Công an Việt Nam đã bắt giữ 20 người có liên quan đến một cuộc biểu tình ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Vụ tranh chấp bắt đầu hôm thứ Ba khi hàng trăm dân làng đã đụng độ với khoảng 3.000 cảnh sát và nhân viên an ninh.
Các giới chức Việt Nam cho biết cảnh sát đã dùng hơi cay và bắn chỉ thiên để giải tán đám đông mà họ nói là đã tấn công cảnh sát bằng gạch đá.
Trong khi, một người dân làng trong số những gia đình bị tịch thu đất đai thuật lại cho đài VOA biết về vụ việc này như sau:
“Một tập đoàn quan tham, từ trung ương đến địa phương, mang vũ khí tối tân như lá chắn, súng hơi cay, nã thẳng vào dân, rồi đàn áp dân để họ tiếp tục vào khu đất cưỡng chế. Dân chúng tôi là dân đen thì làm gì có gì đâu, chúng tôi chỉ đòi hỏi quyền lợi của chúng tôi, chúng tôi muốn giữ cái sào ruộng của chúng tôi thôi. Chúng tôi phải tản mát vào những ruộng cây. Đoànquân hàng hơn 3.000 người và khoảng 80 xe, vừa xe xích vừa xe ủi, xe xúc, họ nườm nượp tiến vào cứ như chiến dịch Điện Biên Phủ. Nó dùng dùi cui, những cái tuýp sắt khoảng hơn 1 mét, nó phang, nó đánh. Và nó bắt khoảng 19 người của cả 3 xã. Bây giờ họ đưa gần 100 máy xúc, máy ủi vào xúc bốn xung quanh chỗ trồng cây cảnh của huyện Xuân Quan, sâu khoảng 5, 6 mét, rộng khoảng 5 mét. Họ xúc như thế để tách biệt hẳn hoi. Dân thì chỉ có tay trắng thôi, thì làm gì được. Họ đưa công an vào bảo vệ, trực để cho máy làm. Máy dàn hàng ngang hàng dọc, họ làm như thế, kìn kìn luôn. Dân chỉ có người như thế này, không thể vào được.”
Một đoạn video đăng trên trang YouTube cho thấy hình ảnh cảnh sát đã đánh một dân làng, nhưng hiện không thể kiểm chứng độc lập được video này. Trong đoạn video, có thể nghe thấy cả tiếng súng nổ, song chưa rõ ai là người nổ súng và đây là loại vũ khí gì.
Các dân làng nói rằng giới hữu trách đã tìm cách chiếm đất của nông dân một cách bất hợp pháp để xây dựng Khu đô thị thương mại - dịch vụ Văn Giang (Ecopark), một dự án đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện từ năm 2003, và giao cho Công ty đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng làm chủ đầu tư.
Báo Thanh Niên hôm nay trích lời ông Bùi Huy Thanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh, nói rằng “công an tỉnh đã tạm giữ 20 người có hành vi quá khích; thu giữ nhiều bao tải gạch đá, chai xăng và đang điều tra những đối tượng cầm đầu tổ chức chống đối người thi hành công vụ”.
Cũng theo báo Thanh Niên, vụ tranh chấp đã kéo dài từ năm 2004 đến nay. Ban đầu người dân kiến nghị về giá vì cho rằng đây là khu vực giáp Hà Nội, nhưng mức đền bù thấp. Về sau một số người dân chuyển sang khiếu nại về tính pháp lý của dự án.
Ông Bùi Huy Thanh nói rằng “hiện nay một nhóm người không còn yêu cầu nào khác ngoài việc đòi dừng không thực hiện dự án, trả lại đất canh tác cho người dân. Đây là đòi hỏi không thể chấp nhận được vì dự án do Thủ tướng phê duyệt và chỉ đạo thực hiện, các cơ quan chức năng đã nghiên cứu rất chín muồi về pháp lý và giải quyết thỏa đáng quyền lợi của người dân.”
Những vụ tranh chấp đất đai với chính quyền địa phương là một vấn đề ngày càng trở nên căng thẳng ở Việt Nam, nơi toàn bộ đất đai do nhà nước làm chủ trong khi quyền sử dụng đất của người dân không phải lúc nào cũng rõ ràng hoặc được bảo vệ.
Chính phủ Việt Nam nói rằng họ bồi thường thỏa đáng cho những người phải di dời, nhưng nạn tham ô của các giới chức, những người bị tố cáo là lấy tiền đến bù bỏ vào túi riêng, đã khiến cho tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng.
Nguồn: VOA, AP, Thanh Nien
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1