Chương trình hỏa tiễn, phi đạn của Bắc Triều Tiên
Chương trình hỏa tiễn, phi đạn của Bắc Triều TiênTháng 8, 1998: Phóng thử nghiệm Taepodong-1, hỏa tiễn tầm xa đầu tiên, trên không phận Nhật Bản trong khuôn khổ vụ “phóng vệ tinh” thất bại.
Tháng 9, 1999: Cam kết ngưng các cuộc thử nghiệm phi đạn tầm xa trong khi cải thiện bang giao với Hoa Kỳ.
Tháng 3, 2005: Chấm dứt lệnh cấm thử nghiệm phi đạn, đổ lỗi cho chính sách “thù địch” của Hoa Kỳ.
5 tháng 7, 2006: Phóng thử nghiệm 7 phi đạn đạn đạo, trong đó có phi đạn tầm xa Taepodong-2, thất bại chưa đầy 1 phút sau khi phóng.
15 tháng 7, 2006: Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chấp thuận. Nghị quyết 1965, yêu cầu Bình Nhưỡng đình chỉ chương trình phi đạn.
6 tháng 10, 2006: Thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất lần đầu tiên.
15 tháng 10, 2006: Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết 1718 y êu cầu đình chỉ các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phi đạn, cấm bán vũ khí.
5 tháng 4, 2009: Phóng hỏa tiễn tầm xa, rơi xuống Thái Bình Dương. Tuyên bố là thành công, nhưng Hoa Kỳ nói không có vệ tinh nào được đưa vào quỹ đạo.
13 tháng 4, 2009: Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án vụ phóng, siết chặt các biện pháp chế tài.
Tháng 5, 2009: Thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân thứ nhì dưới mặt đất.
Tháng 6, 2009: Loan báo lệnh cấm các chương trình hạt nhân và phi đạn tầm xa để đổi lấy viện trợ lương thực của Hoa Kỳ.
Tháng 4, 2012: Phóng hỏa tiễn tầm xa, bị nổ tung ngay sau khi cất cánh. Thừa nhận thất bại.
Tháng 12, 2012: Phóng hỏa tiễn Unha-3, và tuyên bố đưa vệ tinh vào quỹ đạo thành công.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên Kim Min-Seok, hôm nay nói rằng Seoul chưa biết là vệ tinh này đang thực hiện sứ mạng gì. Nhưng ông cũng lên án vụ phóng là một cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo trá hình.
Ông Kim nói Bắc Triều Tiên đã phóng vệ tinh đi, nhưng lẽ dĩ nhiên, Nam Triều Tiên coi đây là một phần nằm trong một tiến trình có mục đích phát triển một phi đạn đạn đạo tầm xa.
Lặp lại những quan ngại của cộng đồng quốc tế, ông Kim nói vụ phóng cũng cho thấy là Bắc Triều Tiên đang tiến gần hơn tới mục tiêu phát triển công nghệ đòi hỏi để có thể phóng một phi đạn đạn đạo liên lục địa. Bình Nhưỡng nói họ chỉ có mục đích đưa lên quỹ đạo một vệ tinh theo dõi thời tiết mà thôi.
Liên hiệp quốc lên án vụ phóng của Bắc Triều Tiên hôm qua, cho rằng đây là một sự vi phạm các biện pháp cấm vận, cấm Bình Nhưỡng thực hiện các cuộc thử nghiệm phi đạn hay hạt nhân.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc Susan Rice nói Bắc Triều Tiên sẽ phải gánh chịu “những hậu quả” cho hành động của mình.
Giới phân tích nói vụ phóng hỏa tiễn tầm xa thành công của Bắc Triều Tiên là một thành quả quan trọng đối với một nước từ lâu đã muốn thủ đắc khả năng tấn công Bắc Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên họ nói Bình Nhưỡng sẽ phải thực hiện nhiều bước tiến kỹ thuật lớn trước khi mối đe dọa đó trở thành hiện thực.
Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên hôm nay thừa nhận rằng vụ phóng đã thành công trong sứ mạng đưa một vệ tinh vào không gian, mặc dù Bộ không xác định được liệu vệ tinh ấy có hoạt động hay không.
Ông Kim nói vệ tinh này nặng cỡ 100 kg, nhẹ hơn nhiều so với một vệ tinh mang đầu đạn hạt nhân.
Ông Kim nói một đầu đạn hạt nhân nặng khoảng 650 kg. Nếu muốn có khả năng toàn diện để phóng đi một phi đạn đạn đạo liên lục địa, Bắc Triều Tiên cần có thêm nhiều nỗ lực hơn nữa để có thể tăng trọng lượng mà phi đạn có thể chuyên chở.
Ông Ralph Cossa, Giám đốc Diễn Đàn Thái bình dương, có trụ sở ở Hawaii, nói với Đài VOA rằng một thách thức khác mà Bắc Triều Tiên phải đương đầu, là làm thế nào chế tạo một vũ khí hạt nhân đủ nhỏ để có thể được gắn vào phi đạn. Ông nói muốn làm việc này, cần phải thử nghiệm nhiều lần.
Ông Michael McKinly, một chuyên gia về an ninh Châu Á thuộc Đại học Quốc gia Australia, nói với Đài VOA rằng kích thước của đầu đạn hạt nhân không phải là vấn đề duy nhất đang giới hạn Bắc Triều Tiên. Ông nói dù cho Bình nhưỡng có thể phóng một hỏa tiễn vào không gian, điều đó không có nghĩa là họ đã tìm ra cách làm cho hỏa tiễn ấy đánh trúng một mục tiêu trên địa cầu.
Ông Mc Kinley nói ông không dự kiến Bắc Triều Tiên sẽ đạt tiến bộ trong các lĩnh vực vừa kể.
Nhiều nhà phân tích, kể cả ông McKinly, đồng ý rằng dù cho Bắc Triều Tiên có khả năng đe dọa Hoa Kỳ bằng phi đạn đạn đạo tầm xa, khó có thể xảy ra chuyện Bắc Triều Tiên sử dụng phi đạn đó.
Nhưng trong bất cứ tình huống nào, Hoa Kỳ cũng có khả năng chặn phi đạn của Bắc Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta hôm qua nói với CNN rằng ông tự tin là Hoa Kỳ có thể sử dụng “hệ thống phòng thủ phi đạn kiên cố” của Mỹ để làm việc này.