Đường dẫn truy cập

Làm sao đủ vaccine cho thế giới?


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Tổng thống Joe Biden ủng hộ việc miễn thứ tác quyền của các nhà sản xuất thuốc vaccine ngừa bệnh Covid-19 có thể là một nước cờ ngoại giao khéo léo; nhưng khó đưa tới kết quả nào.

Cộng Hòa Nam Phi và Ấn Độ đã đề nghị Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO) buộc các công ty chế tạo vaccine cho phép các nhà sản xuất thuốc ở các nước nghèo làm thuốc ngừa mà không phải trả tiền cho công nghiên cứu và sáng chế, như thông lệ. Nếu được miễn thứ không phải trả tác quyền, các xí nghiệp dược phẩm ở các nước nghèo có thể được tự do chế thuốc chủng cung cấp cho người đồng hương. Các nước giàu cũng được lợi vì bớt phải lo đối phó với các biến thái mới của vi khuẩn Corona. Từ tháng Mười năm ngoái đề nghị miễn thứ tác quyền được nêu lên, một trăm nước nghèo lên tiếng ủng hộ nhưng chính phủ Mỹ lúc đó từ chối.

Nạn dịch Covid-19 bùng lên ở Ấn Độ đe dọa cả loài người, ai cũng thấy phải góp sức ngăn chặn càng sớm càng tốt. Vì khi nhiều người bị bệnh trong một thời gian lâu dài thì loài vi khuẩn thêm cơ hội biến thái, đó là lối sống tự nhiên của mọi thứ vi khuẩn. Những vi khuẩn mới dần dần sẽ lan khắp thế giới. Các công ty sản xuất cho biết thuốc chủng của họ vẫn công hiệu ngăn ngừa các biến thái; nhưng vi khuẩn Corona sẽ còn tiếp tục tự biến đổi không ngừng. Không biết đến bao giờ các vaccine và phương pháp trị bệnh chống lại vi khuẩn cũ sẽ hết hiệu lực đối với những biến thái mới.

Tổng thống Biden ủng hộ đề nghị miễn thứ để ngăn ngừa mối nguy đó. Nhưng không biết WTO có thể quyết định miễn thứ tác quyền bào chế của các công ty dược phẩm hay không. Nếu có quyết định rồi thì cũng không biết có mang lại kết quả tốt như những người có thiện ý chờ đợi hay không.

Những người hoan nghênh biện pháp miễn thứ tác quyền nghĩ rằng nếu được tự do bào chế thì nhiều người sẽ có thuốc chích ngừa hơn. Nhưng điều này không đúng. Việc bào chế vaccine không giản dị, miễn thứ tác quyền sẽ không mang lại kết quả nào đáng kể so với các giải pháp khác không vi phạm quyền tư hữu.

Hiện nay theo quy luật của WTO các quốc gia đã có quyền bắt các hãng bào chế phải cho phép các xí nghiệp nội địa của họ được sử dụng những sáng chế đắt tiền, hai bên thương thảo giá cả. Khó khăn lớn nhất trong việc sản xuất vaccine không phải vì lo tốn tiền trả tác quyền. Chướng ngại khó vượt qua nhất đối với các nhà sản xuất lớn Âu Mỹ là làm sao được cung cấp đủ nguyên liệu để chế thuốc.

Những phương pháp chế vaccine mới của các công ty BioNTech-Pfizer và Moderna sử dụng mRNA để kích thích hệ thống miễn nhiễm trong cơ thể cần đến các nguyên liệu hoàn toàn mới, không có sẵn trong thị trường. Họ phải đặt các nhà sản xuất khắp thế giới cung cấp, ngay việc thiết lập các nhà máy và đường dây tiếp liệu cũng không dễ, và mất nhiều thời gian. Các thuốc chủng này lại phải cất trong phòng cực lạnh, không phải công ty dược phẩm nào trên thế giới cũng sẵn.

AstraZeneca, một nhà sản xuất vaccine khác cũng đang lo ký hợp đồng với các công ty Ấn Độ và Thái Lan để sản xuất tại chỗ. Hai đại công ty GlaxoSmithKline và Sanofi không chế tạo thuốc ngừa cũng được các công ty khác mời tham dự việc sản xuất.

Công ty BioNTech ở Đức từ hàng chục năm qua đã nghiên cứu dùng mRNA (messenger - ribonucleic acid) để chế thuốc ngừa, cho biết rằng muốn làm được việc sản xuất thuốc cần có những khí cụ mới, các phương pháp mới, các chuyên viên kinh nghiệm mà việc huấn luyện mất rất nhiều thời giờ và tiền bạc. Trả tiền tác quyền là việc dễ dàng và ít tốn kém nhất. BioNTech và Pfizer đang đặt mục tiêu sản xuất 3 tỷ liều thuốc trong năm nay – cho một tỷ rưỡi người chích hai mũi. AstraZeneca đang hợp tác với 25 nhà sản xuất trong 15 quốc gia để cung cấp ba tỷ liều thuốc chủng. Trong năm nay, Moderna sẽ sản xuất từ 800 triệu đến một tỷ liều thuốc.

Nếu bản quyền sáng chế được miễn thứ, nhiều hãng bào chế ở Ấn Độ và Cộng Hòa Nam Phi sẽ sản xuất vaccine. Các công ty sẽ này chuyên môn làm các loại thuốc “generic” không cần trả bản quyền, họ sẽ đi mua nguyên liệu, cạnh tranh với những công ty lớn đang cung cấp các vaccine có hiệu quả. Việc sản xuất vaccine của họ sẽ bị xáo trộn trong khi các công ty mới bước vào sẽ cần thời gian để thiết lập hệ thống chế tạo thuốc chủng mới.

Công ty ReiThera ở Italy cũng thấy nếu tác quyền được miễn thứ, việc sản xuất vaccine khắp nơi sẽ bị trì hoãn, các nguyên liệu họ cần mua phải mất một năm mới tới tay. Công ty CureVac ở Đức đang thử nghiệm loại vaccine dùng mRNA, cho biết cuộc chạy đua mua nguyên liệu cho phương pháp bào chế mới này đang diễn ra.

Nếu chính phủ các nước và WTO quyết định bắt các công ty phải chuyển giao quyền sản xuất thuốc miễn phí thì họ sẽ đi ngược với một căn bản của kinh tế thị trường, là tôn trọng quyền sở hữu. Quyết định đó sẽ khiến các nhà bào chế dè dặt khi bỏ tiền nghiên cứu các loại thuốc mới, kể cả thuốc chủng ngừa. Thế giới sẽ không thể chứng kiến những sáng kiến như sử dụng mRNA, một cuộc cách mạng trong nghề chế thuốc chủng.

Khi các chính phủ và WTO xóa bỏ quyền tư hữu trên sản phẩm tri thức của các công ty bào chế thuốc thì không những họ sẽ bớt hăng hái nghiên cứu các thứ thuốc mới, mà tất cả các loại thuốc khác cũng bị đe dọa. Những thuốc insulin, thuốc trị bạo bệnh như ung thư có bị hy sinh sau các vaccine trị Covid-19 hay không?

Một hậu quả khác của quyết định miễn thứ là không biết các quốc gia nghèo và những công ty dược phẩm của họ có đủ khả năng chế thuốc và kiểm soát việc chế thuốc theo những tiêu chuẩn cần thiết ở các nước tiên tiến hay không. Hiện nay những công ty lớn với kinh nghiệm hàng trăm năm đã phải hết sức lo cho đủ khí cụ, nguyên liệu và công nhân thạo nghề. Ở Mỹ, một cơ xưởng của Johnson & Johnson ở Baltimore đã sơ xuất khi làm thuốc gây biến chứng là một dấu hiệu báo động.

Chính phủ Mỹ không cần phải ủng hộ giải pháp miễn thứ tác quyền. Không cần xóa bỏ quyền tư hữu, một nền tảng của kinh tế tư bản.

Thay vì tặng không bản quyền sáng chế của các công ty dược phẩm cho các nhà sản xuất ở những nước nghèo, các nước tiên tiến có thể mua vaccine đem tặng trực tiếp cho thế giới.

Năm ngoái, Công ty Moderna ở Mỹ đã loan báo trong thời gian còn bệnh dịch họ tình nguyện tặng bản quyền sáng chế cho các nước nghèo. Nhiều nhà sản xuất khác cũng đồng ý. Tong tuần này, CureVac ở Đức tuyên bố sẽ để các nhà bào chế khác tự do dùng tác quyền của họ. Công ty Merck, ở Mỹ, đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất Ấn Độ cùng tham gia cuộc thí nghiệm thuốc chủng mới.

Ông Biden biết rằng lời tuyên bố ủng hộ giải pháp “tặng không” quyền sở hữu tri thức của ông sẽ bị bỏ qua. Chính người đứng đầu Tổ chức WTO cũng không tha thiết. Bà Ngozi Okonjo-Iweala, mới nhậm chức từ tháng Ba năm nay sau khi đã hoạt động trong một tổ chức quốc tế về vaccine. Khi vận động tranh cử vào chức vụ mới, bà đã đề nghị một giải pháp trung dung, tạo cơ hội cho các nước nghèo sản xuất thuốc chủng ngừa Covid mà vẫn tôn trọng bản quyền của các nhà chế tạo.

WTO gồm 164 quốc gia. Muốn quyết định miễn thứ tác quyền vaccine thì phải được tất cả 164 nước hội viên đồng ý. Từ năm ngoái, Liên hiệp Âu châu, các nước Thụy Sĩ, Nhật Bản, và cả Brazil đã phản đối – bây giờ thì Brazil là nước được lợi rất nhiều nếu được tự do chế vaccine.

Tại sao ông Biden biết đề nghị của mình sẽ không đi tới đâu mà vẫn nói? Đó là cái tài của các nhà chính trị. Ông làm ra bộ nước Mỹ sẵn sàng hy sinh để cứu nhân loại! Hàng trăm nước tỏ ý hoan nghênh nhưng cuối cùng nếu không cứu được thì cũng thôi!

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG