Đường dẫn truy cập

Biden đánh cược $6,000 tỷ


Cuối cùng, dù hai chương trình hơn $4 ngàn tỷ của ông Joe Biden có được thông qua toàn vẹn hay không, ông vẫn có lợi.
Cuối cùng, dù hai chương trình hơn $4 ngàn tỷ của ông Joe Biden có được thông qua toàn vẹn hay không, ông vẫn có lợi.

Chưa có vị tổng thống Mỹ nào trong 100 ngày đầu tiên nhậm chức đã đặt xuống $6,000 tỷ, đánh cá rằng trong tương mai số tiền khổng lồ đó sẽ sinh lợi lớn. Sáu ngàn tỷ mỹ kim bằng một phần tư Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) Mỹ; cao hơn GDP các nước Nhật ($5.37 ngàn) và Đức ($4.31 ngàn), hai cường quốc kinh tế đứng hàng thứ ba và thứ tư; gấp hơn 2 lần GDP các nước hạng 5, 6, 7 là Anh, Pháp Ấn Độ. (Việt Nam được xếp hạng 38 khiêm tốn, GDP khoảng $355 tỷ).

Ba chương trình chi tiêu của chính phủ Joe Biden gọi tên chỉ khác nhau một chữ đứng giữa, là ARP (American Rescue Plan) lo cứu trợ; AJP (American Jobs Plan) tạo công việc làm; và AFP (American Families Plan) hỗ trợ các gia đình.

ARP chi $1.9 ngàn tỷ nhằm ngăn chặn bệnh dịch và kích thích kinh tế, đã được Quốc hội thông qua trong tháng Ba, tất cả các đại biểu Cộng Hòa bỏ phiếu chống.

AJP $2.3 ngàn tỷ được đề nghị trong tháng Ba, với mục tiêu tạo công việc làm xây dựng các hạ tầng cơ sở. Hai món chi lớn nhất là $650 tỷ cho đường xá cầu cống và $650 tỷ cho hệ thống nước và đường dây “broadband” nối các vùng thôn quê vào internet. Số còn lại nhắm vào y tế cho người già, tàn tật và hỗ trợ việc sản xuất chất bán dẫn và năng lượng mới.

AFP sẽ tốn $1.8 ngàn tỷ được đưa ra vào tháng Tư, chi ra một ngàn tỷ và cắt thuế $800 tỷ cho những gia đình từ trung lưu trở xuống.

Số tiền $1.9 ngàn chi vào ARP sẽ đi vay nợ vì công trái của chính phủ Mỹ vẫn bán khá dễ dàng. Để chi cho AJP, chính phủ Biden sẽ tăng thuế lợi nhuận các công ty từ 21% lên 28%, có thể giảm bớt chút đỉnh nhờ lấp một số lỗ hổng và đặt ra suất thuế tối thiểu các công ty phải đóng (60 trong 500 đại công ty đóng thuế rất ít, hàng chục công ty như FedEx, Nike, Amazon không phải đóng đồng thuế nào cả).

Chương trình AFP sẽ được tài trợ bằng cách gia tăng suất thuế đánh trên những người giàu nhất nước. Lợi tức cá nhân từ $523,600 một năm trở lên đang bị đánh thuế 37% sẽ tăng lên 39.6%. Số người bị tăng thuế chiếm dưới 1% dân số Mỹ. Tăng nặng nề hơn là thuế đánh trên lợi tức kiếm được nhờ đầu tư. Những người đầu tư vào thị trường chứng khoán hay địa ốc, vân vân, khi bán có lời hiện nay bị đánh thuế khoảng 20%, sẽ tăng lên thành 39.6% nếu lợi tức cao từ một triệu đô la trở lên. Chỉ có 0.3% (ba trong 1,000 gia đình Mỹ) sẽ bị ảnh hưởng.

Hai chương trình sau của ông Joe Biden, AJP và AFP, bị chống nhiều nhất là vụ tăng thuế. Lý luận phản đối chính là thuế tăng lên sẽ khiến người ta nản chí không muốn làm việc, không muốn đầu tư thêm, thị trường chứng khoán sẽ tụt xuống, công nhân sẽ mất việc. Ngược lại, cắt giảm thuế sẽ khích lệ các công ty đầu tư, tạo thêm công việc làm cho mọi người.

Trong những ngày qua, thị trường chứng khoán cho thấy giới đầu tư vẫn lạc quan về tương lai. Giá các cổ phiếu tiếp tục leo thang vì người ta nhìn vào viễn ảnh tiền lời của các công ty thế nào cũng tăng khi kinh tế hồi phục. Ngày 22 tháng Tư, 2021, nghe tin chính phủ sắp tăng thuế trên lợi tức đầu tư, giá các cổ phần tụt mất 0.9%; nhưng ngày hôm sau lên trở lại. Trong tháng Tư,chỉ số S&P 500 đã tăng thêm 5.2%.

Lori Calvasina, giám đốc đầu tư của công ty RBC Capital Markets ở New York đã coi lại quá khứ, thấy rằng trong những năm tăng thuế giá cổ phiếu vẫn lên; chỉ số S&P 500 trung bình tăng thêm 11%. Cuối năm 1986, thời Tổng thống Reagan, thuế lợi tức cao nhất tăng từ 20% lên 28%. Trong một năm sau đó, thị trường chứng khoán đã lên cao thêm 40%. Năm 1991, Tổng thống Clinton cũng tăng thuế chút đỉnh, S&P 500 lên cao thêm 26%.Năm 2013, thời Obama, thuế trên lợi tức đầu tư tăng từ 15% lên 23.8%, S&P 500 vẫn tăng 30%.

Một lý do khiến giới đầu tư không nản chí khi bị đánh thuế nặng, là động cơ khiến họ đầu tư không phải để kiếm tiền chi tiêu. Họ thuộc tầng lớp những người không phải lo kiếm tiền để chi tiêu nữa; vì họ đã có đủ các thứ, cả những món xa xỉ nhất, hết cả rồi. Nhưng họ vẫn muốn làm giàu. Những người giàu nhất nước Mỹ, không phải ai cũng như ai. Trong số những người lợi tức cao nhất phải đóng thuế nặng nhất, chỉ một phần trăm kiếm được một nửa số lợi tức của tất cả. Bị đánh thuế nặng người ta vẫn tiếp tục đầu tư để kiếm thêm tiền, tài sản cứ tiếp tục gia tăng, vì họ không chịu thua khi so sánh mình với nhữngngười cùng thuộc tầng lớp giàu có. Tiền kiếm ra được bị đánh thuế nặng, nhưng kiếm thêm tiền vẫn kiếm, thấy cơ hội đầu tư ra tiền vẫn chụp lấy ngay. Một trong số những người giàu nhất nước Mỹ là ông Warren Buffet. Ông, cũng như Bill Gates, đều không phản đối những lần thuế lên cao.

Cuộc đánh cá $6 ngàn tỷ đô la của ông Biden sẽ được đánh giá trên căn bản nó có giúp kinh tế Mỹ lên cao hay không. Chắc chắn kinh tế sẽ tự động lên sau khi đã tụt xuống quá thấp vì Covid-19. Sẽ thêm nhiều người có công việc làm, số tiêu thụ (chiếm ba phần tư Tổng Sản Lượng Nội Địa) gia tăng, kích thích kinh tế Mỹ lên trong mấy năm tới.

Nhưng các đại biểu quốc hội thuộc đảng Cộng Hòa đang phản đối các món chi tiêu trong AJP và AFP không liên quan gì đến hạ tầng cơ sở. Tòa Bạch Ốc đã giải thích rằng những số tiền chi cho người già, chi cho trẻ em sẽ cho phép nhiều phụ nữ được rảnh tay không phải săn sóc cha mẹ gà hay con nhỏ. Họ sẽ đi kiếm việc làm, đóng góp vào nền kinh tế. Những chi tiêu về giáo dục, như các trường mẫu giáo, học miễn phí ở cấp trường cao đẳng (college) đều thuộc loại hạ tầng cơ sở; vì đào tạo các thế hệ công nhân tương lai.

Chưa biết hai chương trình sau của ông Biden sẽ được quốc hội mổ xẻ như thế nào. Muốn thông qua dễ dàng, Tòa Bạch Ốc sẽ phải trình bày như các dự luật ngân sách, để khỏi bị cản trở khi đi qua Thượng viện nơi các luật ngân sách có thể được thông qua với 51 phiếu thuận. Những vấn đề khác có thể không được biểu quyết nếu không được 60 phiếu đồng ý. Hiện nay đảng Dân chủ đã có 50 ghế nghị sĩ, cộng thêm phiếu của bà phó tổng thống ngồi chủ tọa.

Các đại biểu Cộng Hòa vạch ra rằng ba chương trình của ông Biden chứa đựng những dự án mà đảng Dân chủ đã cổ động từ lâu. Trợ cấp cho trẻ em các gia đình nghèo, miễn phí cho sinh viên, giúp tiền cho việc nghiên cứu và sản xuất năng lượng mới, vân vân, tất cả đều không liên can gì đến tai họa Covid-19, cũng không thể xếp vào loại các vấn đề hạ tầng cơ sở. Tòa Bạch Ốc sẽ tìm cách giải thích, nhưng khó thuyết phục những người chống đối. Các chương trình AJP và AFP sẽ bị cắt xén, nhưng sau cùng cũng sẽ được thông qua như các dự luật ngân sách.

Sở dĩ ông Joe Biden dám đánh cá lớn $6 ngàn tỷ như vậy là vì dư luận dân chúng ủng hộ các món chi tiêu được đề nghị. Sau cơn đại dịch, người ta thấy vai trò của chính phủ quan trọng hơn, không lo nhà nước lớn quá nữa!
Một lý do khiến ông Biden “đánh bạo” là vì ông đã rút kinh nghiệm khi làm phó tổng thống. Năm 2008, kinh tế Mỹ đã suy thoái trầm trọng. Khi ông Obama nhậm chức, đáng lẽ chính phủ phải chi tiêu một số tiền lớn để kích thích tiêu thụ, nhưng đã rụt rè chỉ đưa ra một dự án $800 tỷ. Chỉ vì muốn được các đại biểu Cộng Hòa ủng hộ; mặc dù lúc đó đảng Dân chủ kiểm soát cả hai viện. Hậu quả là kinh tế không ngóc lên được, và qua năm 2010 đảng Dân chủ đại bại trong kỳ bầu cử quốc hội. Đến năm 2018 họ mới chiếm lại Hạ viện và năm 2020 kiểm soát Thượng viện với đa số mong manh.

Cuối cùng, dù hai chương trình hơn $4 ngàn tỷ của ông Joe Biden có được thông qua toàn vẹn hay không, ông vẫn có lợi. Sang năm, nếu bình thường thì đảng Cộng Hòa sẽ chiếm lại đa số cả hai viện quốc hội. Nhưng đảng Dân chủ sẽ dùng các dự án $6 ngàn tỷ này để vận động. Họ sẽ nói với dân chúng rằng các đại biểu Cộng Hòa đã bỏ phiếu chống cả ba đạo luật được đa số dân Mỹ ủng hộ. Mà cả ba đều nhắm giúp người già, giúp trẻ em, xây trường học, cho sinh viên học miễn phí, gia tăng số người được bảo hiểm y tế, vân vân!

Đến tháng 11 năm 2022 chúng ta mới biết dân chúng Mỹ phán đoán ra sao!

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG