Theo một bản tin đăng trên nhật báo Washington Post, Philippines đã tỏ ra sẵn sàng tiếp đón các tàu bè, máy bay thám thính của Mỹ và tiến hành các cuộc tập trận chung.
Hoa Kỳ đã buộc phải rời khỏi căn cứ hải quân ở Vịnh Subic của Philippines trong thập niên 1990 sau khi các nhà lập pháp bác bỏ một hiệp ước mới. Nhưng theo ông Carl Thayer, một chuyên gia phân tích về Đông nam châu Á của trường Đại học New South Wales, thì giới lãnh đạo Philippines nay đang tiếp xúc với Hoa Kỳ để chống lại sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và những vụ xung đột giữa các tàu bè Trung Quốc và Philippines trong vùng biển Nam Trung Hoa, mà Việt Nam gọi là Biển Đông.
Ông Thayer nói: “Tinh thần dân tộc của Philippines bị đánh động bởi vì có thêm những vụ xâm nhập kể từ năm ngoái trong hải phận Philippines, và cơ bản là Philippines có cơ sở rất thấp để thậm chí biết được rằng việc gì đang xảy ra, chứ đừng nói tới việc thực thi quyền lực.”
Vùng Biển Ðông có tầm quan trọng chiến lược vô cùng to lớn và được cho là có trữ lượng khổng lồ về dầu khí. Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Brunei và Malaysia đều đòi chủ quyền một số khu vực.
Cuộc thảo luận về sự hiện diện tăng cường của Hoa Kỳ ở Philippines diễn ra sau các thỏa thuận bố trí hàng ngàn binh sĩ Hoa Kỳ ở Australia và đặt căn cứ cho các tầu chiến Mỹ ở Singapore.
Ông Thayer không lấy làm ngạc nhiên trước cuộc thảo luận nhằm tăng cường trở lại các quan hệ giữa Mỹ và Philippines, trong bối cảnh vài năm gần đây Philippines đã từng lớn tiếng tán thành sự can dự của Hoa Kỳ trong vùng, và là nước nhận được nhiều viện trợ quân sự nhất của Hoa Kỳ ở đông nam châu Á. Hoa Kỳ đã sẵn có khoảng 600 quân nhân thuộc Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ làm cố vấn cho quân đội Philippines và tham gia chiến đấu chống lại phiến quân có liên hệ với al-Qaida.
Hoa Kỳ không ngả về bên nào trong việc khẳng định chủ quyền của từng nước ở vùng Biển Ðông, nhưng ủng hộ một đường lối đa phương nhằm giải quyết các tranh chấp dựa vào luật quốc tế về biển và Quy ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc.
Ông Thayer cho rằng sự quan ngại về Trung Quốc đã mở đường cho quân đội Hoa Kỳ tái bố trí trong vùng châu Á Thái Bình Dương để bảo vệ các quyền lợi kinh tế và chiến lược của chính mình và được hoan nghênh như một lực lượng tạo ổn định.
Ông Thayer nói: “Việc tái quân bình và bàn luận về châu Á Thái Bình Dương tiếp nối suốt từ việc bố trí các binh sĩ thủy quân lục chiến luân phiên ở khắp Australia nhắm mục đích mở rộng tầm với tức thời của Hoa Kỳ để phản ứng với các trường hợp khẩn cấp và phô trương một áp lực liên tục nhằm hỗ trợ và đem lại sự ổn định trong khắp khu vực.”
Ông Thayer nói hậu thuẫn của đông nam châu Á dành cho việc tăng cường sự can dự của Hoa Kỳ đã buộc Trung Quốc phải tái thẩm định sách lược của họ trong vùng Biển Ðông, và tập trung nhiều hơn vào việc giao tiếp với các nước trong khu vực qua các đường lối ngoại giao.
Hai thập niên sau khi lực lượng Hoa Kỳ bị đẩy ra khỏi căn cứ lớn nhất ở Thái Bình Dương, Philippines có thể yêu cầu Hoa Kỳ trở lại để đối đầu với sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc. Hoa Kỳ và Philippines đang mở các cuộc đàm phán nhằm gia tăng sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam châu Á. Từ Jakarta, thông tín viên VOA Brian Padden gửi về bài tường thuật sau đây.