Tin DPA đánh đi từ Hà Nội ngày 18/5 cho hay con số các cuộc đình công tại Việt nam tăng mạnh do lạm phát và các điều kiện làm việc tồi tệ.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được DPA trích dẫn, trong quý đầu năm nay đã xảy ra 220 cuộc đình công trên toàn quốc, so với tổng số 216 cuộc đình công của cả năm ngoái.
Các nguyên nhân chính đưa tới thực trạng này được báo cáo bao gồm nạn lạm phát phi mã, mức lương thấp, và quyền lợi của người lao động bị chà đạp. Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động, cho biết lương của công nhân không theo kịp với giá cả leo thang, đồng thời nhấn mạnh tình trạng đình công chỉ giảm khi nào quyền của người lao động được tôn trọng.
Phó giám đốc Viện Công nhân-Công đoàn, Lê Thanh Hà, cho biết nhiều chủ doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu hiểu biết và trình độ thấp của người công nhân, đưa ra những hợp đồng lao động có những khe hở để mưu lợi và khai thác người lao động một cách bất công.
Một cuộc khảo sát mới đây của Viện cho thấy chỉ 6 trên 10 công ty có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài làm ăn tại Việt Nam có hợp đồng lao động tuân thủ luật lao động Việt Nam.
Tháng rồi, Thứ trưởng Bộ lao động-thương binh-xã hội, Phạm Minh Huân, thừa nhận các luật lệ hiện hành không bảo đảm quyền lợi người lao động trong nước và không đối phó được với tình trạng đình công.
Theo các số liệu của nhà nước hồi cuối năm ngoái, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam ở mức hơn 1 triệu 3 trăm ngàn đồng, tương đương 65 đô la mỗi tháng.
Tỷ lệ lạm phát trong tháng tư vừa qua là 17,5%, so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông John Hendra, điều phối viên Liên hiệp quốc tại Việt Nam nhận xét Việt Nam là một trong năm nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất trên thế giới và, vẫn theo ông Hendra, thực trạng này sẽ càng gia tăng tỷ lệ nghèo đói.
Nguồn: AFP, DPA