Ý tưởng thành lập nhà Việt Nam được thành hình cách đây khoảng 4 năm do những thành viên của Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật vùng Hoa Thịnh Đốn khởi xướng. Tuy nhiên mãi đến năm 2008, Ủy ban vận động thành lập nhà Việt Nam mới được thành lập. Ủy ban gây quỹ bằng cách tổ chức những buổi văn nghệ, dạ tiệc tại các nhà hàng. Tiền lời do bán vé và tiền bà con tặng trong những buổi tiệc này được dùng để mua nhà thành lập nhà Việt Nam. Tuy nhiên sau hai năm vận động gây quỹ, Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật vùng Hoa Thịnh Đốn mới chỉ có được 100.000 đô la, không đủ để tự lực đứng ra mua nhà, đất. Nhà văn Lê Thị Nhị, một trong hai Phó chủ tịch của Câu Lạc Bộ nêu lên những khó khăn trong việc tạo mãi bất động sản dùng để xây dựng nhà Việt Nam:
“Mang 100.000 đô la đi hỏi nhà băng mượn tiền để mua thì không được suôn sẻ tại vì nhà băng nói là hội mình không có lợi tức thường xuyên nên không cho mượn tiền. Mãi đến năm kia mới nhờ người đứng tên để vay tiền nhà băng mua được một căn nhà khá đẹp và khá rộng rãi có thể sinh hoạt được.”
Kết quả vào ngày 3 tháng 10 năm 2009, nhà Việt Nam được khánh thành tại số 4412 đường Banff, Annandale, Virginia. Sau khi được khánh thành, nhà Việt Nam đã tổ chức được một số sinh hoạt như ra mắt sách, ra mắt CD ca nhạc, tổ chức các lớp dạy khiêu vũ, dạy khí công và khai giảng các lớp tiếng Việt dành cho các em thiếu nhi.
Tuy nhiên vì nằm trong một khu dân cư, các sinh hoạt của nhà Việt Nam làm khuấy động sự yên tĩnh của cư dân chung quanh nên do sự khiếu nại của hàng xóm, nhà Việt Nam phải di dời sang một địa điểm khác.
Bà Lê Thị Nhị cho biết: “Bây giờ phải cho mướn căn nhà đó tạm thời trong vòng một năm, chúng tôi dự định sẽ đổi nhà sau nhưng từ tháng sáu vừa rồi chúng tôi có mướn mấy phòng khá rộng rãi trong một tòa nhà thương mại đường Hillwood gần khu Eden, được quyền đậu xe, được quyền sinh hoạt.”
Bà Nhị hy vọng trong tương lai sẽ mua được tòa nhà này làm trụ sở lâu dài của nhà Việt Nam:
“Tòa nhà này có 3 tầng và họ cũng đang tính bán nhưng họ đòi đến một triệu rưỡi thành ra mình chưa có đủ tiền đặt trước cũng như chưa có khả năng để mua nhưng mình ký giấy thuê 2 năm, sau hai năm mình hy vọng có thể mua được tòa nhà này và mình cũng có nói sau hai năm khi nào họ bán họ báo cho mình trước.”
Bà Nhị mô tả sinh hoạt của Nhà Việt Nam tại trụ sở mới:
“Thứ bảy có những lớp học tiếng Việt cho các em do trường Thăng Long, đã có từ 26 năm rồi, dời về đó để dạy tiếng Việt, có trên 100 học sinh. Ngày Chủ Nhật có những lớp như dạy đàn guitar cho các em, dạy tiếng Việt cho sinh viên hay cho những em đã ra trường rồi.”
Cô Lê Bích Huyền thuộc trường Việt Ngữ Thăng Long giải thích thêm về những lớp tiếng Việt tổ chức tại Nhà Việt Nam.
“Gần đây có một nhóm thuộc các ngành nghề chuyên môn, sanh trưởng tại đây hay khi qua đây còn rất bé đến đây yêu cầu Thăng Long dạy tiếng Việt. Phần lớn những người này là luật sư.”
Cô Bích Huyền cho biết mối quan tâm hàng đầu của Nhà Việt Nam là làm sao giúp cho thế hệ trẻ đừng quên truyền thống, cội nguồn của mình.
“Những người lớn không bao giờ quên được nguồn gốc của mình nhưng bây giờ làm sao mang được văn hóa của mình đến cho thế hệ trẻ khi con em của chúng ta sanh đẻ ở Mỹ. Nếu những cái đó mình không nghĩ đến thì tất nhiên khi quý cụ, khi đời quý cô quý bác đi qua rồi thì không biết tương lai của các em như thế nào. Đó là điều nhà Việt Nam rất quan tâm, làm mọi cố gắng để có những phương pháp, những sinh hoạt để từ từ giới thiệu cho các thế hệ trẻ và để các em dấn thân vào vì đây là tương lai.”
Trụ sở mới của nhà Việt Nam ở số 308 Hillwood Avenue, Falls Church, Virginia 22046. Tại trụ sở này hiện có sinh hoạt thường xuyên của ba tổ chức là Câu Lạc Bộ Văn học Nghệ thuật vùng Hoa Thịnh Đốn, Trường Việt Ngữ Thăng Long và Truyền hình Việt Mỹ (Vietnamese American Television), viết tắt là VATV. VATV chỉ mới gia nhập vào nhà Việt Nam sau khi nhà Việt Nam dời về trụ sở mới. Anh Võ Thành Nhân, giám đốc điều hành VATV cho biết là ngoài phòng thu hình tại đây, các anh chị em thiện nguyện của VATV còn phụ trách dạy một số bộ môn cho các em học sinh cần có điểm cao trong kỳ thi trắc nghiệm vào đại học, thường được gọi là S.A.T.
“Tụi em còn dạy thêm Toán, Anh văn cho các em nhỏ học S.A.T nữa”
Tuy cùng chung một trụ sở nhưng cả 3 tổ chức đều có những hoạt động riêng rẽ tùy theo mục đích của mỗi tổ chức. Dù sao theo anh Võ Thành Nhân, cả 3 tổ chức đều cố gắng phối hợp để nhà Việt Nam càng ngày càng phát triển hơn:
“Nhưng bây giờ tụi em cũng tìm cách làm việc chung với nhau. Làm việc chung với nhau có nghĩa là giống như bây giờ muốn làm gì thì gây quỹ để làm. Ví dụ như muốn làm cho phòng đẹp hơn, cần kiến trúc thì tụi em sẽ gây quỹ để có tiền để làm kiến trúc.”
Đề cập đến tương lai của nhà Việt Nam, Bà Lê Thị Nhị cho biết:
“Trong tương lai ba nhóm sẽ cố cùng nhau vận động để làm những việc có thể gây quỹ để mua luôn tòa nhà này tại vì chúng tôi thấy tòa nhà này quá thuận tiện cho bà con vì gần Eden và cũng nằm ở trung tâm. Thành ra khi mình có những sinh hoạt cho các em hay cho các cụ già thì mọi người có thể đưa các em, đưa các cụ đến dễ dàng trong khi đi Eden hay đi phố. Chứ nếu bây giờ mua một miếng đất xa xôi chỉ để làm kiểng thôi thì không thực tế vì nếu mỗi năm chỉ sinh hoạt một lần thôi thì không ích lợi lắm.”
Tuy nhiên việc kêu gọi đồng bào yểm trợ cho nhà Việt Nam cũng còn nhiều khó khăn. Bà Lê Thị Nhị nói:
“Hội viên yểm trợ có hai loại. Có một loại mấy năm đầu bà con mỗi một năm cho 360 đồng, tức là mỗi người cho mỗi ngày một đồng. Nhưng năm vừa rồi mọi người nói 360 đồng nhiều quá, bây giờ xin 120 đồng thôi. Năm nay tới bây giờ đến hạn kỳ đưa giấy để xin gia hạn nhưng chưa có gởi bởi vì những hoạt động chưa xác định rõ ràng thành ra trong tháng tới xin quý vị đó gia hạn cũng như sẽ kêu gọi để đồng bào yểm trợ thêm.”
Bà Lê Thị Nhị cho biết việc gây quỹ cho nhà Việt Nam gặp khó khăn so với việc gây quỹ của các tổ chức khác vì mục đích của nhà Việt Nam không có tính cách cụ thể:
“Gây quỹ cũng khó lắm vì không phải là một nhu cầu cần thiết, cụ thể ví dụ gây quỹ giúp trẻ em Việt Nam hay những người mổ mắt thì thấy rõ bỏ ra 50 đồng mổ mắt cho một người mắt sáng ra, đời sống được đổi khác hoặc có những em nghèo quá không được đi học gởi tiền về giúp các em được đi học. Tôi thấy việc gây quỹ cho các tổ chức từ thiện hay tôn giáo dễ dàng hơn.”
Nhà Việt Nam hiện chỉ hoạt động nhộn nhịp vào hai ngày thứ Bảy và Chủ Nhật còn những ngày thường chưa có hoạt động cụ thể nào vì thiếu nhân sự, tình nguyện viên phụ trách. Trước mắt nhà Việt Nam sẽ cố gắng tổ chức Hội Tết trong những tháng sắp tới. Cô Bích Huyền Trường Việt ngữ Thăng Long giải thích thêm:
“Chúng tôi đang nghĩ những chương trình như Hội Tết cho cộng đồng. Hội Tết chứ không phải Chợ Tết. Hội sẽ lồng văn hóa và truyền thống Việt Nam vào chương trình Hội Tết như ở California vậy. Đây là một dự án lớn Hội đang suy nghĩ để có thể tiến hành trong dịp Tết này. Cộng đồng Việt Nam mình ở đây xem vậy mà phức tạp. Thay vì đưa ra nhiều chương trình quá khó thực hiện được. Hội sẽ chú tâm và sẽ tiến bước từng bước một. Chúng tôi muốn cho cộng đồng thấy với sự đoàn kết làm việc của nhiều thế hệ, chúng ta sẽ thành công nếu chúng ta chịu lắng nghe và cùng nhau chia sẻ công việc. Trước mắt là dùng văn hóa, dùng truyền thống của mình để mang lại sinh hoạt cho thế hệ trẻ”.
Nhà Việt Nam đang củng cố tổ chức để có thể hoạt động hữu hiệu hơn với sự trợ giúp của các nhà hảo tâm, các thiện nguyện viên của cộng đồng Việt Nam vùng Washington D.C, Maryland và Virginia.
Nhà Việt Nam được thành lập cách đây hơn một năm nhằm đáp ứng với nhu cầu một trung tâm để cộng đồng Việt Nam có nơi sinh hoạt riêng thay vì phải thuê mướn cơ sở của địa phương hay của các cộng đồng khác. Tuy nhiên việc phát triển nhà Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại cần phải vượt qua.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Một người gốc Việt bị kết án trong vụ tấn công Điện Capitol xin tị nạn ở Canada, chờ Trump ân xá
2Xe Tesla Cybertruck phát nổ bên ngoài khách sạn Trump ở Las Vegas, tài xế tử vong
3Nghị định 168 về phạt vi phạm giao thông bị xem là ‘tận thu’, ‘tận diệt’, ‘khắc nghiệt’, ‘cực đoan’
4Việt Nam kỷ luật gần 70 cán bộ diện Trung ương trong năm 2024
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!