Ủy ban châu Âu (EC) vừa ra quyết định điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản và Ai Cập, theo một công báo đăng trên cổng thông tin của Liên minh châu Âu (EU).
Công báo cho biết cuộc điều tra được khởi động từ ngày 8/8/2024, sau khi Hiệp hội Thép Châu Âu (EUROFER) đưa ra khiếu nại vào cuối tháng 6/2024, cáo buộc rằng các sản phẩm thép dẹt cán nóng có nguồn gốc từ 4 quốc gia này đang được bán phá giá vào thị trường EU và gây thiệt hại cho ngành công nghiệp của khối.
Thông báo nói rằng cuộc điều tra về bán phá giá tập trung vào giai đoạn từ ngày 1/4/2023 đến ngày 31/3/2024.
Theo thông báo, đương đơn khiếu nại cho rằng trong giai đoạn nêu trên, việc sử dụng giá nội địa ở Việt Nam trong tất cả các tháng là không phù hợp, vì có những giao dịch mua bán đã được thực hiện ở mức dưới giá thành trong một số tháng, và do đó, chúng bị xem là không nằm trong quá trình thương mại thông thường.
Ngoài ra, thông báo còn nêu ra thêm rằng bên khiếu nại đã cung cấp đầy đủ bằng chứng cho thấy có thể có sai lệch về nguyên liệu thô liên quan đến sản phẩm từ Việt Nam và Ấn Độ đang bị điều tra .
Cuộc điều tra sẽ kết thúc trong vòng một năm, với thời gian gia hạn tối đa là 14 tháng.
Ngay sau khi EU thông báo khởi động cuộc điều tra này, Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương Việt Nam khuyến nghị Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra nghiên cứu kỹ các thông tin tài liệu gửi kèm, hợp tác đầy đủ toàn diện với EC để cung cấp các thông tin, tài liệu theo đúng thể thức và thời hạn quy định.
Thép cán nóng (HRC) mà EC đang khởi xướng điều tra được biết là nguyên liệu thượng nguồn sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác, truyền thông Việt Nam loan tin.
Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam cho hay mặc dù sản xuất thép của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 13 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN, nhưng thép Việt Nam cũng là mặt hàng bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ rất nhiều quốc gia như Mỹ, EU, Australia, Malaysia, Indonesia…
“Các nước vận dụng rất nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường của họ”, Cổng thông tin Chính phủ viết.
Trang này dẫn lời bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết tính đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có đến 73 vụ (tức gần 30%) liên quan các sản phẩm thép.
Diễn đàn