Cô Thạch Thị Hồng Ngọc, 20 tuổi, bị người chồng có vấn đề về tâm thần sát hại hồi đầu tháng 7, chỉ 8 ngày sau khi đặt chân đến Nam Triều Tiên.
Theo báo Korea Times, đôi vợ chồng này gặp nhau qua một công ty mai mối hôm 7/2. Và cô gái này quyết định cưới người chồng hơn cô 27 tuổi ngày hôm sau với hy vọng thực hiện “Giấc mơ Hàn Quốc” bất chấp khoảng cách tuổi tác.
Cũng theo báo này thì trước khi sang Nam Triều Tiên, cô Ngọc không hề biết một từ tiếng Hàn nào và cũng không hay biết rằng người chồng này có tiền sử bệnh tâm thần và đã từng tấn công bố mẹ ruột của chính mình cách đây 5 năm.
Vụ việc của cô Ngọc không phải là bi kịch đầu tiên và duy nhất từ trước tới nay đối với các cô dâu Việt lấy chồng nước ngoài, đặc biệt là qua con đường môi giới hôn nhân. Hồi tháng 6 năm 2007, báo điện tử VNexpress trích tin của đài truyền hình Nam Triều Tiên KBS đưa tin cô dâu Huỳnh Mai được tìm thấy đã chết trong tầng hầm căn nhà của chồng sau 8 ngày bị giết với 18 chiếc xương sườn bị gãy. Sau đó tháng 2/2008, cô dâu Trần Thanh Lan (22 tuổi) cũng nhảy lầu tự tử sau 25 ngày theo chồng đến Nam Triều Tiên.
Theo nhà văn, nhà báo Trang Hạ, người đã có nhiều năm làm việc trong các dự án di dân tại Đài Loan, và từng tiếp xúc với những bi kịch của các cô dâu Việt lấy chồng ngoại quốc, thì những gì dẫn tới những bi kịch này là hoàn toàn có thể ngăn chặn ngay từ đầu, từ lúc những cô dâu này còn ở Việt Nam. Chị cho rằng các cơ quan hữu quan, không chỉ riêng cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam mà cả cơ quan hữu trách ở nước tiếp nhận phải có những hành động hỗ trợ các cô dâu giai đoạn tiền hôn nhân cũng như sau khi họ đã kết hôn.
“Cần hỗ trợ cho họ những thông tin để họ biết là khi cần giúp đỡ thì họ gọi điện cho ai, chứ đừng chỉ gọi điện về cho bố, mẹ ở Việt Nam và có thể tìm đến lãnh sự quán hay đại sứ quán Việt Nam ở đâu tại nước ngoài, theo số điện thoại, đường dây nóng nào, họ sẽ gặp những nguy cơ nào khi kết hôn ở nước ngoài. Đó là một khoảng trống mà chúng ta còn đang để ngỏ, tôi không chỉ nói về cô dâu lấy chồng Hàn Quốc mà các cô dâu lấy chồng ở nước khác cũng như vậy.”
Thêm vào đó, nhà văn Trang Hạ cũng cho rằng những chú rể người nước ngoài cũng cần được tập huấn trước khi kết hôn với các cô dâu người Việt.
“Một điều rất quan trọng mà có nhiều người không để ý đến là có rất nhiều người Việt Nam đã đặt gánh nặng lên vai cô dâu Việt Nam mà không hiểu rằng khi đòi hỏi cô dâu phải có nhận thức, có cân nhắc, phải có trách nhiệm xã hội, thì họ không nghĩ rằng chú rể người nước ngoài cũng cần phải được tập huấn. Ví dụ như chú rể nước ngoài cũng buộc phải biết tiếng Việt trình độ A, trước khi cơ quan quản lý của Việt Nam cấp giấy chứng nhận kết hôn cho họ, hoặc cơ quan tư pháp đồng ý với bộ hồ sơ của họ đưa lên. Hoặc chú rể người nước ngoài cũng buộc phải có chứng chỉ về văn hóa, về tập quán hoặc những phải có hiểu biết sơ đẳng về văn hóa và về cô dâu Việt Nam trước khi kết hôn. Tôi nghĩ rằng còn rất nhiều điều chúng ta đã bỏ qua trước khi cô dâu Việt Nam tiến tới bi kịch của mình. Tôi cho rằng nếu không làm tốt công tác xã hội với mỗi người con gái Việt Nam thì bi kịch nó vẫn tiếp tục xảy ra chứ nó không dừng lại ở cái chết của cô Thạch Thị Hồng Ngọc.”
Nói thêm về lĩnh vực quản lý nhà nước đối với vấn đề hôn nhân với người nước ngoài của các cô dâu Việt, nhà văn Trang Hạ cho rằng có những lĩnh vực mà các cơ quan quản lý nhà nước ở Việt Nam không thể chạm tay tới được, bởi có những vấn đề được coi là cực kỳ nhạy cảm. Chị lấy ví dụ về việc một dự án đã được một văn phòng đại diện nước ngoài ở Việt Nam hỗ trợ, trong đó cho phép một tổ chức của Việt Nam mà chị làm đại diện tập huấn cho các cô dâu Việt Nam để lấy chứng chỉ trước khi họ được cấp thị thực để theo chồng sang định cư ở nước ngoài, đã vấp phải sự phản đối từ bên ngoài.
“Cái việc đó đối với người Việt Nam thì nó rất tốt đối với cô dâu và nó là cách để bảo vệ các cô, đưa các cô thêm thông tin và cho các cô thêm nhiều sức mạnh, thế nhưng lập tức gặp phải những tiếng nói bất lợi từ nước ngoài hoặc từ phía Việt Kiều. Họ cho rằng nếu vậy thì bên Việt Nam khuyến khích những cô dâu Việt Nam ra lấy chồng nước ngoài, rồi cái tổ chức dân sự của Trang Hạ nó đang muốn lũng đoạn cái thị trường cô dâu Việt Nam lấy chồng tại lãnh thổ đó. Đó là điều rất bất lợi, là tiếng nói đi ngược lại cái mong muốn của những nhà quản lý, cũng như là đi ngược lại quyền lợi của cô dâu. Họ phản đối dưới mác là nhân quyền, nhưng thực ra là họ không xem xét đến cái thực tế và quyền lợi của cô dâu.”
Báo chí Nam Triều đưa tin sau vụ cô Ngọc bị giết hại cảnh sát nước này đã bắt đầu chiến dịch truy quét các trung tâm môi giới hôn nhân bất hợp pháp trên toàn quốc. Bộ Bình đẳng giới và Gia đình cũng sẽ buộc những người đàn ông Hàn Quốc muốn lấy vợ nước ngoài phải qua một lớp giáo dục về hôn nhân với người nước ngoài. Nhà văn Trang Hạ cho rằng việc Nam Triều Tiên siết chặt các tổ chức môi giới chỉ là một hình thức đối phó, chứ không phải là biện pháp thiết thực, và họ chỉ mạnh tay với các tổ chức có vấn đề hay không có giấy phép hợp pháp, còn thực chất thì chính sách dành cho các cô dâu người nước ngoài không thay đổi nhiều.
Trong khi đó, trả lời đài VOA qua một người thông dịch viên, bà Kang Sunghae, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khẩn cấp cho Phụ nữ Nhập cư ở Nam Triều Tiên, thừa nhận rằng những biện pháp và luật lệ mới được đưa ra sau cái chết của cô Hồng Ngọc có thể xem là khá trễ. Tuy nhiên, bà nói rằng trước đó chính phủ Nam Triều Tiên đã có những luật lệ nhằm bảo vệ các cô dâu nhập cư.
“Chính phủ của chúng tôi, từ năm 2004, đã có những chính sách về vấn đề bảo hộ cho người nhập cư nước ngoài, bảo hộ cho những người phụ nữ di cư, và chúng tôi cũng không ngừng nỗ lực để thực hiện chuyện bảo hộ và đặt ra những chính sách dành cho các chị em phụ nữ di cư. Đồng thời, chính phủ chúng tôi cũng đặt ra luật để quản lý trung tâm môi giới, và chúng tôi cũng luôn cố gắng để thực hiện tốt những luật đó.”
Bà Kang cũng cho rằng ngoài việc chính phủ và giới hữu trách Nam Triều Tiên nỗ lực trong việc quản lý các công ty môi giới hôn nhân, thì chính phủ và giới hữu trách Việt Nam cũng cần có hành động mạnh hơn để xử lý những người môi giới hôn nhân bất hợp pháp ở Việt Nam.
“Đương nhiên là vấn đề của những công ty môi giới ở Hàn Quốc đã là một vấn đề, tuy nhiên những công ty môi giới ở Việt Nam hoạt động bất hợp pháp cũng gây nên những vấn đề nghiêm trọng không kém. Chúng tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam nên có biện pháp gì đó để quản lý những người môi giới bất hợp pháp. Đồng thời chúng tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam nên dành cơ hội cho những chị em Việt Nam muốn kết hôn quốc tế nhận được sự giáo dục về tiền hôn nhân, biết về nơi mình sắp đến, cũng như biết đến những gia đình và văn hóa của đất nước đó. Chính phủ chúng tôi cũng mong rằng chính phủ Việt Nam sẽ cùng chính phủ Hàn Quốc để giúp đỡ các phụ nữ nhập cư từ đầu cho đến cuối và tạo ra những chính sách kết hợp giữa đôi bên thì sẽ rất tốt.”
Còn nhà văn Trang Hạ nói rằng chị mong muốn có một cơ chế nào đó để hỗ trợ cho các cô gái của Việt Nam trước khi họ đi lấy chồng Nam Triều Tiên, thậm chí trước khi họ 18 tuổi.
“Khi mà họ còn ngồi trên ghế nhà trường thì cái thông tin đưa cho họ nó sẽ nhiều hơn một chút và nó sẽ gần hơn với đời sống hơn một chút, chứ nó đừng có chỉ là phim truyền hình Hàn Quốc lộng lẫy và lãng mạn trên TV. Ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc được nhiệt liệt chào đón tại sân bay Tân Sân Nhất, hoặc là những mẫu thời trang Hàn Quốc, màu son, rồi sơn móng tay, đó là những thứ mà nó dẫn dụ người ta và nó làm cho người ta quên mất là cái chờ đợi người ta trong cuộc sống tương lai nơi xa xôi đấy nó hoàn toàn không phải là những thứ xa xỉ.”
Vấn đề hôn nhân với người nước ngoài gần đây lại khiến dư luận Việt Nam xôn xao sau vụ việc cô dâu Thạch Thị Hồng Ngọc bị người chồng Nam Triều Tiên giết hại. Điều đáng nói là đây không phải lần đầu tiên bi kịch xảy đến với những cô dâu Việt Nam lấy chồng ngoại quốc, có ý kiến cho rằng những gì dẫn tới những bi kịch này là hoàn toàn có thể ngăn chặn ngay từ đầu, từ lúc những cô dâu này còn ở Việt Nam.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1