Đường dẫn truy cập

'Cần hành động để giảm tác động của biến đổi khí hậu'


Ông Rajendra Kumar Pachauri, chủ tịch IPCC, cho biết không có phần đất nào trên thế giới là không bị ảnh hưởng vì khí hậu biến đổi.
Ông Rajendra Kumar Pachauri, chủ tịch IPCC, cho biết không có phần đất nào trên thế giới là không bị ảnh hưởng vì khí hậu biến đổi.

Một nhà khoa học khí hậu hàng đầu cảnh báo là nếu không hành động để giảm bớt tác động của khí hậu biến đổi thì sẽ có những hậu quả tai hại trên toàn thế giới. Ông nói khoa học về khí hậu biến đổi là chính xác và không hành động không phải là giải pháp. Từ Geneva, Thông tín viên Lisa Schlein gởi về bài tường thuật.

Ủy ban Liên Chính phủ về Khí hậu biến đổi IPCC sẽ công bố phần cuối của Phúc trình Đánh giá lần thứ 5 trong vài tuần tới. Phúc trình trước đây phác hoạ những nguy cơ của khí hậu biến đổi và nhấn mạnh đến sự cần thiết phải giảm bớt khí thải CO2 vào bầu khí quyển qua các phương pháp thích nghi và giảm thiểu tác động.

Ông Rajendra Kumar Pachauri, chủ tịch IPCC, ngày hôm nay nói phúc trình sắp công bố sẽ chú trọng đến sự khẩn thiết của các biện pháp thi hành.
Ông nói khí hậu biến đổi sẽ tạo ra những điều kiện tranh chấp lớn hơn khi mọi người tranh nhau vì khan hiếm nước và thiếu thốn lương thực do sản lượng sút giảm của đất nông nghiệp. Ông Pachauri nói những vấn đề rộng lớn sẽ là hậu quả của mực nước biển dâng cao và những nguy cơ về sức khoẻ của con người cũng sẽ gia tăng. Ông nói viễn ảnh của khí hậu biến đổi đối với đời sống các loài thuỷ sản cũng không khả quan.

Ông Pachauri nói: “Mặt khác, tôi nghĩ chúng ta có nhiều chi tiết về hành động có thể được thực hiện. Lẽ dĩ nhiên là phải thích ứng, nhưng về mặt giảm thiểu tác động, tôi nghĩ chúng ta có một số con đường rất rõ ràng mà chúng ta có thể dùng để xử lý vấn đề. Do đó về phương diện đó, tôi có thể nói là phúc trình đánh giá lần thứ 5 một cách tổng quát và chắc chắn phúc trình tổng hợp sẽ là một tài liệu cho chúng ta thấy một số hiểu biết sâu sắc thực tế về những gì nên làm.”

Cháy rừng liên tục xảy ra ở tiểu bang California vì sự biến đổi của khí hậu.
Cháy rừng liên tục xảy ra ở tiểu bang California vì sự biến đổi của khí hậu.

Ông Pachauri nói không có phần đất nào trên thế giới là không bị ảnh hưởng vì khí hậu biến đổi. Do đó mỗi người phải góp phần vào việc làm những gì cần thiết để tránh khỏi tình trạng ngày càng xấu đi. Ông nói thời gian là trọng yếu và hành động không thể bị trì hoãn.

Ông không đồng ý với những người cho rằng việc phát triển năng lượng tái tạo để thay thế cho dầu mỏ và than đá sẽ làm tê liệt nền kinh tế.

Ông nói với Đài VOA là ảnh hưởng kinh tế sẽ rất nhỏ. Ông Pachauri nói thêm là chi phí để giảm thiểu khí thải nhà kính vào năm 2030 sẽ nhỏ hơn 2% mức tiêu thụ toàn cầu.

Ông Pachauri cho biết: “Con số này chỉ vào khoảng .06% tổng sản lượng toàn cầu mỗi năm. Hiện nay rõ ràng đây không phải là một giá cao phải trả, đặc biệt vì việc này sẽ làm triệt tiêu một số ảnh hưởng tồi tệ nhất của khí hậu biến đổi. Và thêm vào đó, chúng ta có thể thấy được một loạt các lợi ích khác nữa.”

Ông nói những lợi ích khác bao gồm mức an ninh năng lượng cao hơn, mức ô nhiễm không khí thấp hơn, hệ thống sinh thái ít bị ảnh hưởng hơn, mức sản xuất nông nghiệp cao hơn, và số công ăn việc làm có thể nhiều hơn.

Ông Pachauri nói tiểu bang California của nước Mỹ đã thi hành chính sách sử dụng năng lượng có hiệu quả trong vài năm qua, và đã có mức tăng trưởng cao hơn các tiểu bang khác và đang hưởng lợi do sự giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng.

Phúc trình Đánh giá lần thứ 5, được công bố vào ngày 2 tháng 11, sẽ là phúc trình cuối cùng của IPCC trước khi một hiệp ước toàn cầu về khí hậu biến đổi được ký kết giữa các quốc gia vào năm tới tại một Hội nghị ở Paris.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG