Trong thập niên 1970, chỉ có chừng 1/3 các cặp vợ chồng người Mỹ đã từng sống chung trước khi chính thức kết hôn. Đây là những người không có niềm tin vào truyền thống, và đó là thời kỳ của phong trào Hippie. Do đó, những cuộc hôn nhân này, theo nhà xã hội học Pamela Smock củaTrung Tâm Nghiên Cứu Dân Số thuộc đại học Michigan tại Ann Arbor, dễ đi đến đổ vỡ.
Ngày nay khi khuynh hướng sống chung mà chưa đi đến hôn nhân trở nên rất phổ thông ở nước Mỹ, liên hệ giữa việc chung sống trước hôn nhân với ly dị ngày càng bớt đi. Trong khi các tín đồ bảo thủ của Ki Tô giáo và Do Thái giáo chính thống vẫn còn mang nặng thành kiến về chuyện chung sống trước hôn nhân thì ngày nay có đến 2/3 các cặp vợ chồng đã sống chung với nhau trước khi chính thức đi đến hôn nhân.
Trong thập niên 1970, động lực khiến các cặp dọn vào chung sống với nhau trước hôn nhân có thể là quan niệm tự do luyến ái.
Thế nhưng ngày nay, trong thời buổi kinh tế khó khăn, mức thất nghiệp cao, và tỉ lệ nghèo khó ngày càng tăng, người ta có thể cho rằng động lực chính là tiền bạc, chứ không phải tình cảm lãng mạn, đã đưa đẩy các cặp trai gái dọn vào chung sống với nhau.
Căn cứ trên những con số thống kê, trong năm 2008 có 59% các cặp sống chung cho biết cả hai đều có công ăn việc làm. Đến năm 2010 tỉ lệ này chỉ còn 49%, dựa trên những phân tích dữ kiện của chuyên gia dân số học của Văn Phòng Thống Kê Hoa Kỳ Rose Kreider.
Do đó tiền bạc có phần chắc sẽ đóng vai trò quan trọng trong viễn ảnh tương lai của những cặp này.
Tình trạng của nhiều cặp dọn vào sống với nhau trong thời kỳ kinh tế suy thoái không mấy lạc quan, và có lẽ sẽ không đi đến hôn nhân bởi vì lợi tức càng thấp thì người ta càng ít có khuynh hướng bước ra khỏi tình trạng sống chung để tiến tới hôn nhân chính thức. Và theo cuộc khảo cứu của các chuyên gia Pamela Smock, đại học Michigan và chuyên gia Wendy Manning, phó giám đốc Trung tâm Nghiên Cứu Dân Số và Gia Đình của đại học Ohio tại Bowling Green, ngay cả những cặp đã kết hôn sau khi chung sống nhưng nếu có lợi tức thấp vẫn có nhiều cơ nguy ly dị hơn.
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, những áp lực tài chính cũng có thể làm người ta ít dám bạo dạn đi đến hôn nhân.
Vào thời kỳ đại suy thoái kinh tế trong thập niên 1930, khi mà sống chung không cưới hỏi còn là một điều cấm kỵ, mức độ hôn nhân lẫn ly dị đều giảm thấp. Theo chuyên gia xã hội học Andrew Cherlin thuộc đại học Johns Hopkins thì trong khi hình kinh tế đi xuống, người ta có khuynh hướng để nguyên trạng. Hiện nay tỉ lệ ly dị đang ở mức thấp nhất kể từ đầu thập niên 1970. Và ngay cả khi tình hình kinh tế khó khăn, con số các cặp quyết định dọn vào chung sống với nhau nhiều hơn, thì con số những vụ kết hôn đã giảm từ lâu nay lại càng giảm nhanh hơn nữa.
Tuổi kết hôn lần đầu tại Hoa Kỳ lên cao tới mức kỷ lục là 28 cho phái nam và 26 cho phái nữ, hầu hết các cặp dọn vào chung sống với nhau vẫn ước mong sẽ đi đến hôn nhân. Tại nhiều nơi trên thế giớ như ở các nước vùng Scandinavia, sống chung như vậy được coi là điều thay thế cho hôn nhân. Tuy nhiên đối với đa số người Mỹ, thì "sống chung là điều chấp nhận được, nhưng chỉ là một dàn xếp tạm thời mà thôi." Theo chuyên gia Cherlin của đại học Johns Hopkins thì "nhiều cặp sống chung lâm vào tình trạng khó xử, kết hôn thì không muốn, mà bỏ nhau cũng không đành."
Và dĩ nhiên cưới hỏi cũng có một cái giá phải trả. Nhiều cặp viện lý do thiếu tiền và triển vọng công ăn việc làm không khá, nhất là phía nam giới, như một trở lực ngăn cản họ tiến tới hôn nhân. Nhiều người lo toan thật kỹ, sắp xếp đâu vào đấy, đến khi an toàn về mặt tài chính rồi mới tính đến chuyện lập gia đình. Thế rồi tổ chức một cái đám cưới nho nhỏ, ít nhất cũng phải mất 5 ngàn đô la. Có những người muốn làm rình rang hơn thì trung bình là 20 ngàn đô la.
Mặc dù thông thường thì cả vợ lẫn chồng đều chung góp tiền bạc lo cho gia đình, nhưng cả phái nam lẫn nữ đều quan niệm rằng người chồng phải có khả năng lo cho vợ con đầy đủ về tài chính.
Theo nhà xã hội học Pamela Smock thì dường như truyền thống văn hóa vẫn khiến cho những người trẻ đã đến tuổi trưởng thành trông đợi rằng người đàn ông phải là người đi kiếm sống nuôi gia đình. Vì vậy nhiều cặp khó mà hiểu nổi cái điều lý tưởng đó khi mà 24% người đàn ông trong các cặp bắt đầu sống chung vào năm nay đã không có việc làm trong năm ngoái, so với 14% những người đàn ông bắt đầu ở chung với bạn gái năm 2009 không có việc làm trong năm trước đó.
Và dĩ nhiên, tiền bạc bẩn chật cũng sinh ra nhiều áp lực cho đời sống. Ông Mark Regnerus, một chuyên gia về xã hội học thuộc đại học Texas, tác giả cuốn sách sắp ra mắt độc giả tựa đề: "Premarital Sex in America" nói rằng "nếu dọn vào chung sống với nhau vì một người thất nghiệp thì sẽ dẫn đến xung khắc." Ông cho biết nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ vì chuyện cãi cọ vì tiền bạc. Ông cảnh báo nếu như khó khăn tài chính đã đưa đẩy các cặp nam nữ dọn vào ở chung với nhau thì mối quan hệ giữa hai người có thể lại càng dễ đổ vỡ hơn.
Nhưng thưa quí thính, nói thế nào thì nói, đối với các bạn trẻ ở Mỹ, chung sống với bạn trai hay bạn gái xem ra vẫn hấp dẫn hơn là nếu kẹt quá phải dọn về ở với bố mẹ. Ấy vậy mà vẫn có khối người tại Hoa Kỳ hiện nay phải chọn con đường đó.
Tại Hoa Kỳ, trước đây người ta thường cho rằng những cuộc hôn nhân đến sau khi các cặp trai gái đã chung sống thường đi tới chỗ đổ vỡ. Tuy nhiên khuynh hướng sống chung dưới một mái nhà giữa hai người khác phái trước khi kết hôn ngày càng phổ thông hơn, và theo các nhà xã hội học thì tỉ lệ đổ vỡ của các cặp như vậy so với thời trước nay đã thay đổi. Trong bài viết tuần này, chúng tôi sẽ đề cập đến triển vọng bền vững của các cặp kết hôn sau khi đã sống chung, và trong thời buổi bây giờ, những lý do nào đã khiến nhiều cặp quyết định dọn vào chung sống trong khi chưa quyết định sẽ đi đến hôn nhân hay không. Sau đây là Lan Phương với Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này.