Đường dẫn truy cập

Úc hủy bỏ thuế carbon


Thủ tướng Australia Tony Abbott nói rằng thuế carbon là 'thuế phá hoại' và không giúp ích gì nhiều cho mục tiêu bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Australia Tony Abbott nói rằng thuế carbon là 'thuế phá hoại' và không giúp ích gì nhiều cho mục tiêu bảo vệ môi trường.

Quốc hội Úc đã biểu quyết để hủy bỏ thuế carbon và một chương trình trao đổi quyền thải khí gây tranh cãi. Thủ tướng Tony Abbott thuộc phe bảo thủ nói rằng hủy bỏ thuế này có ích cho hoạt động kinh doanh và giảm bớt giá điện cho dân chúng. Những người chỉ trích nói rằng ông Abbott đang đưa Úc đi thụt lùi trong lúc các nước khác trên thế giới tiến về phía trước trong cuộc chiến chống nạn biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Abbott tin rằng thuế carbon gây phương hại cho tăng trưởng kinh tế và gây sức ép tài chánh quá nhiều cho dân chúng.

Ông nói rằng thuế này là “thuế phá hoại” và không giúp ích gì nhiều cho mục tiêu bảo vệ môi trường.

Thuế carbon được áp đặt vào tháng 7 năm 2012 bởi chính phủ tiền nhiệm của Đảng Lao động. Hàng trăm công ty gây ô nhiễm nhiều nhất nước đã phải trả một khoản tiền cho mỗi tấn carbon dioxide mà họ thải ra. Sau hai lần thất bại, dự luật hủy bỏ thuế carbon đã được Thượng viện Úc thông qua với 39 phiếu thuận và 32 phiếu chống.

Úc là nước thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất, vì nước này sử dụng rất nhiều than đá, một nguồn năng lượng mà họ có rất nhiều và giá rất rẻ.
Úc là nước thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất, vì nước này sử dụng rất nhiều than đá, một nguồn năng lượng mà họ có rất nhiều và giá rất rẻ.

Thượng nghị sĩ Ian Macdonald nói với quốc hội rằng việc đánh thuế carbon là phí phạm thời giờ mà chẳng có ích gì cả.

Ông Macdonald phát biểu: “Úc thải chưa tới 1,4% lượng khí thải toàn cầu và nếu không có những nỗ lực nghiêm túc của Mỹ, Trung Quốc, Nga và Liên hiệp Âu châu thì việc giảm 5% khí thải của Úc chẳng tạo ra một sự khác biệt nào cả.”

Tuy nhiên, nếu tính theo đầu người thì trong thế giới các nước phát triển Úc là nước thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất, vì nước này sử dụng rất nhiều than đá, một nguồn năng lượng mà họ có rất nhiều và giá rất rẻ.

Những người chỉ trích nói rằng Thủ tướng Abbott đã phạm một sai lầm vô cùng to lớn trong lãnh vực bảo vệ môi trường, và lãnh tụ phe Lao động đối lập Bill Shorten cho rằng ông Abbott “gây xấu hổ” cho đất nước.

Bà Penny Wong, cựu bộ trưởng biến đổi khí hậu thuộc Đảng Lao động, cho rằng môi trường đã bị hy sinh vì những lợi ích chính trị ngắn hạn.

Bà Penny Wong cho rằng môi trường đã bị hy sinh vì những lợi ích chính trị ngắn hạn.
Bà Penny Wong cho rằng môi trường đã bị hy sinh vì những lợi ích chính trị ngắn hạn.

Bà Wong nói: “Một người tên Tony Abbott đã quyết định là lợi ích chính trị của ông ta đòi hỏi ông ta không xét tới những việc có trách nhiệm, không xét tới những việc đúng đắn, không xét tới một sự ứng phó hữu hiệu và đáng tin cậy cho vấn đề biến đổi khí hậu; và thay vào đó, ông ta phải sử dụng thủ đoạn gây sợ hãi trong dân chúng để phục vụ cho những lợi ích chính trị, cho những tham vọng chính trị của mình.”

Tuy nhiên, chính phủ Úc cho biết sự cam kết là trước năm 2020 mức khí thải sẽ giảm 5% so với mức của năm 2000 sẽ được thực hiện thông qua một kế hoạch mà họ gọi là “kế hoạch hành động trực tiếp”, trong đó có những tưởng lệ tài chánh dành cho những công ty gây ô nhiễm để họ gia tăng hiệu suất năng lượng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG