Việt Nam và Trung Quốc vừa chính thức ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với khỉ đuôi dài qua đó mở đường cho Việt Nam xuất khẩu loài động vật này sang Trung Quốc, tờ Tuổi Trẻ đưa tin.
Nghị định thư này đã được ký kết hôm 6/6 trong buổi hội đàm giữa Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Hoàng Trung và phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Triệu Tăng Liên.
Ông Triệu đang dẫn đầu phái đoàn Tổng cục Hải quan Trung Quốc thăm và làm việc ở Việt Nam để tìm hiểu cơ hội nhập khẩu và mở cửa thêm cho hàng nông sản Việt Nam.
Tuổi Trẻ cho biết khỉ đuôi dài được Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải là khỉ nuôi chứ không phải là khỉ hoang dã và sẽ được Trung Quốc ‘dùng trong nghiên cứu khoa học’.
Công ước quốc tế về mua bán các giống loài khẩn nguy, tức CITES, cấm mua bán các loài động vật hoang dã cho mục đích thương mại, nhưng không cấm mua bán các động vật được nuôi.
Khỉ đuôi dài, loài khỉ có chiếc đuôi bằng hoặc dài hơn cơ thể, nằm trong danh mục động vật nguy cấp, quý hiếm, cần được bảo vệ nghiêm ngặt trong Sách Đỏ Việt Nam và có tên trong Phụ lục của CITES, theo tìm hiểu của VOA.
Theo trang Động vật rừng Việt Nam (vncreatures.net), khỉ đuôi dài ở Việt Nam được phân bổ từ Thừa Thiên - Huế trở vào tới Kiên Giang, Chúng sống thành đàn trong trong rừng rậm nguyên sinh, thứ sinh, rừng tre nứa, rừng thường xanh, rừng thưa, bờ sông, ven biển, rừng ngập mặn ven biển, dọc theo các con sông tới độ cao 2000 mét.
Cũng theo trang này, loài khỉ đuôi dài rất phổ biến ở các khu rừng ở miền Nam trước năm 1975 nhưng đến sau năm 1975, loài này bị suy giảm mạnh về số lượng do tình trạng phá rừng khiến chúng bị mất nơi cư trú và tình trạng chúng bị săn bắt ‘để lấy thịt và nấu cao’.
Khỉ đuôi dài được cho là có giá trị trong nghiên cứu khoa học để làm vật mẫu, đối tượng nghiên cứu và là nguồn động vật thử nghiệm các loại vaccine cho con người.
Hãng tin Bloomberg cho biết khỉ đuôi dài là loài rất có giá trị trong ngành chế biến vaccine và thuốc men. Mỗi con có thể có giá từ 50.000 đô la trở lên trên thị trường Mỹ. Chính vì giá trị cao như vậy, nên khỉ đuôi dài hoang dã thường bị các tay săn trộm bắt từ trên cây sau đó bán vào các trang trại giả làm khỉ nuôi để xuất khẩu.
Đọc nhiều nhất
1
Diễn đàn