Đường dẫn truy cập

Việt Nam tiếp tục gây áp lực đối với giới chỉ trích và bất đồng


Việt Nam tiếp tục gây áp lực đối với giới chỉ trích và bất đồng
Việt Nam tiếp tục gây áp lực đối với giới chỉ trích và bất đồng

Các chuyên gia cho rằng mặc dù Việt Nam vừa phóng thích một nhà hoạt động đòi dân chủ hàng đầu, giới hữu trách nước này trong những năm vừa qua vẫn bịt chặt nút các ý kiến bất đồng. Từ Hà Nội, thông tín viên VOA Mike Ives gửi về bài tường thuật.

Trong tháng này, Việt Nam đã phóng thích một luật sư nổi tiếng về nhân quyền ra khỏi nhà tù, nhưng các chuyên gia phân tích cho rằng nhà chức trách Việt Nam vẫn duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với các nhân vật bất đồng chính kiến và những người hoạt động đòi dân chủ.

Luật sư Nguyễn văn Đài, 42 tuổi, được phóng thích hôm 6 tháng 3, sau khi thụ án 4 năm tù và sẽ bị quản thúc tại gia trong 3 năm. Ông bị kết án hồi năm 2007 vì đã đăng trên Internet những bài quảng bá chế độ đa đảng.

Một giáo sư danh dự tại trường Đại học Australia ở bang New South Wales, ông Carl Thayer, nói với đài VOA rằng nhà chức trách Việt Nam phóng thích ông Nguyễn văn Đài đúng hạn, nhưng sẽ không do dự bắt lại luật sư nhân quyền này nếu ông tiếp tục cuộc phản kháng.

Luật sư Nguyễn văn Đài
Luật sư Nguyễn văn Đài

Theo ông Thayer, trong mấy năm qua Việt Nam đã dập tắt các phong trào đòi dân chủ, và ông nêu ra rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam trước khóa họp của Đảng hồi tháng giêng đã kêu gọi có biện pháp chống những người Việt nào thành lập các chính đảng và các nhóm đối lập.

Ông Thayer nói mọi sự đề cập đến cách mạng tại Việt Nam đều không có “đất đứng.”

Ông nói: “Phong trào đòi dân chủ đã bị chặt đầu và không có lãnh đạo, và theo tôi, mạng lưới xuất hiện từ năm 2006 đến năm 2008 đã bị xử lý hữu hiệu vào lúc này.”

Ông Thayer nói rằng để thúc đẩy các tham vọng chính trị Việt Nam đã thỉnh thoảng nới lỏng áp lực đối với các nhà hoạt động nhân quyền trước khi có những chuyến thăm của các nhân vật cấp cao hoặc theo lời kêu gọi của các chính phủ nước ngoài, nhất là Hoa Kỳ.

Phó giám đốc Châu Á của tổ chức Human Rights Watch, ông Phil Robertson nói rằng Việt Nam thỉnh thoảng nới lỏng sự đàn áp chính trị trong nước để mưu cầu hỗ trợ ngoại giao tại các cuộc họp đa phương và các cuộc thương nghị về mậu dịch, nhưng luôn tìm cách duy trì các chính sách bảo đảm rằng không một phong trào chống đối quy mô lớn nào có “đất đứng” trong xã hội dân sự tại Việt Nam.

Ông Phil Robertson nói rằng trong mấy tuần vừa qua, Việt Nam đã mở rộng việc theo dõi trên Internet vì e ngại các blogger và các nhân vật bất đồng phản hồi trước những vụ nổi dậy tràn khắp Bắc Phi.

Ông nói: “Tôi trông đợi ta sẽ chứng kiến một cuộc trấn át lớn hơn nhắm vào quyền tự do phát biểu vì chính quyền Việt Nam đã bắt đầu nhận ra rằng các nhóm khác nhau dù là những người dân vận động đòi đất đai hay các vấn đề liên quan đến công nhân, hay những người liên quan đến các sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên, tất cả đã bắt đầu thông tin tốt hơn bằng internet. Và vì thế tôi cho rằng chúng ta sẽ thấy khi có một cuộc trấn át thì sẽ càng có nhiều phong trào lên mạng, nơi mà giờ đây họ vẫn có thể truyền thông và bày tỏ quan điểm.”

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế

Ông Robertson nói rằng sự kiện Việt Nam ‘tập trung chú ý trở lại’ vào nhà hoạt động Nguyễn Đan Quế thể hiện sự lo ngại ngày càng tăng của chính phủ đối với giới bất đồng được Internet phụ trợ. Nhà hoạt động này bị bắt hôm 26 tháng 2, cùng ngày nhật báo Washington Post của Hoa Kỳ đăng một bài viết của ông, thách thức điều ông gọi là sự thờ ơ của Hà Nội đối với vấn đề nhân quyền và luật quốc tế.

Tuần lễ trước khi bị bắt, ông Quế 69 tuổi đã đăng trên Internet lời kêu gọi giới trẻ chống lại đảng Cộng sản Việt Nam bằng cách phối hợp những vụ xuống đường phản đối qua điện thoại di động và Internet.

Các cơ quan truyền thông Việt Nam do nhà nước kiểm soát cho hay ông Quế đã được tha có điều kiện hôm 27 tháng 2, sau khi bị giữ qua đêm vì bị cáo buộc là tìm cách lật đổ chính phủ Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG