Đường dẫn truy cập

Trung Quốc kêu gọi Việt Nam ngưng ‘đánh bắt trộm bất hợp pháp’ ở Biển Đông


Ngư dân Việt Nam chèo thuyền ở Vũng Tàu
Ngư dân Việt Nam chèo thuyền ở Vũng Tàu

Tranh chấp chủ quyền Việt-Trung trong tuần này leo thang sau khi lực lượng Trung Quốc bắt giữ 21 ngư phủ Việt. Việt Nam nói nhóm ngư phủ bị Trung Quốc bắt gần lãnh hải tranh chấp ở Biển Đông đang bị giữ để đòi tiền chuộc. Bắc Kinh thúc giục Hà Nội ngưng hành động mà họ gọi là ‘đánh bắt cá trộm bất hợp pháp’ trong khu vực

Chưa đầy 24 giờ đồng hồ sau khi chính phủ Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phóng thích 21 ngư dân Việt bị bắt gần quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh lên tiếng khẳng định nhóm người này bị cầm giữ vì xâm phạm lãnh hải Trung Quốc.

Tại một cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi, yêu cầu Hà Nội không để cho ngư dân vào khu vực này đánh bắt nữa.

Ông Hồng Lỗi nói thời gian gần đây, hơn 100 tàu của Việt Nam đã xâm nhập vào vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa, khu vực do Trung Quốc kiểm soát nhưng Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nhóm 21 ngư phủ Việt bị bắt tại đây hôm 4/3 và rằng hành động của nhà chức trách Trung Quốc là theo đúng luật pháp.

Ông Hồng Lỗi đồng thời kêu gọi Việt Nam tăng cường giáo dục và quản lý ngư dân, ngưng các hoạt động đánh bắt cá trộm bất hợp pháp trong lãnh hải Trung Quốc.

Các nhận định này được được ra 1 ngày sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo yêu cầu Trung Quốc phóng thích 21 ngư dân Việt bị bắt giữ và bị đòi 11 ngàn đô la tiền chuộc. Chính phủ Việt Nam khuyên gia đình các nạn nhân không nộp tiền chuộc, đồng thời thúc giục Trung Quốc thả người.

Vụ này đang gây ra nhiều áp lực đối với dân địa phương, theo nhận xét của ngư dân Lê Văn Lộc ở Quảng Ngải, người từng bị Trung Quốc bắt giữ hồi năm 2010 khi hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa.

Ông Lộc nói là công dân Việt Nam, ông phẫn nộ trước sự việc này vì quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông cho biết gia đình các ngư phủ đang bị cầm giữ được khuyên không nên nộp tiền chuộc cho Trung Quốc trong lúc chính quyền Việt Nam yêu cầu Bắc Kinh thả người. Vẫn theo lời ngư dân này, những gì đang xảy ra gây khó khăn cho đời sống các gia đình.

Đây là sự việc mới nhất trong vụ tranh chấp chủ quyền lâu nay ở Biển Đông.

Năm ngoái, Việt Nam và Trung Quốc ký một loạt các thỏa thuận hàng hải nhằm giải quyết căng thẳng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục phản đối các hoạt động của Trung Quốc ngay trên hay xung quanh quần đảo Hoàng Sa.

Trước đây trong tháng, Việt Nam gửi 6 nhà sư Phật giáo ra lập lại các ngôi chùa bỏ hoang trên quần đảo Trường Sa ở Biển Đông mà cả hai nước Việt-Trung đều tuyên bố chủ quyền.

Một bài xã luận trên báo Global Times của nhà nước Trung Quốc hôm thứ tư nói rằng quyết định gửi các nhà sư là một “bề ngoài tôn giáo” để “vĩnh viễn đòi chủ quyền” các hòn đảo.

Người phát ngôn của chính phủ Việt Nam Lương Thanh Nghị bác bỏ những lời tuyên bố đó. Ông Nghị nói kế hoạch đó là một hoạt động dân sự bình thường.

Bắt đầu từ tháng tới, các nhà sư sẽ chỉnh trang lại các ngôi chùa và cử hành nghi thức ở đó trong thời gian ít nhất là 6 tháng. Việt Nam đã bỏ hoang các ngôi chùa vào năm 1975. Mới đây Việt Nam đã cho tân trang trong khuôn khổ các nỗ lực lớn hơn đòi tái lập chủ quyền trên đảo Trường Sa.

Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng đòi chủ quyền một số phần trong chuỗi gần 100 đảo. Bắc Kinh nhấn mạnh rằng toàn bộ 3,5 triệu kilomet vuông vùng biển phía nam Trung Quốc là thuộc lãnh hải của họ.

Trung Quốc ngày càng khẳng định chủ quyền lãnh hải trong mấy tháng vừa qua, và thường chận bắt các thuyền đánh cá và thuyền thăm dò dầu khí của các nước khác.

Ngư dân Lộc cho biết ông sẽ tiếp tục đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa trong tương lai. Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc tăng cường các cuộc tuần tra, thì ông sẽ tạm lánh.

Ông Lộc nói ông vẫn nhìn thấy nhiều tầu chạy về hướng quần đảo, bởi vì chúng nằm gần bờ biển của Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG