Phóng viên Không biên giới chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác, đối thoại, và hỗ trợ về nhân quyền như chúng tôi đã làm ở Miến Điện kể từ khi quốc gia này mở cửa, dân chủ hóa. Chúng tôi không ‘thù địch’, chúng tôi chỉ muốn bảo vệ các quyền căn bản mà mọi người trên thế giới phải được thụ hưởng bình đẳng như nhau trong đó có quyền tự do bày tỏ quan điểm và tự do báo chí, vốn là những điều đã được toàn cầu công nhận qua Công ước Quốc tế về Nhân quyền.Benjamin Ismail
Phản hồi về buổi Kiểm điểm nhân quyền Định kỳ Phổ quát UPR hôm 5/2 của Hà Nội tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Pháp nói thay xem những phê phán của thế giới là ‘thù địch’, chính phủ Việt Nam nên hữu nghị mời giới bảo vệ nhân quyền quốc tế sang tìm hiểu thực trạng nhân quyền và mời gọi sự giúp đỡ để cải thiện.
Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong tổ chức RSF, ông Benjamin Ismail, đã dành cho VOA Việt ngữ cuộc trao đổi về việc này.
Ông Benjamin Ismail: Tôi muốn nói rằng Hà Nội không thể tiếp tục lừa bịp Liên hiệp quốc và thế giới kiểu này nữa. Hơn ai hết họ hiểu rõ những gì họ đang làm và những chính sách đàn áp tàn bạo mà họ đang thực hiện. Sự thật đã được phơi bày rõ ràng, chẳng hạn như qua các bản án tù dài hạn họ dành cho những nhà bất đồng chính kiến và các blogger thể hiện quan điểm ôn hòa trái ý với họ, chẳng hạn như tình trạng càng ngày nhà cầm quyền càng dùng bạo lực để đối phó, sách nhiễu các blogger cổ súy dân chủ và tấn công cả thân nhân của họ nữa. Không thể che giấu sự thật được đâu.
VOA: Nhiều người đánh giá rằng kể từ đợt kiểm điểm nhân quyền định kỳ phổ quát UPR lần đầu năm 2009 tới nay không thấy cải thiện nào đáng kể từ Việt Nam trong các lĩnh vực nhân quyền bị chú ý nhất bao gồm tự do ngôn luận, tự do báo chí. Vậy hiệu quả thật sự của UPR là gì? Liệu có thể trông đợi gì từ đợt kiểm điểm lần này?
Ông Benjamin Ismail: Trước khi kiểm điểm, chúng ta cần phải xem xét tình hình. Cho nên kỳ UPR 2009 được coi như là dịp đầu tiên thế giới tập trung lại quan sát, bình luận, và khuyến nghị về nhân quyền Việt Nam. Và sau 4 năm, lần UPR thứ nhì này là cơ hội để chúng ta nhìn lại, điểm lại để đánh giá. Thời điểm này, với việc Việt Nam vừa trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, áp lực và trách nhiệm đang đè nặng lên cơ chế UPR, lên Liên hiệp quốc và cộng đồng quốc tế để nhắc nhở Hà Nội các nghĩa vụ tôn trọng nhân quyền.
Ví dụ Việt Nam vừa ký vào Công ước Chống tra tấn của Liên hiệp quốc, chúng ta có thể dùng cơ chế UPR để thúc giục Việt Nam rằng ký kết thôi chưa đủ, quan trọng là phải áp dụng vào thực tế. Ngoài ra, dựa trên cơ chế này, chúng ta có thể nêu bật sự mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm của Hà Nội rằng một mặt ký kết, mặt khác vẫn tiếp diễn tình trạng tra tấn nhục hình, vẫn dùng Bộ Luật hình sự và cả côn đồ để hành hung, đàn áp blogger hay các nhà hoạt động trên mạng cổ súy cho dân chủ-nhân quyền. Chúng ta tiếp tục dùng diễn đàn UPR quốc tế này để nêu lên các quan ngại, để phơi bày ra thế giới những hành động vi phạm nhân quyền của Việt Nam, và tạo áp lực lên Hà Nội buộc họ phải thay đổi. Song song đó, chúng ta tiếp tục hỗ trợ các tiếng nói độc lập tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam về nhiều phương diện, kể cả pháp lý.
VOA: Ông có đề nghị nào giúp nâng cao hiệu quả của UPR hơn nữa không?
Ông Benjamin Ismail: Theo tôi, càng nhiều nội dung về UPR và những gì diễn ra tại buổi kiểm điểm ở Liên hiệp quốc được dịch ra tiếng Việt chuyển tải tới càng nhiều người dân Việt càng tốt để họ hiểu biết hơn về vai trò và tác dụng của UPR đối với đời sống của từng cá nhân. Nhiều người Việt Nam cho tới nay còn chưa hiểu rõ về nhân quyền, chưa quan tâm đến sự kiện UPR này, cũng như chưa biết đến các phong trào quốc tế nỗ lực cải thiện nhân quyền cho Việt Nam ra sao. Nhận thức của người dân Việt Nam trong lĩnh vực này phải được nâng cao hơn nữa. Để làm được điều đó, chúng ta cần phát huy xã hội dân sự tại Việt Nam mạnh hơn nữa để tranh đấu đòi các quyền căn bản chính đáng cho con người như quyền tự do ngôn luận, tự do tiếp cận thông tin, tự do truy cập internet, hay tự do báo chí.
VOA: Phát biểu trước kỳ kiểm điểm UPR lần này của Việt Nam, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông trong nước tuyên bố dù Việt nam có cố gắng đến đâu, đạt tiến bộ nhân quyền đến đâu, vẫn luôn luôn có những ‘thế lực thù địch’ chỉ trích vì nhiều mục đích khác nhau. Ông phản hồi thế nào về bình luận này?
Ông Benjamin Ismail: Luận điệu này thừơng được các chính phủ độc tài như Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên sử dụng. Thay vì tố cáo, quy chụp các nỗ lực quốc tế giúp cải thiện nhân quyền cho Việt Nam là ‘thù địch’, tốt hơn hết Hà Nội nên mời các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, các nhà quan sát độc lập đến để học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế cũng như mời gọi sự giúp đỡ để tiến bộ hơn. Phóng viên Không biên giới chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác, đối thoại, và hỗ trợ về nhân quyền như chúng tôi đã làm ở Miến Điện kể từ khi quốc gia này mở cửa, dân chủ hóa. Chúng tôi không ‘thù địch’, chúng tôi chỉ muốn bảo vệ các quyền căn bản mà mọi người trên thế giới phải được thụ hưởng bình đẳng như nhau trong đó có quyền tự do bày tỏ quan điểm và tự do báo chí, vốn là những điều đã được toàn cầu công nhận qua Công ước Quốc tế về Nhân quyền. Một điều nữa tôi muốn chia sẻ là trong khi cơ chế của Liên hiệp quốc chưa có cách ngăn chặn hay giải pháp cho tình trạng nhà cầm quyền đàn áp hay dùng bạo lực đối với các blogger và thân nhân của họ như trường hợp của nhà bất đồng chính kiến Huỳnh Ngọc Tuấn, chúng tôi một lần nữa mạnh mẽ kêu gọi Hà Nội hãy chấm dứt các hành động phản nhân quyền này.
VOA: Xin chân thành cảm ơn ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong tổ chức Phóng viên Không biên giới, đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.