Là một người ham mê cổ nhạc từ nhỏ, anh Lê Thanh Kiệt ôm ấp giấc mơ này qua các trại tị nạn cho đến khi được định cư trên nước Mỹ. Khi đã an cư lạc nghiệp tại vùng thủ đô Washington, anh mới nghĩ đến chuyện thực hiện mơ ước của mình là học những bài bản vọng cổ cải lương. Anh đã gia nhập một nhóm cổ nhạc, theo học các thầy đàn nhưng không thành công. Anh Kiệt kể:
“Thanh Kiệt tới tuổi cũng hơi lớn rồi, bỏ hết thời gian ra tập đàn cũng không cách nào tập giỏi được. Hơn nữa bên Mỹ này đi tới nhà thầy để học đàn tốn rất nhiều thời gian, nhiều khi lái xe mất nửa tiếng đồng hồ nhưng tới đó vì những hoạt động khác, nói chuyện nên tốn rất nhiều thời gian. Thanh Kiệt muốn tạo ra một cái gì đó để anh em có thể tự tập ở nhà cho nên mới nghĩ ra tại sao không lập một trang web, mời những nhạc sĩ, những tiền bối đã đi trước bỏ bài đờn, viết ký âm đưa lên trên đó. Các anh em trên khắp thế giới có thể download tự tập ở nhà. Làm như vậy đỡ tốn thời gian, hơn nữa rất tiện.”
Với suy nghĩ đó, anh Kiệt lùng kiếm các trang mạng, tìm xem những trang có liên hệ đến cổ nhạc để tìm hiểu, nghiên cứu. Anh Kiệt cho biết:
“Có một hôm tìm thấy một website của anh Giang Tuyền tức Võ Hồng Vân ở Na Uy có viết về ký âm và để ba bài đờn vọng cổ căn bản. Kiệt mừng quá gởi e-mail cho anh Giang Tuyền. Anh Tuyền hồi âm và giúp đỡ Kiệt học đàn. Hồi đó chưa có Skype nên mỗi lần tập đàn xong thì gọi điện thoại cho anh Giang Tuyền, mở speaker cho thật lớn để trả bài cho ảnh.”
Sau đó, theo đề nghị của anh Giang Tuyền và với sự cộng tác của anh Trần Ngọc Tâm ở Việt Nam, trang web đầu tiên giúp cho những người yêu thích cổ nhạc miền Nam có thể học đàn được dễ dàng đã được thành lập với địa chỉ www.freewebs.com.
Dần dà để người xem có thể truy cập nhanh chóng vào những bài dạy đàn được đưa lên mạng, trang web thứ hai www.vnhoathinhdon.net ra đời vào tháng 10 năm 2006 để thay thế trang web cũ.
Kể từ tháng 1 năm 2009, trang web vnhoathinhdon.net được đổi mới hoàn toàn gồm rất nhiều chức năng thích hợp với xã hội hiện nay với tên gọi www.conhacvietnam.com
Anh Kiệt nói nhờ sự đóng góp về kỹ thuật cũng như về bài vở nên trang web conhacvietnam càng phát triển mạnh hơn, giúp ích rất nhiều cho những người muốn học hỏi về cổ nhạc miền nam:
“Anh Hữu Tùng hiện ở California cũng rất mê cổ nhạc, không những chỉ mê nhưng cũng có hoài bão giúp nhiều người khác học cổ nhạc, nhất là đàn cổ nhạc nên đã viết lại những ký âm bằng số theo lối của Tây phương, không cần phải biết ký âm hồ, xang, xê, cống giống như hồi xưa, cho nên ai nhìn vô cũng có thể học được hết. Nhờ anh Hữu Tùng, thành viên vô trang web có thể học được rất nhiều tiếng đàn khác nhau của nhạc sĩ Văn Hải, nhạc sĩ Văn Giỏi và nhiều nhạc sĩ khác nữa.”
Tháng 6 năm 2010, anh Lê Thanh Kiệt cùng với các bạn hữu đã thành lập Hội Cổ nhạc Việt Nam. Anh Kiệt giải thích:
“Mình có website, mình cũng có nhiều anh chị em nghệ sĩ ở vùng này nữa, tại sao mình không thể tạo ra một chỗ để sinh hoạt riêng cho ngành cổ nhạc Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn cho nên lập ra hội Vietnamese Traditional Music Organization VTMO-Hội Cổ nhạc Việt Nam-Kiệt là hội trưởng, Phan Nhất Lĩnh phó hội trưởng, Lý Bảo là phó hội trưởng vùng Richmond”
Ngày 28 tháng 11 năm 2010, Hội Cổ nhạc Việt Nam tổ chức buổi ra mắt có trình diễn văn nghệ để gây quỹ giúp nạn nhân bão lụt miền Trung:
“Tháng 11 vừa rồi hội đã tổ chức một buổi văn nghệ cứu trợ lũ lụt miền Trung phối hợp với công ty Cargill của Mỹ. Công ty này có trụ sở tại Mỹ nhưng có nhiều chi nhánh tại Việt Nam. Phối hợp bằng cách hội tổ chức một buổi văn nghệ gây quỹ với điều kiện hội cố gắng gây quỹ được 5000 đô la, công ty Cargill sẽ bỏ vô 5000 đô la nữa. Kết quả hội gây quỹ được 6000 đô la, công ty Mỹ bỏ ra 5000 đô la nên được 11000 đô la. Nguyên chương trình văn nghệ, hình ảnh, kết quả và hình chụp các thành viên của hội đi ra miền trung với hãng Cargill để cứu trợ đồng bào ở ngoài đó đều được bỏ lên website của hội.”
Theo anh hội trưởng Lê Thanh Kiệt, mỗi năm hội sẽ tổ chức một đêm văn nghệ gây quỹ để giúp đỡ những người kém may mắn tại Việt Nam.
“Năm nay tháng 9 sắp tới hội sẽ tổ chức một buổi văn nghệ để giúp đỡ trẻ em tàn tật ở Việt Nam cho nên hiện nay Thanh Kiệt cũng như một số anh em trong hội đang liên lạc với hội trẻ em tàn tật ở Việt Nam để tìm cách giúp đỡ những người đó.”
Tuy đã đạt được những thành công trong bước đầu, Hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn:
“Khó khăn là làm thế nào kết hợp được các nghệ sĩ, nhạc sĩ để giúp đỡ, phát triển hội. Hiện giờ Thanh Kiệt gặp khó khăn trước mắt là các nhạc sĩ đàn. Thanh Kiệt có mối quan hệ thân mật với nhạc sĩ Trịnh Phước Chí, Trường Tương Tư, Nguyễn Thanh, Văn Phước. Nhưng trở ngại lớn nhất là công việc và thời gian vì họ ít có rảnh rỗi để bỏ hết tâm huyết giống như Thanh Kiệt và những anh em khác. Hiện giờ Thanh Kiệt đang tìm cách vượt qua khó khăn này.”
Tuy thế, anh Thanh Kiệt còn ôm ấp nhiều hoài bão to lớn hơn nữa. Anh muốn hội Cổ nhạc Việt Nam không những chỉ có bộ môn cải lương Nam bộ mà còn bao gồm các môn cổ nhạc miền Trung, miền Bắc và cả Tây nguyên nữa.
“Kiệt nhìn thấy trên Internet mình có rất nhiều nhạc thiểu số ở Việt Nam, cũng như tiếng tiêu tiếng sáo và các nhạc cụ khác của dân tộc mình, các loại nhạc dân tộc hồi xưa bây giờ đang mất dần rất nhiều nên việc thành lập hội cổ nhạc Việt Nam, ngoài cải lương còn sưu tầm các loại nhạc hồi xưa, gom lại một nơi, giữ lại những hồ sơ đó để sau này con cháu có thể tìm lại được, cho nên Kiệt vừa tạo một trang web khác là vtmo.org.”
Trong chiều hướng mở rộng hội Cổ nhạc Việt Nam, anh Kiệt đang dự trù mời các nghệ sĩ nổi tiếng gia nhập hội như cô Đoan Trang, con gái của “Tiếng sáo thần Nguyễn Đình Nghĩa”. Hội cũng trông đợi được sự cộng tác của nhạc sĩ Trần Quang Hải ở Pháp, con của nhạc sư Trần Văn Khê, và những ý kiến đóng góp của giáo sư Kim Oanh hiện cư ngụ tại Virginia.
Ngoài ra vì trang web vtmo.org viết bằng tiếng Anh nên anh Kiệt đang kêu gọi sự hỗ trợ của các học giả không những thông thạo tiếng Anh, tiếng Việt mà còn hiểu biết sâu sắc về các loại nhạc cụ, nhạc khí, cung cấp các bài bản để có thể phổ biến trên mạng vtmo.org cho các độc giả các nước.
Bà Lý Kim Hà, hiện là cố vấn của Hội Cổ nhạc Việt Nam có nhận xét về hội và những hoạt động của các bạn trẻ trong hội:
“Điểm đặc biệt, điểm mạnh là các em đó đều là những em giỏi, có khả năng. Không phải khả năng về chuyên môn vọng cổ mà còn có những yếu tố để có thể phát triển, đưa cổ nhạc đến với người sành điệu nhiều hơn. Làm website đó không phải là dễ. Bây giờ nếu không có thầy đờn, mấy em đó có thể ứng biến tự hát giống đêm Long Xuyên vừa qua vậy. Việc đó làm cho mình thấy, mình tin tưởng bước phát triển của cổ nhạc Việt Nam với tính năng trẻ, có khả năng về kỹ thuật khoa học cộng thêm nhiệt tình và yêu cổ nhạc của các em nữa.”
Trong buổi họp mặt tất niên của Hội ái hữu Long Xuyên được tổ chức vào tối thứ Bảy ngày 15 tháng 1 vừa qua tại nhà hàng New Fortune, Maryland, điểm nổi bật được mọi người chú ý là các màn cổ nhạc do các nghệ sĩ trong vùng và một số thân hữu từ xa đến trình diễn. Nhân dịp này, Hà Vũ đã trao đổi với anh Lê Thanh Kiệt, chủ tịch Hội Cổ nhạc và là người chủ trương trang web conhacvietnam.com cũng như vtmo.org về những hoạt động của hội.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1