Đường dẫn truy cập

Luật sư Nguyễn Văn Đài kiên định với con đường đã chọn


Luật sư Nguyễn Văn Đài đã bị một tòa án ở Hà Nội tuyên án hồi năm 2007 vì bị cho là đã vi phạm điều khoản 88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam
Luật sư Nguyễn Văn Đài đã bị một tòa án ở Hà Nội tuyên án hồi năm 2007 vì bị cho là đã vi phạm điều khoản 88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam

Một luật sư trẻ vừa mãn hạn tù sau 4 năm thụ án về tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài được báo chí nước ngoài nhắc đến nhiều, được giới ngoại giao quốc tế quan tâm, cũng như được giới hoạt động nhân quyền trên thế giới nhiều lần vận động yêu cầu phóng thích kể từ khi anh bị kêu án hồi năm 2007. Ngày được trả tự do, luật sư Đài đã dành cho Tạp chí Thanh Niên buổi trò chuyện chia sẻ niềm tin mà anh theo đuổi cùng những trải nghiệm sau những tháng ngày bị giam cầm vì các hoạt động cổ xúy dân chủ cho Việt Nam.

Luật sư Đài: Trong 4 năm ở tù của chế độ này, 9 tháng đầu tôi ở trại giam Cầu Diễn, trại giam số 1 của thành phố Hà Nội. Điều kiện sinh hoạt ở đó khắc nghiệt, không có nước sạch, nên sức khỏe của tôi rất yếu. Khi họ chuyển tôi xuống trại giam Nam Hà, ở đó môi trường sinh hoạt tốt hơn, điều kiện cải thiện hơn so với trên này. Ở trại Nam Hà có 3 buồng giam tù chính trị. Phần lớn là những người Tây Nguyên tham gia đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền, và tự do tôn giáo trong những cuộc biểu tình hồi năm 2001, 2004. Tù nhân chính trị trong 3 buồng giam này được đối xử khác với tù nhân thường phạm một chút. Họ cho chúng tôi được dùng bếp nấu ăn để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Chế độ ăn uống của tù nhân ở đây thiếu thốn lắm, chỉ có cơm và rau thôi. Thời gian đầu, mỗi tháng chỉ được 3 bữa ăn có thịt. Sau này được nâng lên, 3-4 ngày được ăn thịt một lần.

Trà Mi: Anh nói có sự khác biệt giữa tù nhân chính trị với tù nhân thường phạm. Nhưng đặc biệt giữa tù nhân chính trị với nhau, sự đối xử dành cho những người tù có tên tuổi như anh so với những tù nhân cũng vi phạm điều 79 hay 88 nhưng không được nhiều người biết đến có sự khác biệt nào không?

Luật sư Đài: Đối với cá nhân tôi, 2 tháng đầu tôi có lao động. Từ khi họ bảo vì tôi không nhận tội nên không đủ tiêu chuẩn để được giảm án hay đặc xá, tôi không lao động nữa cũng như không tham gia bất kỳ một hoạt động học tập hay sinh hoạt nào do trại giam tổ chức. Những người tù chính trị từ Tây Nguyên bị bắt buộc phải lao động. Nếu phản đối họ sẽ bị biệt giam, tiếp tục chống đối có thể bị biệt giam từ 3 đến 6 tháng. Đối với người khác là như vậy.

Trà Mi: Riêng anh chống đối mà không bị bất cứ hình thức chế tài nào?

Luật sư Đài: Tôi cũng không hiểu lý do vì sao. Họ chỉ gọi tôi lên động viên, bảo tôi cố gắng làm gương cho người khác, mỗi ngày làm 15 phút buổi sáng và buổi chiều để người khác đỡ tị nạnh. Tôi cũng có làm cho họ thêm một thời gian nhưng từ đầu năm 2009 đến lúc tôi về, tôi hoàn toàn không có làm một chút nào.

Trà Mi: Anh có thể cho biết các hình thức lao động đó ra sao?

Luật sư Đài: Đối với tù nhân chính trị, chúng tôi lao động ngay trong khu vực buồng giam. Hình thức chủ yếu là làm hàng thủ công mỹ nghệ, mây, tre, đan. Khu buồng giam chính trị có hai nhóm. Một là những người phạm tội làm gián điệp cho Trung Quốc. Họ bị xử tương đối nặng, thường từ 12 – 20 năm, hoặc chung thân. Thế nhưng họ lại được giảm án nhiều hơn những người tù chính trị đấu tranh cho tự do dân chủ, nhân quyền, và tôn giáo như chúng tôi.

Trà Mi: Nguyên nhân của sự khác biệt này theo anh được biết là gì?

Luật sư Đài: Lúc thì họ nói do trên Bộ Công an quyết định, lúc họ nói do địa phương quyết định.

Trà Mi: Trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi trước đây, luật sư Công Nhân, người cùng bị kêu án với anh, cho biết là tù nhân không được đọc sách báo về tôn giáo, đặc biệt là kinh Thánh. Là một tù nhân theo đạo Tin Lành, anh Đài có chia sẻ điều này không?

Luật sư Đài: Trước đây, khi Ủy ban của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo đến thăm tôi ở trại tạm giam số 1 Hà Nội, họ có tặng tôi một cuốn kinh Thánh. Lúc đầu chính quyền họ tạm giữ. Sau đó, gia đình tôi và giáo hội đấu tranh yêu cầu họ trả lại, nên họ đã trả lại cho tôi. Từ đó, tôi được đọc kinh Thánh. Tôi có hỏi các anh em tù nhân người Tây Nguyên. Họ cho biết rất khó khăn. Họ thường ngăn cản chuyện anh em tù nhân sinh hoạt cầu nguyện hay đọc kinh Thánh. Họ kiểm tra buồng giam thường xuyên. Nếu phát hiện những quyển vở có ghi các câu trong kinh Thánh, họ sẽ tịch thu. Nhưng từ khi tôi tới thì chuyện đó bớt đi và sau này không xảy ra nữa. Mặc dù họ luôn nói chúng tôi không được phép nhóm lại cầu nguyện, không được sinh hoạt tập thể, thế nhưng chúng tôi mặc kệ họ. Hằng tuần, chúng tôi tổ chức nhóm vào sáng thứ tư, thứ sáu, và buổi chiều chủ nhật. Họ cũng không gây khó khăn cho chúng tôi dù chính thức họ vẫn nói điều này là không được phép.

Trà Mi: Anh suy nghĩ gì về con đường anh đã trải qua? Anh cảm nhận ra sao về những gì đã xảy ra với bản thân mình?

Luật sư Đài: Những gì nhà nước Việt Nam đối xử với tôi là rất bất công bởi vì tôi với họ chỉ khác nhau về quan điểm. Tôi với họ cùng mục đích chung là xây dựng cho đất nước Việt Nam này tốt đẹp hơn. Chúng tôi chỉ khác nhau về quan điểm và cách thức. Thế nhưng họ đã đối xử với chúng tôi bất công, giam chúng tôi vào tù, và chia rẽ gia đình chúng tôi. Nhưng tôi tin tưởng con đường tôi đã chọn rất phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội Việt Nam. Việt Nam phải đi đến một xã hội dân chủ đa đảng là chuyện đương nhiên. Tôi không bao giờ hối hận về những gì mình đã làm. Kinh nghiệm của tôi sẽ đem lại lợi ích rất nhiều cho đất nước, cho sự nghiệp dân chủ hóa Việt Nam.

Trà Mi: Niềm tin mà anh đã theo đuổi trước và sau bản án 4 năm đó có gì khác nhau chăng?

Luật sư Đài: Sau 4 năm tù, tôi trải nghiệm rất nhiều. Mình không coi đó là sự thất bại mà coi đó là một bài học. Mình rút ra những kinh nghiệm quý báu cho chặng đường tiếp theo. Niềm tin của mình lúc nào cũng mạnh mẽ, thậm chí mạnh mẽ hơn xưa rất nhiều, vì những gì đang xảy ra trên thế giới cũng sẽ xảy ra với dân tộc và đất nước Việt Nam.

Trà Mi: Bây giờ xin được cùng anh đi ngược dòng thời gian trở lại 4 năm trước. Theo báo chí trong nước, tại phiên phúc thẩm, công tố viên cho anh lựa chọn rằng nếu lời nói cuối cùng trước tòa anh nhận tội, anh có thể được thay đổi án từ tù giam sang thành án treo?

Luật sư Đài: Vâng, nếu trong lời cuối cùng tôi xin họ thì họ sẽ chuyển từ án tù sang án treo. Nhưng tôi không xin, mà tôi chỉ nói cho họ hiểu vì sao tôi dấn thân vào con đường đấu tranh này. Tôi dấn thân vào để làm lợi cho đất nước, chứ tôi không xin họ.

Trà Mi: Ngay trong giây phút được chọn lựa đó, anh nghĩ đến điều gì trước tiên mà anh đã chọn án tù thay vì án treo?

Luật sư Đài: Vì niềm tin của tôi. Tôi tin những gì mình làm là đúng đắn và những gì họ đưa ra xét xử tôi là bất công và không đúng. Cho nên tôi lựa chọn cách xử lý là không xin mà chỉ nói nguyên nhân tại sao, vì những nguyên nhân đó là những yếu kém, bất cập, bức xúc không chỉ của cá nhân tôi mà của toàn xã hội Việt Nam.

Trà Mi: Tuy không được án treo, nhưng anh được giảm án 1 năm. Báo chí Việt Nam lúc đó loan tin nguyên nhân là do anh thành khẩn nhận hành vi vi phạm pháp luật nên có tình tiết được giảm nhẹ.

Luật sư Đài: Tôi nhận tất cả những việc đó đúng là tôi làm, nhưng tôi luôn nói rằng những việc đó không vi phạm pháp luật, mà là việc làm đúng. Những gì mình làm, mình nhận, không đổ cho người khác, chứ không phải tôi nhận tôi có tội.

Trà Mi: Nhưng ngược lại, theo nhà nước Việt Nam, anh đã tuyên truyền, đả kích chính quyền, viết và lưu hành tài liệu chống nhà nước, và một trong những hành vi bị coi là thể hiện rõ nét sự chống phá nhà nước là anh vận động tẩy chay bầu cử quốc hội. Ý kiến của anh ra sao?

Luật sư Đài: Đấy là họ sai lầm. Tôi không vận động tẩy chay quốc hội, nhưng trong văn phòng của tôi có tờ báo Tự do Dân chủ có nội dung kêu gọi tẩy chay quốc hội. Bản thân tôi không nói điều đó. Còn họ nói tôi tuyên truyền chống nhà nước, điều đó không đúng vì hiến pháp Việt Nam có cho tự do ngôn luận. Tự do ngôn luận tức mình có quyền phát biểu chính kiến của mình về những gì chính phủ đang làm. Chính phủ là một chủ thể do người dân lựa chọn ra. Dân có quyền phán quyết việc làm của họ vì quyền tự do ngôn luận là quyền được nhận xét về các chính sách, việc làm của nhà nước là đúng hay sai.

Trà Mi: Vâng, hiến pháp Việt Nam cho phép tự do ngôn luận, nhưng trong luật cũng có quy định điều 79 hay 88, nên nhiều người hiểu rằng tự do ngôn luận, nhưng không phải muốn nói gì thì nói. Quan điểm của anh thế nào?

Luật sư Đài: Tất nhiên là không thể phát ngôn bừa bãi hay bậy bạ được. Mình nói phải nói đúng. Những gì tôi nói đều đúng với những yếu kém của nhà nước, về vấn đề tham nhũng và những bất cập.

Trà Mi: Có thể những điều anh làm không phạm pháp so với luật quốc tế hay luật của các nước khác trên thế giới, nhưng đối với Việt Nam là phạm luật, vì chính phủ Việt Nam vẫn luôn nói rằng mỗi nước có đặc thù riêng về lịch sử, chính trị, xã hội…Phản hồi của anh ra sao?

Luật sư Đài: Tôi cho rằng quan điểm của họ như vậy là không đúng đắn. Hiến pháp quy định cho người dân có quyền, nhưng họ vì để bảo vệ quyền lãnh đạo tuyệt đối của mình đã xây dựng các điều luật trong Bộ luật hình sự trái với Hiến pháp, như điều 88 chẳng hạn. Điều 88 đã tước bỏ quyền tự do ngôn luận của người dân. Cho nên, tôi cho rằng điều 88 là vi hiến, nhất định phải bị hủy bỏ. Không thể sử dụng điều luật vi hiến đấy để xét xử một công dân vô tội như tôi được.

Trà Mi: Có ai đó đã nói rằng “Ở Việt Nam tranh đấu có được gì đâu ngoài việc đi tù, vậy thì tranh đấu mà làm gì”. Ý kiến riêng của anh thế nào?

Luật sư Đài: Đó là quan điểm của những người sai lầm và vô trách nhiệm đối với đất nước và dân tộc. Nếu tất cả dân đều sống riêng cho bản thân mình, cho gia đình mình thì xã hội sẽ đi về đâu? Ngay như chủ nghĩa Mác mà những người cộng sản Việt Nam tôn thờ cũng luôn có cặp phạm trù là đấu tranh cho các mặt đối lập sẽ thúc đẩy sự phát triển. Đấu tranh giữa chính quyền và những người đối lập sẽ làm cho chính quyền lành mạnh hơn, trong sạch hơn, đồng thời thúc đẩy cho xã hội văn minh hơn. Dân sẽ được hưởng thụ những thành quả từ sự đấu tranh đó.

Trà Mi: Anh có cảm thấy niềm tin đó của anh mong manh hay không sau những gì anh và những người đồng chí hướng đã trải qua trong điều kiện và bối cảnh ở Việt Nam?

Luật sư Đài:
Tôi hoàn toàn không cho là niềm tin của mình là mong manh. Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều người kể cả trong giới công an. Khi tôi hỏi họ có mong muốn một xã hội Việt Nam dân chủ tốt đẹp hơn không, họ trả lời có. Tôi hỏi tại sao họ lại sợ một chế độ dân chủ đa đảng ở Việt Nam trong khi chế độ đó sẽ làm nền chính trị Việt Nam minh bạch hơn, người dân có thực quyền hơn trong các quyết định của mình. Họ không trả lời được. Nhân dân thì không thay đổi được. Cái người ta có thể thay đổi là chính phủ hay một chế độ chính trị để xây dựng một chế độ mới tiến bộ hơn, văn minh hơn, đem lại lợi ích cho đất nước, dân tộc.

Trà Mi: Không nghề nào gần gũi và hiểu biết hơn về chính trị như nghề luật. Luật sư bị đi tù vì điều 79 hay 88 như trường hợp của anh thời gian gần đây xảy ra khá nhiều. Với những người trẻ trong nước thắc mắc tại sao luật sư hiểu luật mà lại bị đi tù, câu trả lời của anh như thế nào?

Luật sư Đài: Câu hỏi của chị cũng rất khó, cần phải suy nghĩ kỹ trước khi giải thích cho họ. Mặc dù mình hiểu biết pháp luật, nhưng khi sống trong một đất nước mà chính phủ bất chấp pháp luật thì mình phải chịu hậu quả đi tù là chuyện đương nhiên. Vấn đề ở chính hệ thống pháp luật đó chứ không phải ở người luật sư. Những người luật sư là những người học về pháp luật. Họ hiểu những gì đang xảy ra trên đất nước về kinh tế, chính trị, xã hội. Hầu hết các luật sư ở Việt Nam đều có chung một ước muốn rằng đất nước sẽ thay đổi, đi đến một nền chính trị dân chủ, đa đảng để đem lại quyền bình đẳng cho tất cả công dân. Thế nhưng việc bày tỏ khác nhau. Có những người họ chỉ để trong lòng mình thôi. Riêng tôi nghĩ rằng mình cần phải bày tỏ quan điểm công khai, khích lệ mọi người cùng tham gia vào ý kiến đó.

Trà Mi: Trong thời gian anh thọ án, có các phái đoàn ngoại giao của Hoa Kỳ và Úc vào thăm. Ngoài ra cũng có đại diện của Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế cũng đến thăm anh hai lần. Những cuộc thăm gặp ấy có đề cập đến vấn đề can thiệp để phóng thích anh chăng?

Luật sư Đài: Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, ông đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, rồi phái đoàn các thành viên từ Bộ Ngoại giao Mỹ và văn phòng Tổng thống Mỹ có vào thăm tôi. Trong các cuộc gặp, họ cũng có đưa những thông tin rằng Hoa Kỳ cũng đã kêu gọi chính phủ Việt Nam phóng thích tôi trước Đại hội đồng Nhân quyền của Liên hiệp quốc. Tôi rất cảm ơn sự quan tâm và ủng hộ của Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, chính phủ Hoa Kỳ, và chính phủ Úc. Điều đó đã khích lệ tôi rất nhiều để tôi có thể vượt qua được cuộc sống rất khó khăn trong tù.

Trà Mi: Nhìn lại quãng thời gian đã qua, điều gì anh tâm đắc nhất và điều gì anh hối hận nhất?

Luật sư Đài: Điều hối hận nhất là tôi chưa làm tròn trách nhiệm với gia đình. Những điều tâm đắc thì rất nhiều, không kể hết được vì trong thời gian trong tù mình trải qua rất nhiều kinh nghiệm để phục vụ cho con đường của mình trong tương lai.

Trà Mi: Sau những gì đã xảy ra, anh rút ra cho bản thân mình điều gì?

Luật sư Đài: Tôi nhận ra rằng điều quan trọng là phải kiên định với con đường đã lựa chọn và tin tưởng điều đó là đúng đắn đem lại lợi ích cho dân tộc Việt Nam.

Trà Mi: Anh nói sẽ quyết tâm kiên định với con đường đã chọn. Anh dự định sẽ tiếp tục theo đuổi con đường đó như thế nào trong thời gian sắp tới?

Luật sư Đài: Cơ quan an ninh luôn hỏi tôi là tôi dự định làm gì trong tương lai. Tôi mới trở về với gia đình, với xã hội. Sau 4 năm tình hình đã thay đổi rất nhiều. Tôi cần thời gian cập nhật thông tin rồi mới đưa ra quyết định phải làm thế nào. Cho nên, xin khất chị câu trả lời vào dịp khác. Ít nhất tôi phải trải qua 4 năm quản thúc đã. Pháp luật quy định mình có quyền trở lại nghề luật của mình, nhưng thực hiện được hay không rất là khó. Hiến pháp Việt Nam quy định cho người dân tất cả các quyền, nhưng có được thực thi trong thực tiễn hay không lại là một vấn đề khác.

Trà Mi: Chân thành cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc nói chuyện này.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG