Đường dẫn truy cập

Việt Nam sẽ dùng công nghệ Nhật Bản để tẩy độc dioxin


Một nạn nhân chất độc da cam 18 tuổi có tên Thắng bán hàng rong ở Hà Nội. Một công nghệ mới của Nhật Bản sẽ giúp tẩy độc chất dioxin có trong chất độc da cam mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.
Một nạn nhân chất độc da cam 18 tuổi có tên Thắng bán hàng rong ở Hà Nội. Một công nghệ mới của Nhật Bản sẽ giúp tẩy độc chất dioxin có trong chất độc da cam mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Một công nghệ mới của Nhật Bản sẽ được áp dụng vào Việt Nam trong việc tẩy độc chất dioxin mà quân đội Mỹ rải xuống trong chiến tranh Việt Nam.

Bộ Tư lệnh Hóa học của Việt Nam và Tập đoàn Shimizu, một nhà thầu của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, hôm 4/9 ký kết một biên bản ghi nhớ để áp dụng thử nghiệm công nghệ xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, theo truyền thông trong nước.

Theo chương trình hợp tác vừa được ký kết tại Hà Nội, một nhà máy tẩy rửa đất toàn diện sẽ được khởi động thử nghiệm làm sạch đất trong khu vực sân bay Biên Hòa từ tháng 1/2019. Nhà máy sẽ có công suất tối đa 40 tấn/giờ.

Sân bay Biên Hòa được coi là khu vực có lượng đất nhiễm dioxin lớn nhất, với khoảng 850.000 tấn, theo VOV.

Theo khảo sát đánh giá của tập đoàn Shimizu, Việt Nam có tổng cộng 28 khu vực nhiễm chất dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh, trong đó có cả sân bay Đà Nẵng và Phù Cát. Quân đội Mỹ đã sử dụng các sân bay này trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam.

Theo Tiền Phong, ước tính trong giai đoạn từ 1962-1975 có khoảng 75,8 triệu lít thuốc trừ cỏ đã được quân đội Mỹ rải xuống gần 2,6 triệu hecta đất tại Việt Nam.

Tháng trước, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà cho rằng “Việt Nam phải chịu hậu quả chiến tranh rất nặng nề, trong đó có tác động lâu dài và nghiêm trọng của chất độc da cam."

Hàng triệu người Việt Nam đã bị ảnh hưởng từ chất dioxin trong chất da cam, theo truyền thông trong nước.

New York Times cho biết chính phủ Mỹ đã chi hơn 100 triệu để làm sạch sân bay Đà Nẵng, một trong 28 “điểm nóng” trong chương trình xử lý môi trường ô nhiễm dioxin.

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thành việc tẩy sạch ô nhiễm dioxin trên toàn quốc vào năm 2030.

Công nghệ mới của Nhật Bản được cho là có hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều phương án làm sạch đất nhiễm dioxin khác, đồng thời ít gây hại hơn cho môi trường.

Tập đoàn Shimizu cho biết công nghệ này là sự kết hợp giữa công nghệ tẩy rửa đất và công nghệ đốt và sự kết hợp này sẽ giúp nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí trong xử lý đất, theo Công An Nhân Dân.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio được VOV trích lời nói công nghệ rửa đất mà Shimizu sẽ sử dụng ở Biên Hòa hiện đang được thực hiện tại 14 địa điểm ở Nhật.

VOA Express

XS
SM
MD
LG