Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) hối thúc chính phủ Việt Nam hủy bỏ lệnh quản chế hành chánh đối với luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và trả tự do vô điều kiện cho linh mục bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Lý.
Ủy ban độc lập, lưỡng đảng của chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã kêu gọi như thế hôm mùng 8 tháng 3, 2 ngày sau khi luật sư Nguyễn Văn Đài được thả ra khỏi nhà giam sau khi mãn án tù 4 năm. Trong khi đó, Linh mục Nguyễn Văn Lý sẽ phải quay lại nhà giam vào tuần tới nếu lệnh tạm thả ông vì lý do sức khỏe không được gia hạn.
Ông Leonard Leo, Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, nói rằng “Nguyễn Văn Đài và nhiều nhà tranh đấu trẻ tuổi dũng cảm như ông là tương lai của Việt Nam. Điều không may là chính phủ Việt Nam vẫn xem họ như một mối đe dọa cho an ninh và ổn định.”
Ông Leo nói thêm rằng “Linh mục Lý nên được trả tự do vô điều kiện. Việc giam giữ ông và những người khác một cách tùy tiện là vô cùng bất công và đã gây phức tạp một cách không cần thiết cho các mối quan hệ Việt-Mỹ trong hơn một thập niên.”
Thông cáo của ủy ban này cho biết ủy ban tiếp tục đề nghị chính phủ Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo, thường được gọi tắt theo tiếng Anh là CPC.
Ủy ban cho rằng việc Việt Nam nằm trong CPC lần trước đã mang lại những sự cải thiện rõ rệt cho các cộng đồng tôn giáo mà không phương hại gì tới các mối quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ với Việt Nam.
Trong các cuộc phỏng vấn dành cho các cơ quan truyền thông quốc tế sau khi ra khỏi nhà giam, luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết những hoạt động tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ Việt Nam mà ông thực hiện là phù hợp với hiến pháp Việt Nam và ông sẽ tiếp tục hành sử quyền cơ bản này để hô hào cho một hệ thống chính trị đa đảng.
Ông Ðài cho phái viên AFP biết rằng những gì đang xảy ra ở Trung Đông là một bài học tốt cho người dân Việt Nam vào lúc này. Ông nói thêm rằng đó cũng là một bài học tốt cho Đảng Cộng Sản vì họ nên thực thi dân chủ hóa trước khi người dân xuống đường để đòi họ làm như vậy.
Nguồn: USCIRF’s PR, AFP
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1