Chủ tịch nước Việt Nam lên án việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông vi phạm luật quốc tế và đe dọa an ninh hàng hải, đồng thời kêu gọi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí cho Hà Nội.
Phát biểu của ông Trương Tấn Sang tại Mỹ hôm qua trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn AP được đưa ra giữa lúc nguyên thủ các nước trên thế giới tham dự thượng đỉnh thường niên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York, mà qua đó Biển Đông là đề tài được nêu lên trong các bài phát biểu của lãnh đạo Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Việt Nam.
Chủ tịch Trương Tấn Sang nhận xét Biển Đông tại thời điểm này thật sự là một điểm nóng của khu vực và của thế giới.
Vẫn theo lời ông, trong năm qua, Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp đất quy mô lớn tại các bãi đá nửa chìm nửa nổi để biến chúng thành các đảo lớn hơn và đó là việc làm vi phạm luật quốc tế. Chủ tịch nước Việt Nam nói động tháinày đi ngược lại Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển và trái với Tuyên bố Ứng xử Biển Đông ASEAN đạt được năm 2002.
Nhà lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh quan ngại của Hà Nội và các nước Đông Nam Á là điều dĩ nhiên và dễ hiểu vì hành động của Bắc Kinh ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn hàng hải và an ninh Biển Đông. Ông Sang nói môi trường hòa bình là yếu tố quan trọng để thực thi các mục tiêu phát triển bền vững mới vừa được đồng thuận tại Liên hiệp quốc.
Phát biểu của Chủ tịch Việt Nam được đưa ra một tuần sau khi Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố nhân chuyến thăm Hoa Kỳ rằng Trung Quốc có quyền bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông và rằng Trường Sa từ xa xưa đã thuộc về Trung Quốc.
Trong khi mạnh mẽ lên án Trung Quốc, Chủ tịch Việt Nam đã dành những ngôn từ nồng ấm cho Hoa Kỳ, mong muốn có thêm bước tiến để siết chặt quan hệ với quốc gia cựu thù và kêu gọi Washington chấm dứt cấm vận vũ khí đối với Hà Nội.
Ông Sang nói sẽ không còn ngờ vực giữa hai nước và quan hệ Việt-Mỹ sẽ được bình thường hóa toàn diện khi mà Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí hoàn toàn cho Việt Nam.
Ông nói thêm rằng chuyến thăm có thể có của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam trong năm nay sẽ giúp củng cố quan hệ đối tác toàn diện mà đôi bên chính thức đạt được từ năm 2013 khi Chủ tịch Việt Nam công du Hoa Kỳ. Theo dự kiến nhà lãnh đạo Mỹ có thể ghé thăm Việt Nam trong mùa thu này nhân chuyến công du khu vực.
Tháng 10 năm ngoái, Washington loan báo dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam giúp Hà Nội tăng cường khả năng bảo vệ an ninh hàng hải.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Obama nhất mực khẳng định điều kiện tiên quyết để quan hệ Việt-Mỹ được phát huy toàn diện là Hà Nội phải cải thiện thành tích nhân quyền đang bị quốc tế lên án.
Các nhà lập pháp Mỹ cũng yêu cầu Việt Nam phải điều chỉnh các vi phạm nhân quyền trước khi Hà Nội có thể được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương mà Mỹ cùng các nước đang đàm phán. Hiệp định gần như sắp hoàn tất này đang được 12 quốc gia thương thảo trong đó có Việt Nam.
Chủ tịch Trương Tấn Sang trong cuộc phỏng vấn với AP không đưa ra những cam kết cụ thể về nhân quyền, chỉ nói rằng Việt Nam sẵn sàng tiếp tục thảo luận với Mỹ về vấn đề này.
Ông nói Hiến pháp Việt Nam giờ đây có bao gồm một chương về bảo vệ nhân quyền và việc thực thi sẽ được tiến hành trong ‘vài năm tới’ để các quyền đó thật sự được áp dụng ‘trên thực tế.’
Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ thường niên 2015 đã kết thúc hồi giữa năm. Hai nước đang tiến hành đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ 5 diễn ra từ ngày 27/9 tới ngày 3/10 tại Mỹ.
Theo AP, VNA, VOV.