Việt Nam chỉ còn 5 tỷ phú đô la trong danh sách Forbes sau khi một người rớt khỏi danh sách này do tài sản sụt xuống dưới 1 tỷ đô la, theo danh sách tỷ phú thế giới theo thời gian thực của Forbes vào ngày 16/1 năm 2024.
Theo đó, ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch tập đoàn hàng tiêu dùng Masan, đã không còn nằm trong danh sách tỷ phú đô la của Forbes do cổ phiếu MSN của Masan đã sụt giảm liên tiếp trong nhiều ngày xuống mức 67.100 đồng sau khi chốt phiên giao dịch ngày 16/1. Cách nay một năm, cổ phiếu MSN có mức giá trên 100.000 đồng.
Tuy nhiên, nhiều khả năng việc ông Quang rời khỏi danh sách Forbes chỉ là tạm thời theo đà tăng giảm của cổ phiếu MSN. Hồi tháng 10 năm ngoái, ông Quang cũng từng bị rớt khỏi danh sách này khi tài sản của ông xuống dưới mức tỷ đô.
Nhưng đến ngày 3/1 năm nay, tài sản ông Quang bật trở lại mốc tỷ đô la và trở lại danh sách tỷ phú. Như vậy, ông Quang duy trì vị trí trên Forbes chỉ trong vòng 13 ngày.
Ngoài ông Nguyễn Đăng Quang, 5 tỷ phú đô la còn lại của Việt Nam trong danh sách Forbes vẫn giữ vững vị trí.
Cụ thể, vào sáng ngày 16/1 (theo giờ Mỹ) người giàu nhất Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch tập đoàn Vingroup, có tài sản ròng là 4,5 tỷ đô la, xếp hạng 650 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Xếp sau ông Vượng là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ tịch hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air. Với khối tài sản 2,3 tỷ, bà Thảo xếp thứ 1.332 trên thế giới.
Với tài sản cũng 2,3 tỷ đô la nhưng kém hơn bà Thảo một chút, ông Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn thép Hòa Phát, xếp hạng 1.354.
Ông Trần Bá Dương, chủ tịch tập đoàn sản xuất ô tô Thaco, cùng gia đình, được Forbes định giá tài sản 1,4 tỷ đô la, đứng ở vị trí 1.999 trong các tỷ phú thế giới.
Vị tỷ phú cuối cùng của Việt Nam trong danh sách Forbes là ông Hồ Hùng Anh, chủ tịch ngân hàng Techcombank, với tài sản cũng ở mức 1,4 tỷ đô la, xếp hạng 2.099.
Tổng tài sản của 5 tỷ phú giàu nhất Việt Nam hiện nay vào khoảng gần 12 tỷ đô la.
Diễn đàn