VOA: Được biết trong số những người phụ nữ gọi điện thoại đến xin tư vấn và trợ giúp, phụ nữ Việt Nam chiếm nhiều nhất với 40% so với 28,3% số phụ nữ Trung Quốc, theo bà vì sao phụ nữ Việt Nam lại cần hỗ trợ nhiều nhất, có phải bởi vì trong số những phụ nữ nước ngoài lấy chồng người Nam Triều Tiên, phụ nữ Việt Nam chiếm đa số hay không? hay vì lý do nào khác, thưa bà?
Giám đốc Kang: Hiện tại có khoảng 30.000 cô dâu Việt Nam sống ở Nam Triều Tiên, họ chiếm vị trí thứ hai trong số những người phụ nữ nước ngoài lấy chồng người Nam Triều Tiên, sau phụ nữ Trung Quốc, gồm cả những người Trung Quốc là cư dân ở đây. Trong trường hợp phụ nữ Trung Quốc thì họ quen thuộc hơn với văn hóa và phong tục của Nam Triều Tiên với sự giúp đỡ của các cư dân Trung Quốc đã sống ở đây từ lâu nay, những người có thể nói tiếng Nam Triều Tiên và hiểu rõ về đất nước Nam Triều Tiên. Những người phụ nữ Việt Nam này chủ yếu gặp phải vấn đề về ngôn ngữ và quan hệ trong gia đình, và họ nhờ trung tâm giúp đỡ, nhiều người trong số họ cũng đã có thông tin về trung tâm của chúng tôi trước khi họ sang đây sinh sống.
VOA: Trong số những người phụ nữ Việt Nam gọi điện thoại hay đến trung tâm nhờ tư vấn, họ thường gặp phải những vấn đề gì thưa bà?
Giám đốc Kang: Khoảng cách tuổi tác giữa những người chồng Nam Triều Tiên và các cô vợ Việt Nam là một vấn đề, đôi khi có những cặp vợ chồng chênh lệch khoảng trên 10 tuổi và thậm chí có khi tới 20 tuổi. Với khoảng cách chênh lệch quá lớn như vậy, nhiều ông chồng người Nam Triều Tiên thường cảm thấy lo lắng rằng liệu vợ họ có chung sống với họ mãi mãi hay sẽ tìm cách ly dị, trong khi các cô vợ Việt Nam thì phải chịu áp lực vừa làm vợ vừa làm con dâu trong gia đình. Mâu thuẫn trong gia đình thường nảy sinh khi các cô vợ cảm thấy lẻ loi và nghĩ rằng họ thường xuyên bị xét nét quá mức.
Những mâu thuẫn như vậy và tình trạng bạo hành trong gia đình thường xảy ra khi cả hai bên đều khăng khăng bảo vệ lý lẽ của mình trong khi họ lại gặp rắc rối trong vấn đề giao tiếp bằng ngôn ngữ. Trong trường hợp như vậy, các cô vợ thường quyết định ly dị hoặc bỏ trốn khỏi nhà.
VOA: Và trung tâm có thể hỗ trợ như thế nào cho họ?
Giám đốc Kang: Trong những trường hợp mâu thuẫn đơn giản, trung tâm của chúng tôi sẽ tư vấn và tìm cách giải quyết những sự hiểu lầm của họ thông qua các thông dịch viên. Trong những trường hợp nghiêm trọng như bạo hành gia đình thì chúng tôi giới thiệu họ tới các cơ sở bảo vệ nạn nhân bị bạo hành và họ sẽ được những trung tâm đó bảo vệ. Chúng tôi cũng tư vấn cho họ về mặt luật pháp và luật di trú. Còn những trường hợp ly dị, chúng tôi giúp họ dịch hồ sơ, thông dịch cho họ tại tòa án để họ không bị phân biệt đối xử. Chúng tôi cũng tư vấn cho họ về các vấn đề phúc lợi xã hội khi cần thiết.
VOA: Nếu sau khi tư vấn mà họ vẫn không giải quyết được những vấn đề đó, họ nên làm gì, trung tâm có biện pháp can thiệp nào khác không thưa bà?
Giám đốc Kang: Đối với các nạn nhân bị bạo hành, chúng tôi hỗ trợ cho họ về mặt luật pháp, chăm sóc y tế và các hỗ trợ khác có liên quan đến di trú theo nhu cầu của họ. Trong các trường hợp khác chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn và phiên dịch, tuy nhiên chúng tôi luôn tôn trọng nguyện vọng của từng cá nhân đối với các vấn đề nhạy cảm. Đối với những phụ nữ không muốn tiếp tục cuộc sống hôn nhân mà không có lý do cụ thể ngay sau khi họ đặt chân tới đây thì chúng tôi chỉ cung cấp dịch vụ dịch thuật mà thôi. Chúng tôi cảm thấy khó có thể cung cấp thêm các dịch vụ khác trong những trường hợp như vậy.
VOA: Qua gần 4 năm hoạt động, bà có thể cho biết trung tâm đã đạt được những kết quả gì?
Giám đốc Kang: Trước hết, chúng tôi tự hào là chúng tôi đã huấn luyện và đã cung cấp nhiều chuyên gia tư vấn để giúp những phụ nữ nhập cư này. Những hoạt động của chúng tôi đã khiến cho vấn đề về hôn nhân với người nước ngoài được xã hội chú ý tới và chúng tôi đã trình lên Bộ Bình đẳng Giới và các cơ quan khác nhiều khuyến nghị về chính sách về vấn đề này. Trong năm 2009, Bộ đã có những hỗ trợ cụ thể cho 19 cơ sở chuyên trách vấn đề bảo vệ những người nhập cư qua con đường hôn nhân. Chúng tôi cũng đã đề xuất thành lập các trung tâm tự hỗ trợ cho những người ly dị và các biện pháp cải thiện những qui định có liên quan đến di trú, phúc lợi xã hội và điều kiện sống nói chung.
VOA: Như bà đã biết ngày càng có nhiều cô gái trẻ Việt Nam lấy chồng người nước ngoài, phần lớn là người Đài Loan, Trung Quốc và Nam Triều Tiên. Nhiều phụ nữ trong số họ sinh ra và lớn lên trong những gia đình nghèo, vì vậy họ muốn có một cuộc sống vật chất khá hơn, và điều quan trọng hơn nữa là họ muốn có tiền để gửi về phụ giúp cha mẹ, nhiều người cũng muốn giúp cha mẹ trả nợ v.v... Tuy nhiên, rất nhiều phụ nữ Việt Nam lấy chồng là những người nông dân Nam Triều Tiên và nhiều khi họ có thể sẽ không đạt được ước muốn đó của mình, thậm chí nhiều cuộc hôn nhân đã đổ vỡ, vậy bà có lời khuyên gì cho các phụ nữ Việt Nam muốn lấy chồng Nam Triều Tiên hoặc sắp lấy chồng người Nam Triều Tiên, và họ nên biết những thực tế gì trước khi đi đến quyết định kết hôn?
Giám đốc Kang: Đúng là có nhiều người đàn ông ở khu vực nông thôn khó có thể kết hôn với người bản địa, tuy nhiên thực tế là có nhiều ông ở thành thị lấy vợ ngoại quốc hơn, hoặc là những người đàn ông ly dị cũng lấy vợ nước ngoài. Nhiều phụ nữ Việt Nam quá sốt sắng trong việc kiếm tiền và muốn có việc làm ngay khi đặt chân tới đây, chính sự nôn nóng của họ làm nảy sinh rắc rối với chồng họ cũng như gia đình nhà chồng. Rất nhiều phụ nữ Việt Nam cũng không tìm hiểu kỹ vấn đề hôn nhân với người nước ngoài một cách nghiêm túc trước khi lấy chồng thông qua các dịch vụ mai mối, và khi cuộc hôn nhân không như những gì họ mường tượng trước đó thì họ quyết định ly dị ngay. Trong những trường hợp đó, các gia đình Nam Triều Tiên cũng gặp không ít khó khăn.
Bất cứ cuộc hôn nhân nào cũng cần phải được cân nhắc một cách nghiêm túc và đối với những cuộc hôn nhân với người nước ngoài thì còn có nhiều vấn đề liên quan hơn là những cuộc hôn nhân giữa những người cùng sắc tộc. Hơn nữa, có rất nhiều đàn ông Nam Triều Tiên gặp khó khăn về kinh tế, vì vậy sẽ rất mạo hiểm nếu tin tưởng vào tất cả những điều mà các công ty mai mối nói về họ. Sẽ rất sai lầm nếu ai đó nghĩ rằng hôn nhân với người Nam Triều Tiên sẽ tốt đẹp chỉ bởi vì nhiều người Nam Triều Tiên khác có cuộc sống hạnh phúc sau khi kết hôn. Những người phụ nữ Việt Nam nên cân nhắc một cách kỹ càng và nghiêm túc trước khi đi đến quyết định hôn nhân và họ cũng nên lưu ý một điều là 30% số các cuộc hôn nhân với người nước ngoài đổ vỡ.
Để có thể hòa nhập với cuộc sống ở nước ngoài, ta nên chấp nhận phong tục và văn hóa của nước đó. Ta nên chuẩn bị kỹ càng trước khi sang định cư ở nước ngoài và đặc biệt là khi kết hôn với người nước ngoài thì cần phải suy nghĩ và quyết định hết sức cẩn thận.
Cảm ơn bà Kang và những hoạt động hỗ trợ của trung tâm của bà đối với những phụ nữ Việt Nam sinh sống ở Nam Triều Tiên. Các chị em nữ đang sinh sống ở Nam Triều Tiên muốn được tư vấn về vấn đề hôn nhân có thể gọi điện thoại tới Trung tâm Hỗ trợ Khẩn cấp cho Phụ nữ Nhập cư (Emergency Support Center for Migrant Women) ở số máy: 1577-1366
Được thành lập vào năm 2006, Trung tâm Hỗ trợ Khẩn cấp cho Phụ nữ Nhập cư ở Nam Triều Tiên cung cấp dịch vụ tư vấn bằng 9 ngôn ngữ, gồm cả tiếng Việt, tại 4 chi nhánh trên khắp cả nước cho những người phụ nữ nước ngoài lấy chồng người Nam Triều Tiên. Trong năm 2009, số phụ nữ Việt Nam gọi điện thoại tới trung tâm xin tư vấn đã gia tăng và chiếm phần lớn số cuộc gọi tới trung tâm. Minh Anh đã có cuộc trao đổi với giám đốc trung tâm, bà Kang Sunghae, về vấn đề này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1