Đường dẫn truy cập

Phản đối chiến tranh ở đại học Mỹ, 50 năm chia rẽ vẫn còn


Vệ binh quốc gia tại khuôn viên đại học Kent State University, Ohio, 4 tháng Năm, 1970.
Vệ binh quốc gia tại khuôn viên đại học Kent State University, Ohio, 4 tháng Năm, 1970.

Năm mươi năm đã qua đi kể từ ngày đen tối 4/5/1970 trong lịch sử Hoa Kỳ. Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã nổ súng vào hàng ngàn người biểu tình tập trung ở Đại học Kent State, bang Ohio để phản đối Tổng thống Nixon mở rộng cuộc chiến Việt Nam. Cả thảy 67 phát súng bắn đi trong 13 giây đã khiến bốn sinh viên chết và nhiều người khác bị thương, có người phải ngồi xe lăn cả đời sau đó.

Cuộc biểu tình phản chiến của các sinh viên bắt đầu từ hôm 1/5/1970 và ngày hôm sau khu nhà của chương trình huấn luyện sỹ quan dự bị đóng tại Đại học Kent State bị đốt cháy. Thống đốc bang Ohio, người của Đảng Cộng hoà đương quyền lúc bấy giờ, ngay lập tức điều lực lượng Vệ binh Quốc gia tới để rồi xảy ra cuộc chạm trán chết người hai ngày sau đó.

Sinh viên Joe Lewis, khi đó mới 18 tuổi, trúng đạn hai lần và kể lại với NBC News: “Tôi nhớ [mình] khựng lại và mọi thứ đều tĩnh lặng. Kế đến là tiếng gào thét và than khóc và hỗn loạn. Tôi không bị ngất, tôi bị sốc.”

‘Sinh viên thơ ngây’

Trong khi đó sử gia Howard Means, tác giả cuốn “67 phát đạn: Kent State và cái kết của sự ngây thơ Hoa Kỳ’ nói: “[Khi đó] ta có sự kết hợp của các sinh viên thơ ngây với một thống đốc có tham vọng chính trị cùng sự quản trị lỏng lẻo và [tình hình càng] phức tạp vô cùng bởi giới lãnh đạo tồi tệ trong Vệ binh Quốc gia.”

Riêng bài viết của NBC tưởng niệm sự kiện diễn ra 50 năm trước đã được hơn 300 trang Facebook khác nhau cùng nhiều cá nhân chia sẻ tổng cộng 80.000 lần và nhận được gần 130.000 bình luận.

Bà Sarah Bolinger bình luận trên Facebook của NBC News: “Khi đó tôi làm việc ở Đại học Ohio và chúng tôi đều sốc. Kinh khủng quá. Cháu của chồng tôi khi đó đang học ở Kent State. [Đúng là] thảm kịch kinh khủng. [Chúng ta] ở Hoa Kỳ và phải được phép biểu tình. Các sinh viên vô tội.”

Nhưng cũng có người như ông James Stamper nói các sinh viên bị bắn sau khi ném đá và chai lọ vào lực lượng vệ binh rồi bình luận: “Bất cứ ai lệnh cho quân đội vào (Thống đốc Jim Rhodes) cần ra chỉ thị tốt hơn. Đáng ra nên để sĩ quan cảnh sát điều hành và lực lượng Vệ binh Quốc gia là [quân] dự bị.”

Một người khác, Markus Novosel bình luận: “Vệ binh bắn vì hoảng sợ. Họ bị dồn đến chân tường và bị số người biểu tình lớn hơn nhiều áp đảo. Đám đông ném nhiều vật nguy hiểm. Họ không có đồ chống bạo động như ngày nay.”

‘Lính mù quáng’

Nhiều người cho rằng không bao giờ nên cử quân đội tới khuôn viên đại học. Họ cũng nói 26 người lính đã nổ súng hôm đó còn quá trẻ và không được huấn luyện tốt. Đa số nói chuyện bắn đạn thật vào những người biểu tình trẻ tuổi là hành động không thể chấp nhận được. Người ta cũng nói vệ binh nổ súng vào đúng lúc tan lớp và những người thiệt mạng không phải là người biểu tình mà họ đang chuyển từ lớp này sang lớp kia trong trường. Không có người lính hay chính trị gia nào bị buộc chịu trách nhiệm cho 13 giây súng nổ gây nhiều thương vong.

Một người bình luận, Ken Holmes, nói thêm: “Mười ngày sau còn xảy ra vụ bắn hai sinh viên và làm bị thương 12 [sinh viên khác] ở Đại học Jackson State, Mississippi. Tôi khi đó học năm đầu ở [Đại học] Nam Mississippi. Khi đó đáng sợ lắm. Sinh viên trường tôi bị đuổi hay mất học bổng khi biểu tình phản đối những kẻ giết người. Hiệu trưởng trường là một cựu tướng và nghe theo ông thì sống, chống thì chết.”

Nhiều người nhớ lại chuyện lần đầu đi đưa tang người họ từng hẹn hò nhưng rồi phải đi lính và chết tại chiến trường Việt Nam. Hay những người có vài bạn cùng học không trở về sau cuộc chiến. Một số người nhờ báo đăng lại chuyện này mà được nói chuyện với người học cùng ở Đại học Kent State 50 năm về trước. Họ cũng chia sẻ với nhau bài hát được sáng tác tưởng nhớ bốn sinh viên thiệt mạng với những lời:

“Lính mù quáng và Nixon kéo tới
Chúng ta chơi vơi với chúng ta
Mùa hè này tôi nghe trống giục
Bốn mạng người mất ở Ohio.”

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG