốc, nhưng trước tất cả những vụ bạo động như thế, chính quyền lại dửng dưng phủi tay, với lý do: Không có ai chết hay bị thương tích thật trầm trọng!
Sự tắc trách về phương diện luật pháp như thế “dạy” dân chúng, kể cả trẻ em, một bài học: Có thể tha hồ hành hung người khác miễn là đừng gây nên án mạng hoặc để lại nhiều thương tích!
Ngoài sự lơ là và lỏng lẻo của luật pháp, xã hội Việt Nam cũng thường chưa biết khinh bỉ thói bạo động. Có thể đó là tàn tích của văn hoá chiến tranh ngày trước. Xin lưu ý là suốt thời chiến tranh, từ chiến tranh chống Pháp đến chiến tranh Nam Bắc, ở miền Bắc, từ nhà trường đến xã hội, trong văn học cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng, lúc nào người ta cũng tuyên dương sự bạo động. Những câu thơ như “Ôi êm ái khi tay cầm vũ khí” của Xuân Diệu hay “Hoan hô cái hầm chông / Ta yêu ngươi hơn vạn đoá hoa hồng” của Chế Lan Viên từng là những khẩu hiệu.
Được nuôi dưỡng trong thứ văn hoá bạo động như vậy trong cả gần nửa thế kỷ, trách gì bạo động không phổ biến?
Bởi vậy, theo tôi, điều cần nhất là hiện nay là phải biết xây dựng một nền văn hoá hoà bình thay thế cho thứ văn hoá chiến tranh đã lỗi thời; xây dựng một thứ văn hoá thương thảo chỉ sử dụng ngôn ngữ và lý lẽ thay cho thứ văn hoá bạo động chỉ dựa vào nắm đấm hay vũ khí.
Cả hai đều là nhiệm vụ của chính phủ. Là những chuyện chính phủ phải làm.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1