Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, hướng đạo Việt Nam bị cấm hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên cùng với các huynh trưởng hướng đạo lưu lạc tại các trại tị nạn Đông Nam Á và Hong Kong, phong trào hướng đạo Việt Nam nhen nhúm hoạt động trở lại trong những điều kiện khó khăn của những năm cuối thập niên 1970 và đầu những năm 1980 cho đến khi những trại này đóng cửa vào đầu thập niên 1990.
Tại các nước có đông đảo người Việt tị nạn sinh sống như Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Canada, Úc, Hà Lan, Na Uy, Bỉ… các đơn vị và tổ chức hướng đạo Việt Nam đã được thành lập. Riêng tại vùng Washington D.C, Maryland và Virginia, đơn vị hướng đạo đầu tiên được thành lập vào năm 1978.
Trưởng Võ Thành Nhân, chủ tịch Hội Đồng Trung Ương Hướng đạo Việt Nam nhiệm kỳ 2006-2010 cho biết:
“Vào năm 1978, Linh mục Nguyễn Thanh Long tại Maryland hình thành Thiếu đoàn đầu tiên là Thiếu đoàn Tây Sơn, có những trưởng như Nguyễn Hữu Đệ, Nguyễn Công Trứ, Hồ Bửu giúp.”
Dần dà, phong trào hướng đạo tại Mỹ cũng như tại các quốc gia khác có đông đảo người Việt định cư càng ngày càng lớn mạnh. Văn phòng tổ chức Hướng đạo Thế giới nhận thấy sự hiện diện trên thực tế của những tổ chức hướng đạo này nên đã có văn thư đề nghị các trưởng hướng đạo Việt Nam khắp nơi trên thế giới ngồi lại với nhau để thành lập một Hội đồng phối hợp hoạt động và liên lạc với tổ chức Hướng đạo thế giới.
Trưởng Võ Thành Nhân giải thích thêm:
“Có một văn kiện của Hướng đạo thế giới cho phép hướng đạo Việt Nam thành lập một hội đồng để phối hợp hướng đạo Việt Nam trên thế giới, họp vào ngày 3 tháng 7 năm 1983 tại Costa Mesa, California thành lập một tổ chức giống như tổ chức hướng đạo Việt Nam ngày xưa nhưng chỉ gọi là hội đồng mà thôi vì chúng ta không có quyền hình thành tổ chức hướng đạo ở hải ngoại mà phải ghi danh với hội hướng đạo bản địa. Do đó Hội đồng Hướng đạo Trung ương nhằm phối hợp tất cả những đơn vị hướng đạo nói tiếng Việt, của người Việt và có những bản sắc văn hóa của người Việt để tiếp tục duy trì phong trào hướng đạo.”
Bên cạnh Hội đồng Trung Ương hướng đạo Việt Nam có tính cách toàn cầu, tại mỗi nước còn có một Ủy ban quốc gia hướng đạo Việt Nam. Trưởng Võ Thành Nhân nói về vai trò của Ủy ban này:
“Mỗi quốc gia có một Ủy ban đặc trách về hướng đạo của những người nói tiếng Việt. Ở Canada cũng có, ở Úc cũng có. Ở Úc rất tốt, khi mình thành lập một liên đoàn hướng đạo thì chính phủ Úc cho một trụ sở giống như một đạo quán lớn cở một đạo quán ngày xưa ở Việt Nam nhưng tài sản do chính phủ cho. Còn ở Hoa Kỳ họ giúp đỡ bằng cách in sách, báo hay cung cấp những phương tiện để huấn luyện trưởng của mình.”
Hiện nay, tại vùng Washington D.C, Maryland và Virginia có 12 Liên đoàn hướng đạo Việt Nam hoạt động.
Trưởng Võ Thành Nhân giải thích về các liên đoàn hướng đạo:
“Muốn hình thành một đơn vị hướng đạo Nam tối thiểu phải có 5 em nhỏ và 5 trưởng nắm 5 vai trò trong một tổ chức hướng đạo. Muốn gọi là Liên đoàn phải có 2 đơn vị trở lên. Một liên đoàn mới hình thành thường thường có 10 em và sau khi mở một thời gian Liên đoàn thường có đến 30, 40 em. Tuy nhiên những liên đoàn mạnh lên đến 60, 70 em và đây là con số trung bình của vùng Hoa Thạnh Đốn hiện đang có.”
Các em gia nhập hướng đạo được dạy chính yếu về kỹ năng hướng đạo. Trưởng Võ Thành Nhân cho biết:
“Dạy cho các em có những đức tính thuần thục của một người hướng đạo dựa theo những luật và lời hứa hướng đạo.”
Theo lời của trưởng Võ Thanh Nhân thì mỗi liên đoàn hướng đạo Việt Nam có sứ mệnh gìn giữ bản sắc văn hóa của người Việt Nam nên một trong những chìa khóa giúp cho các đơn vị hướng đạo giữ được văn hóa là Việt ngữ. Do đó rất nhiều liên đoàn hướng đạo Việt Nam mở các lớp Việt ngữ trước hoặc sau giờ sinh hoạt hướng đạo. Nhưng các trường Việt ngữ không thuộc về đơn vị hướng đạo mà chỉ là việc làm thêm của các trưởng mà thôi.
Trưởng Võ Thành Nhân cho biết tiếp:
“Nhìn chung lại chúng ta thấy được muốn giữ văn hóa phải nói được tiếng Việt. Hướng đạo Việt Nam gọi đó là chìa khóa. Nói là giữ gìn văn hóa mà các em không sinh hoạt được bằng tiếng Việt, không hát được nhạc Việt Nam thì đó là một mất mát rất lớn, gọi là thúc thủ trong vấn đề văn hóa. Khi chúng ta sống ở hải ngoại thì mấy anh em hướng đạo xem đó là mối quan tâm hàng đầu.”
Trưởng Văn Duy Quang, Liên đoàn trưởng liên đoàn Khởi hành Virginia nói lên lợi ích thực tế của hướng đạo.
“Hướng đạo chỉ là một trò chơi cho các em nhưng trong những trò chơi đó, các em được dịp gặp bạn bè cùng trang lứa, cùng chung lý tưởng. Các em được học tiếng Việt Nam qua những bài hát, qua những câu chuyện lịch sử, qua thi đua, giúp các em tinh thần hướng thượng đầy nhân ái. Nói chung hướng đạo là một cuộc chơi hữu ích, thú vị không những đem đến cho các em những giây phút vui tươi hiện tại mà còn chuẩn bị cho các em một hàng trang vô giá để bước chân vào đời.”
Tổ chức các buổi cắm trại để các em gần gũi với thiên nhiên, rèn luyện các kỹ năng liên hệ đến tính tháo vát, sự chịu đựng là điều không thể thiếu được đối với sinh hoạt hướng đạo. Ngoài ra các hoạt động từ thiện cũng nằm trong chương trình giúp các em thông cảm với hoàn cảnh của những người kém may mắn.
Trưởng Văn Duy Quang cho biết:
“Hàng năm phong trào hướng đạo Mỹ có một ngày tất cả những hướng đạo sinh đều phải hưởng ứng đó là ngày gọi là 'Scouting for Food'. Trong ngày đó hướng đạo sinh đi xin thức ăn mang về cho quận để quận trao lại cho các cơ quan từ thiện. Liên đoàn của chúng tôi hàng năm tổ chức tại Trung tâm thương mại Eden. Các em đến treo cờ, xin đồ hộp. Đó là công tác cho người nghèo. Bên cạnh đó, liên đoàn Khởi Hành tổ chức đi thăm những gia đình già. Các em tới hát cho những nursing home trong vùng.”
Theo nhận xét của Trưởng Võ Thành Nhân và Văn Duy Quang, phong trào hướng đạo Việt Nam trong vùng ngày càng phát triển. Trưởng Võ Thành Nhân giải thích lý do:
“Sức ép của những mạng lưới Internet lấn vào những gia đình nên con số hướng đạo sinh tại Hoa Kỳ tăng lên rất nhiều. Cha mẹ muốn con em mình có sự quân bình về đời sống trong lúc các em còn đi học. Cho nên hai ba năm trở lại đây, nhiều đơn vị được mở thêm, có nhiều phụ huynh tham gia trở thành trưởng và nhiều đoàn sinh hơn. Phải nói là trong 3 năm trở lại đây, con số từ hai ngàn mấy bây giờ con số trẻ em Việt Nam tham gia lên đến năm ngàn nằm trong 4 vùng lớn Washington D.C, Houston, San Jose và Santa Anna.”
12 liên đoàn hướng đạo Việt Nam trong vùng Washington D.C. Maryland và Virginia, ngoài các sinh hoạt thường xuyên trong vùng còn có dịp tham dự những trại họp mặt toàn quốc có tên là Thẳng Tiến. Từ ngày được thành lập cho đến nay, có 9 trại Thẳng Tiến được tổ chức đánh số từ 1 đến 9. Trại Thẳng Tiến 10 sẽ được tổ chức vào năm 2014 tại Houston, Texas.
Đơn vị Hướng đạo Việt Nam đầu tiên do Trưởng Trần Văn Khắc thành lập vào năm 1930 tại Hà Nội. Qua nhiều nổi trôi, thăng trầm, phong trào hướng đạo cùng với đoàn người Việt Nam tị nạn Cộng Sản đã vượt khỏi đất nước Việt Nam lưu lạc đến một số các quốc gia trên thế giới. Trong chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng tuần này, Hà Vũ xin giới thiệu cùng quý vị Phong trào Hướng đạo tại vùng Virginia, Washington D.C và Maryland.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1