Tin cho hay Việt Nam mời gọi du khách ra thăm khu vực có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, mở các tour du lịch ra quần đảo Trường Sa trong tháng này.
Bloomberg ngày 4/6 đưa tin các tour du lịch 6 ngày bao gồm các chuyến tham quan 2 đảo chìm, 2 đảo nổi và tham gia một buổi lễ thượng kỳ.
Trong khi đó, tin DPA cho biết tour du lịch 2 ngày khởi hành từ TPHCM sẽ đưa khách ra các vùng biển mà tàu hải quân Trung Quốc gần đây bị tố cáo sách nhiễu tàu Việt Nam, nơi mà các vụ va chạm giữa đôi bên thường diễn ra.
Nguồn tin này cho biết ngoài lễ chào cờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ biển đảo, du khách còn được đưa đi viếng chùa và leo lên ngọn hải đăng ngắm quang cảnh hữu tình trên đảo, khám phá cuộc sống hàng ngày của cư dân và binh sĩ đồn trú tại đây.
Theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ, chính quyền TPHCM đã chỉ thị các công ty du lịch đưa ra các gói dịch vụ giá cả phải chăng để thu hút du khách ra thăm đảo, dự kiến sớm nhất là ngày 22/6 tới.
Sài Gòn Tourist cũng đang chờ ý kiến của Ủy ban, của thành ủy. Hiện nay, từ thông tin báo chí trong nước nên khách hàng gọi hỏi cũng nhiều. Tuy nhiên, tour này chưa chính thức. Các anh ấy chỉ mới đang dự kiến thôi. Các anh ấy đang trong quá trình chờ và đang xin phép thôi. Đây chỉ là ý tưởng thôi..Báo chí nói ngày 22/6, nhưng từ góc độ công việc của tôi, tôi chưa nhận được bất cứ thông tin chỉ đạo hay sự chấp thuận của Ủy ban.”Anh Giang Nam, trưởng tuyến khảo sát của công ty Sài Gòn Tourist.
Tờ Thanh Niên cho hay Ủy ban Nhân dân thành phố đã yêu cầu các hãng lữ hành nhanh chóng thực hiện các cuộc khảo sát để các tour du lịch thử nghiệm ra Trường Sa có thể được bắt đầu đúng thời hạn dự kiến, mở đường cho việc chính thức vận hành Trường Sa như một điểm du lịch.
Tin này cũng nói rằng Ủy ban giao trách nhiệm cho Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn xin Bộ Quốc phòng cho phép dùng tàu phục vụ các tuyến du lịch vừa kể.
Bloomberg dẫn tin trên cổng thông tin điện tử của thành phố nói công ty du lịch quốc doanh Sài Gòn Tourist hứa hẹn hành trình 757 hải lý ra Trường Sa sẽ giúp nâng cao lòng tự hào dân tộc và ý thức công dân về chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng.
Trả lời VOA Việt ngữ tối 4/6, trưởng tuyến khảo sát của công ty Sài Gòn Tourist từ chối xác nhận thông tin về tour du lịch Trường Sa và cho biết chưa có thông báo chính thức từ ban lãnh đạo.
Anh Giang Nam nói mọi việc còn trong vòng ‘trao đổi’ ‘ý tưởng’:
“Thật ra, việc này Ủy ban nhân dân và thành ủy đang ở trong quá trình trao đổi thôi, cũng chưa chính thức thông tin hay thông báo. Đối với Sài Gòn Tourist cũng đang chờ ý kiến của Ủy ban, của thành ủy. Hiện nay, từ thông tin báo chí trong nước nên khách hàng gọi hỏi cũng nhiều. Tuy nhiên, tour này chưa chính thức. Các anh ấy chỉ mới đang dự kiến thôi. Các anh ấy đang trong quá trình chờ và đang xin phép thôi. Đây chỉ là ý tưởng thôi. Báo chí trong nước, đa số họ cần thông tin càng nhanh càng tốt, cho nên có thể họ đoán như vậy. Thực ra, ngày giờ còn đang trong quá trình trao đổi và chuyến này cũng gần gần như các chuyến trước, đưa mọi người ra thăm với tư cách là cán bộ ra thăm chiến sĩ. Báo chí nói ngày 22/6, nhưng từ góc độ công việc của tôi, tôi chưa nhận được bất cứ thông tin chỉ đạo hay sự chấp thuận của Ủy ban.”
Điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 13/5/15, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách An ninh Châu Á - Thái Bình Dương David Shear, nguyên đại sứ Mỹ tại Việt Nam, cho biết Việt Nam hiện có 48 tiền đồn ở quần đảo Trường Sa, trong khi Philippines và Trung Quốc mỗi nước có 8, Malaysia có 5, và Đài Loan 1.
Kể từ cuối năm 2012, các công ty du lịch Trung Quốc đã mở các tour ra đảo Phú Lâm khi Bắc Kinh lập thành phố Tam Sa quản lý hành chính các đảo có tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Bloomberg dẫn lời chuyên gia Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế thuộc Viện nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney, cho rằng dù tour du lịch ra Trường Sa của Việt Nam mang tính khiêu khích chủ quyền lãnh thổ ở mức thấp, nhưng cũng là một động thái ‘đưa thường dân ra trước lằn đạn’ bằng cách làm gia tăng khả năng có thể xảy ra các cuộc va chạm trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, vốn đã diễn ra nhiều lần trong quá khứ.