Đường dẫn truy cập

Việt Nam bỏ tù 8 người Hmong vì vụ rối loạn sắc tộc


Người sắc tộc Hmong ở vùng cao nguyên tây bắc Việt Nam
Người sắc tộc Hmong ở vùng cao nguyên tây bắc Việt Nam

Một tòa án Việt Nam tuyên những án tù lên tới 30 tháng cho 8 người sắc tộc Hmong vì vụ rối loạn hiếm có ở vùng cao nguyên tây bắc.

Bản tin hôm thứ Tư của hãng thông tấn AP trích lời Thẩm phán Phạm Văn Nam của Tòa án tỉnh Điện Biên cho biết những người vừa kể bị xét là can tội hành hung nhân viên công lực và xúi giục người khác tụ tập để đòi thành lập một quốc gia độc lập.

Tại phiên tòa diễn ra hôm thứ Ba, hai bị cáo bị tuyên án 30 tháng tù giam trong khi 6 bị cáo còn lại lãnh án 24 tháng tù.

Thẩm phán Phạm Văn Nam hôm nay cho biết cảnh sát vẫn còn truy lùng 3 người chủ mưu. Trước đó, các giới chức Việt Nam tố cáo những người Hmong ở nước ngoài chủ mưu cuộc tụ họp của hàng ngàn người Mông hồi năm ngoái ở huyện Mường Nhé đòi thành lập “Vương quốc Mông”.

Hãng thông tấn Pháp trích lời các giới chức Việt Nam cho biết những người sắc tộc Hmong bị dụ dỗ bởi “những kẻ xấu”, những người đồn đại là một vị vua sẽ xuất hiện để đưa họ tới đất hứa.

Theo hội CSW, một tổ chức tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo có bản doanh ở Anh, trong văn hóa của người Mong có một niềm tin siêu nhiên về việc một “Đấng Cứu Thế” sẽ xuất hiện và thành lập một vương quốc của người Mông.

Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch ở Mỹ trích dẫn những nguồn tin chưa được xác nhận nói rằng mấy mươi người Hmong đã bị thiệt mạng hoặc bị thương trong vụ trấn áp của binh sĩ.

Các giới chức Việt Nam không đề cập tới sự dính líu của quân đội trong việc giải tán cuộc tụ tập này, nhưng một nhân vật lãnh đạo chính quyền địa phương sau đó nói với một nhật báo của quân đội là những người biểu tình có vũ trang.

Vụ rối loạn ở Mường Nhé hồi cuối tháng tư đến đầu tháng 5 năm 2011 là vụ căng thẳng dữ dội nhất vì vấn đề sắc tộc ở Việt Nam kể từ khi có khoảng 2,000 người Thượng bỏ trốn sang Campuchia sau khi nhà chức trách huy động binh sĩ dẹp tan những cuộc biểu tình phản kháng của họ ở vùng Tây Nguyên hồi năm 2001 và năm 2004.


Nguồn: AFP, AP

VOA Express

XS
SM
MD
LG