Các thủy thủ của tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson hôm 7/3 tới thăm một khu tạm trú cho nạn nhân chất độc màu da cam, một chất hóa học mà quân đội Mỹ sử dụng để diệt lá cây trong chiến tranh Việt Nam, theo Reuters.
Trong số 4.8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc màu da cam, khoảng 3 triệu người vẫn đang bị ảnh hưởng, bao gồm trẻ em bị dị tật bẩm sinh nặng nề hoặc các vấn đề về sức khỏe nhiều năm sau khi bố mẹ bị phơi nhiễm, theo Hội nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam có trụ sở ở Hà Nội.
“Tôi nghĩ rằng thật là ấn tượng khi nhìn vào những gì mà chúng ta đang thấy lúc này so với 40 năm về trước,” Gordon Watkins, một thủy thủ của tàu sân bay USS Carl Vinson, nói trong lúc tới thăm trung tâm nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng.
“Tôi nghĩ đây là một bước tiến rất tốt,” thủy thủ này nói khi cùng với các thủy thủ khác tham gia với các trẻ em trong trại làm que hương và hoa nhựa.
Tàu Vinson cập cảng Việt Nam hôm 5/3 trong chuyến thăm đầu tiên của một tàu sân bay Mỹ kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975.
Hôm 6/3, một ban nhạc hải quân Mỹ cùng đi trên tàu sân bay đã biểu diễn “Nối vòng tay lớn,” một bài hát nổi tiếng của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn nói về sự đoàn kết dân tộc trong thời gian chiến tranh.
Mỹ sắp kết thúc một chương trình dài 5 năm với chi phí 110 triệu USD nhằm làm sạch khu vực đất nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng.
Vào tháng 1 vừa qua, 2 chính phủ đã cho biết họ sẽ bắt đầu quy trình tẩy độc chất dioxin ở khu vực sân bay Biên Hòa ở miền nam Việt Nam nơi là khu lưu giữ số lượng lớn chất độc màu da cam được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam của quân đội Mỹ.
Chiến dịch làm sạch này sẽ mất tới 500 triệu USD và kéo dài trong 10 năm, theo USAID.
“Chúng tôi hy vọng chuyến thăm này sẽ là một cơ hội cho chính phủ Mỹ và các công ty sản xuất chất độc da cam hiểu hơn nữa về những tác hại của hóa chất này lên những nạn nhân và có trách nhiệm đối với những tác hại mà nó đã gây ra,” Reuters trích lời ông Quách Thành Vinh, chánh văn phòng Trung ương Hội nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam.
“Vẫn còn cơ hội cho chính phủ Mỹ và người dân Mỹ hiểu về tác hại của chất da cam lên người dân Việt Nam,” ông Vinh nói.