Đường dẫn truy cập

Giới chức LHQ: Kiểm điểm nhân quyền là cơ hội hiếm hoi cho VN


Phát ngôn viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Rolando Gomez.
Phát ngôn viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Rolando Gomez.
Ông Rolando Gomez, phát ngôn viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nói với VOA Việt Ngữ như vậy hôm 4/2, một ngày trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) về nhân quyền của Việt Nam tại Geneve, Thụy Sỹ.

Đây là lần thứ hai các đại diện của Việt Nam xuất hiện trước nhóm làm việc của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sau phiên kiểm điểm lần đầu diễn ra năm 2009.

Ông Gomez nói đây là một sự kiện ‘hết sức quan trọng’ đối với chính phủ Việt Nam.

“Nó là một cơ hội có một không hai để chính phủ Việt Nam nêu lên những bước đi mà nước này đã thực hiện để thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam theo như các đề xuất của các quốc gia khác vào năm 2009 cũng như nói lên các thách thức còn tồn tại. Ngoài ra, nó cũng là một cơ hội để các nước thành viên khác của Liên Hiệp Quốc đưa ra các đề xuất trên tinh thần xây dựng cho Việt Nam về các cách thức cải thiện hơn nữa tình hình nhân quyền tại nước này”.

Ông Gomez nói rằng cuộc kiểm điểm cũng là cơ hội để làm sáng tỏ những vấn đề liên quan tới quyền con người ở Việt Nam.

Một số nhà hoạt động đại diện cho các nhóm xã hội dân sự cũng như các blogger người Việt đã tới Geneve để có các cuộc tiếp xúc bên lề nhằm trình bày về những vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.

Về sự tham gia, đóng góp ý kiến của các nhóm này cũng như các tổ chức phi chính phủ Việt Nam lẫn nước ngoài, phát ngôn viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nói rằng đây là một ‘khía cạnh quan trọng của quá trình kiểm điểm’.

“Trong khi các tổ chức phi chính phủ, và đại diện các nhóm xã hội dân sự không trực tiếp tham gia vào quá trình kiểm điểm của Việt Nam vào ngày thứ Tư (5/2), họ cũng được tạo điều kiện nói lên tiếng nói của mình tại hậu trường. Có các báo cáo khác nhau được coi là cơ sở cho cuộc kiểm định về nhân quyền của Việt Nam, và một trong các phúc trình đó là tổng hợp các quan điểm của các nhóm xã hội dân sự ở Việt Nam do các tổ chức phi chính phủ từ Việt Nam cũng như quốc tế cung cấp. Họ nêu lên các đánh giá về tình hình nhân quyền ở Việt Nam và còn có thể đưa ra các khuyến nghị của riêng họ nữa. Đó là những thông tin trên thực tế giúp ích cho cuộc họp diễn ra sắp tới”.

Ông Gomez cho biết rằng mục đích cuối cùng của hoạt động kiểm điểm này này là ‘thúc đẩy các tiến bộ tích cực về nhân quyền ở Việt Nam’.

Luật sư Hà Huy Sơn, người từng bào chữa cho các bị cáo trong các vụ án được coi là mang tính chính trị, hiện cũng có mặt ở Geneve theo lời mời của đoàn luật sư Na Uy để tham dự một hội thảo của các tổ chức phi chính phủ.

Ông Sơn nói với VOA Việt Ngữ:

“Người ta có hỏi tôi về thực tế nghề nghiệp của tôi ở Việt Nam và người ta hỏi về các tội danh mà tôi đã bảo vệ cho các bị cáo ở Việt Nam như là theo điều 79 [âm mưu lật đổ chế độ] hay điều 88 [tuyên truyền chống nhà nước]. Tôi nói cho họ biết là cái quy định hiện nay của pháp luật hình sự của Việt Nam và tố tụng hình sự đối với hai điều luật đó như thế nào, và những thuận lợi và khó khăn trong công việc luật sư của tôi”.

Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc năm ngoái, và giới bất đồng chính kiến cho rằng Việt Nam phải chứng tỏ trách nhiệm của mình khi là một phần của Hội đồng này bằng cách ngưng xách nhiễu những tiếng nói trái chiều với nhà nước.

Trong khi đó, trả lời báo chí trong nước hôm 2/2, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cho rằng ‘có những thế lực, những người luôn tìm cách để chỉ trích chính phủ [Việt Nam] vì những mục tiêu khác nhau’.

Ông Minh cũng cho biết rằng Hà Nội đã đáp ứng trên 80% trong số 123 khuyến nghị mà các nước đưa ra trong cuộc kiểm điểm năm 2009.

Theo Phát ngôn viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, hơn 193 quốc gia cũng phải trải qua tiến trình kiểm điểm điểm UPR.

Ông nói với VOA Việt Ngữ rằng ‘đôi khi cũng có những nước từ chối các khuyến nghị của các quốc gia khác, hoặc không thực thi những thay đổi mà họ đã cam kết thực hiện’.

“Đó là những diễn biến không hay, và vì thế, việc xem xét lại tình hình nhân quyền ở một nước nào đó vô cùng quan trọng. Chúng tôi luôn hy vọng sẽ có những sự cải thiện nào đó, và chính vì lẽ đó, chúng tôi mới tiến hành các cuộc kiểm định để soi rọi tình hình nhân quyền để họ không thể chối bỏ trách nhiệm cũng hay bỏ ngoài tai vấn đề đó”.

Ông Gomez nói thêm rằng kết quả sau cuộc kiểm điểm nhân quyền ‘có thể không tức thời, và không làm hài lòng mọi phía, nhưng điều quan trọng là phải tiếp tục soi rọi vào vấn đề nhân quyền’.

VOA Express

XS
SM
MD
LG